Bếp than tổ ong - một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội (Ảnh minh họa). |
Theo khảo sát của các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội như khí thải xe máy, vật liệu và quản lý phá dỡ công trình xây dựng vận chuyển phá dỡ chưa kiểm soát được bụi; đốt rơm rạ; khói bụi từ các vùng lân cận; tác động của thời tiết chuyển mùa…
Trong đó, có yếu tố người dân sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Hiện nay, đây vẫn là thói quen khó bỏ của một số hộ dân. Không chỉ gây ra các căn bệnh liên quan đường hô hấp, tim mạch, những ai bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, mất phản xạ ở vỏ não…
Do vậy, nhằm cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đã và đang triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.
Lộ trình thực hiện sẽ qua 3 giai đoạn: Từ ngày ban hành Chỉ thị này đến ngày 31/12/2019, tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp dân cư về chủ trương của thành phố.
Từ ngày ban hành Chỉ thị này đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 1/1/2021, Sở TN-MT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Theo tìm hiểu của PV, trên cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội, lúc 10h sáng 15/12, chỉ số AQI ở mức 128 - đây là mức “kém”.