| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội qua con mắt những người đạp xích lô

Thứ Năm 07/01/2010 , 15:54 (GMT+7)

Vất vả, mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi cả bức xúc… nhưng nhờ được học hỏi thêm nhiều kiến thức về Hà Nội, được yêu hơn mảnh đất này mà họ - những người đạp xích lô - đã vượt qua được tất cả khó khăn...

Mỗi ngày, họ phải đạp đến hàng trăm kilômét trên chiếc xích lô để đưa du khách tham quan những điểm đến vốn đã quá quen thuộc với họ tại Hà Nội. Đôi chân của họ cũng đã phải guồng không biết bao nhiêu vòng xe để mưu sinh cho cả gia đình.

Vất vả, mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi cả bức xúc… nhưng vượt qua tất cả và giúp họ gắn bó với nghề, cũng là bởi như một người đạp xích lô tâm sự: "Với nghề này, tôi được học hỏi thêm rất nhiều kiến thức về văn hóa Hà Nội, thấy hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất đã cưu mang mình mấy chục năm nay."

Chúng tôi gặp ông Đỗ Viện rất tình cờ ở bến đỗ xích lô gần Nhà hát Lớn Hà Nội. Người đàn ông nhỏ bé này đã có 30 năm gắn bó với nghề đạp xích lô, sau khi từ giã đời quân ngũ trở về nhà.

Ông bảo, nghề xích lô này phải cần mẫn và kiên trì như một anh đi câu cá. Có ngày được, có ngày không, có ngày thì làm không hết việc, có ngày thì ngồi đến phát chán, chẳng buồn đuổi ruồi.

Cũng có những hôm vừa và miếng cơm đầu tiên vào miệng thì khách đến, lại phải gói ghém lại đấy, đưa khách đi rồi về tính sau. Lại có những hôm bụng đã réo rắt kêu mà vẫn phải ngồi mòn yên đạp xe để trả khách theo đúng hẹn…

Ông Viện tâm sự: “Nghề này, vui thì rất vui mà cực cũng rất cực”. Vui vì anh em trong nghề cũng yêu thương nhau lắm, cứ sáng đến bến là dăm ba câu chuyện cười, người nọ kể cho người kia để có được những nụ cười “lấy may mỗi sáng”.

Vui vì anh em luôn chia sẻ cho nhau những “bí mật” cuộc đời mà bí mật có gì to tát đâu: Uống được vài chai bia ngon cũng mách, tìm được chỗ nhậu nghỉ ngơi sau mỗi buổi chiều cũng rủ nhau đi “chén chú, chén anh”.

Vui vì gặp những người khách rất tử tế nữa. Họ thương ông bé nhỏ, già cả nên rất hay “tip” thêm cho ông, ngoài quy định “tip cho xích lô, tài xế, hướng dẫn viên 1 USD/người/khách”. Vui vì gặp những người khách vui tính, chỉ cần nói chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể cũng đủ để khiến khách đi xe và chủ xe cười nghiêng ngả.

Nhưng cực thì cũng khỏi nói. Khách tây đa phần to béo mà người đạp xích lô nhà ta thì đa phần “ốm yếu”. Nhiều chuyện cười ra nước mắt vì sự “mất cân bằng” giữa khách và người đạp xích lô.

Ông Viện kể, có lần, một người khách nữ đến từ đất nước Nga khá to béo đã chọn lên xích lô của ông. Vì chưa có kinh nghiệm nên khi ông xuống xe để đỡ người phụ nữ đó lên thì chiếc xe chới với, nghiêng đổ.

Người khách hoảng hồn vì bị ngã chúi xuống gần đường. May mà có mấy anh em gần đó đến giúp, không thì ông không biết làm cách nào để đỡ người phụ nữ đó lên.

Mấy ngày hôm sau, người phụ nữ đó lại quay lại chỗ đội xích lô đỗ, vừa trông thấy ông ra mời, đã nở nụ cười rất ý nhị và nói liên tục “no, no”. Ông cũng chỉ cười xòa và ra dấu “đã hiểu”, rồi giới thiệu một đồng nghiệp cao to, đủ để lo cho khách an toàn.

Rồi lại cực trong khoản giao tiếp, trao đổi về chuyện chi phí cho một cuốc xích lô. Đã có lần vì hiểu lầm, ông nói giá là 20.000 đồng nhưng chưa kịp nghe xong, khách đã trả cho ông 20 USD.

Vừa nhận tiền, chưa kịp quy đổi ra tiền Việt để trả lại cho khách thì họ đã bỏ đi, để lại ánh mắt rất không thiện chí và một câu “phản đối” bằng tiếng nước họ… Ông không biết làm thế nào vì không đủ khả năng diễn đạt cho họ hiểu và cũng không thể kéo họ lại để trả tiền cho họ.

Ông tâm sự: “Hôm ấy về nhà tôi cứ nhớ mãi ánh mắt của họ, không biết chuyện này có ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ về người Việt Nam mình không?”.

Với một người giàu lòng tự trọng như ông Viện, đây quả là điều làm ông trăn trở nhiều ngày. “Nhưng, cũng lại có những kỷ niệm khiến tôi không thể không yêu cái nghề của mình” - ông Viện tâm sự. Cái kỷ niệm ấy của ông, thật đặc biệt, lại gắn với câu chuyện về… vị đậm đà của men bia Halida Thăng Long.

Ông kể cách đây không lâu, ông có gặp một đôi khách vợ chồng Pháp, họ muốn được dẫn đi mua tất cả các loại đặc sản Hà Nội. Ông đưa họ đi khắp nơi, mua đủ từ bánh cốm, ô mai, sấu ngâm, bánh chả rồi ăn phở, thưởng thức bánh cuốn. Đến lúc chuẩn bị về, họ lại lôi 2 chai bia Halida Thăng Long ra tặng ông.

Ông bất ngờ và nhìn họ rất tò mò như muốn hỏi vì sao họ lại tìm được loại bia này và vì sao lại tặng ông loại bia này? Họ đã tươi cười chỉ cho ông hình ảnh con rồng được khắc rất tinh tế trên thân chai.

Ông tâm sự: “Mình là người Việt, ăn uống trên đất Hà Nội 50 năm nay mà không để ý đến chi tiết ấy, thế mà những người khách từ trên chục nghìn cây số tìm đến đây lại rất thích hình ảnh rồng bay ấy. Đúng là văn hóa Việt, văn hiến Thăng Long - Hà Nội rất được du khách chú ý và tìm hiểu”.

Nghề đạp xích lô có những phút vui như thế, nên nó cũng xóa đi nhiều nỗi cơ cực khác. Sự cơ cực của một người đã có tuổi, nhét chữ nghĩa kiến thức vào đầu nữa cũng khó, thế mà cứ hàng năm, dân đạp xích lô du lịch lại phải học qua các khóa đào tạo du lịch, học qua các lớp giao tiếp cơ bản.

Toàn những ông già với nhau (người trẻ cũng ngoài 50 tuổi, già thì có thể đến ngoài 70) cứ xì xà xì xồ… Rồi nỗi cực của “cái khoản” đọc sách hàng ngày để tìm hiểu thêm kiến thức về Hà Nội, về những địa danh Hà Nội, về những đặc sản Hà Nội để giới thiệu với du khách.

“Không phải chúng tôi lười đâu, nhưng đạp xe cả ngày, chân tay mỏi nhừ, lưng thì đau ê ẩm mà tối nào cũng tròng đôi kính vào mắt, cặm cụi xem. Ngồi nhiều thì mỏi, nằm một tí lại đến cơn buồn ngủ. Kể cũng cực thật”.

Nói thì vậy thôi nhưng tôi biết, ông Viện luôn thủ theo một cuốn sách về Hà Nội trên xe để những lúc vắng khách, ông tranh thủ đọc, tìm kiếm thêm chút ít kiến thức để du khách yêu Hà Nội hơn.

Chia tay người đạp xích lô dáng nhỏ thó, tuổi ngoài 60 này, những câu chuyện của ông cứ để lại ấn tượng trong tôi, ấn tượng về những người đang âm thầm truyền tải những giá trị văn hóa Việt, giá trị lịch sử của 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tới những du khách quốc tế.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm