| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của tác giả ‘Tiến về Sài Gòn’

Thứ Bảy 27/04/2024 , 07:06 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tác giả ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ được hé lộ trong chương trình Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 27/4.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua nét vẽ của người vợ - họa sĩ Trịnh Kim Vinh.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua nét vẽ của người vợ - họa sĩ Trịnh Kim Vinh.

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gắn liền với quan niệm của ông ngay từ thời trai trẻ: “Tình yêu là một nguồn hạnh phúc. Song chẳng phải là nguồn duy nhất. Nguồn hạnh phúc mà ít người biết đến là đức hy sinh. Yêu là cho chứ không phải là xin”.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) là một nhân vật lỗi lạc trong đời sống văn hóa Việt Nam. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 1996.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được xem như người viết hùng ca nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc nước ta. Tác phẩm của ông thúc giục bao thế hệ hành động mạnh mẽ và quyết liệt với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. 35 năm sau khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giã biệt dương gian, công chúng vẫn còn thắc mắc: người chuyên viết hùng ca ấy, có lúc nào viết tình ca không?

Trong sự nghiệp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng có một bản tình ca, tên là “Hương Giang dạ khúc” ghi dấu một chuyện tình khó quên của ông. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không công bố “Hương Giang dạ khúc”, nhưng nhiều người bạn của ông vẫn truyền tụng giai thoại lãng mạn xung quanh bài hát này.

Theo chính bút tích của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì “Hương Giang dạ khúc” được viết năm 1943. Đặc biệt hơn, trên bản thảo “Hương Giang dạ khúc” có mấy chữ đề tặng “Thương về Thu Hương”. Vậy người được gọi trìu mến “Thu Hương” có ý nghĩa gì trong bài hát?

“Thu Hương” là cô gái Huế từng viết thư bày tỏ sự hâm mộ dành cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khi ông đang học Y Dược ở Hà Nội. Lá thư đầu tiên, Thu Hương viết bằng tiếng Pháp, khiến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không hài lòng. Ông hồi âm: “Thưa cô, cô là người Việt mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt”.

Thư sau, Thu Hương bộc bạch: “Vì tôi quý trọng nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng Anh mà gọi bằng Ông thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã mượn tiếng Pháp để tự xưng là Je (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng Vous (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy”.

Thư đi thư lại, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước rất cảm mến Thu Hương. Nhân một chuyến tàu từ Nam ra Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã quyết định dừng lại Huế để tìm Thu Hương.

Đáng tiếc địa chỉ mà Thu Hương ghi trên thư chỉ là nơi nhận dùm. Không gặp được người trong mộng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tìm một chỗ quen tá túc. Danh tiếng như Lưu Hữu Phước lúc ấy, thì nhiều người quý mến lắm. Trong ngôi nhà mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dừng chân, có một cô gái tên Lan tình nguyện dắt ông đi thăm thú xứ Huế.

Theo chân nàng Lan đi khắp miền sông Hương núi Ngự, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn ngơ ngẩn nghĩ về Thu Hương. Và bài hát “Hương Giang dạ khúc” ra đời vào cái đêm nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ngỡ rằng mình đã bị vụt mất mối tình đẹp: “Nhón chân bước xuống thuyền, tình tôi thương nhớ… Làn hương thu, mờ trong bóng chiều, vờn rung nắng ngà, nhẹ đưa đưa xa, làn hương thu…”.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có biết đâu, “làn hương thu” mà ông gọi thầm thì chính là Lan! Vâng, chính là Lan đã dùng tên Thu Hương để viết thư cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhưng đứng trước mặt thần tượng thì cô không dám thú nhận điều đó. Rồi sự đời vần xoay, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và người đẹp Thu Hương không còn liên lạc nữa.

Giáo sư Trần Văn Khê kể, năm 1961 có dịp ghé New York và gặp một phụ nữ Huế theo chồng định cư ở đó. Người phụ nữ tên Lan dò hỏi: “Ông có biết bài hát “Hương Giang dạ khúc” không?”. Giáo sư Trần Văn Khê trả lời bằng cách hát nguyên cả bài hát “Hương Giang dạ khúc”. Nghe xong, bà Lan ôm mặt khóc và thổ lộ bà là Thu Hương trong “chuyện tình khó quên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Năm 1976, giáo sư Trần Văn Khê trực tiếp tường thuật câu chuyện trên cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nghe. Giáo sư Trần Văn Khê nói thêm, “Thu Hương” bất hạnh qua đời vì một tai nạn giao thông ở Mỹ năm 1967. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước im lặng, rồi lấy tay lau nước mắt.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Cuộc đời 68 năm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một bản hùng ca cách mạng. Tên ông được đặt cho đường phố, cho trường học, cho công viên tại Cần Thơ và nhiều tỉnh thành khác. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có vợ là họa sĩ Trịnh Kim Vinh và có 3 người con.

Cũng có chí hướng giống nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, họa sĩ Trịnh Kim Vinh rời gia đình ở Hà Nội đi theo cách mạng từ năm 13 tuổi. Sau khóa đào tạo ngắn hạn ở chiến khu Việt Bắc, họa sĩ Trịnh Kim Vinh dạy mỹ thuật cho học sinh tiểu học. Năm 1960, họa sĩ Trịnh Kim Vinh chính thức vào giảng đường Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi đi tu nghiệp tại Đức. Họa sĩ Trịnh Kim Vinh có nhiều bức tranh vẽ các nữ du kích rất được lưu giữ trong các bảo tàng nghệ thuật.

Do có sự tương đồng nhất định về lý tưởng, nên vừa có duyên gặp gỡ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và họa sĩ Trịnh Kim Vinh đã phải lòng nhau, dù bà nhỏ hơn ông 11 tuổi. Tại lễ cưới của họ, nhà thơ Tố Hữu ứng tác để tặng mấy câu thơ: “Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ Cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ Bây giờ tình đã gặp tình/ Chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn”.

Trong thời gian nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tham gia chống Mỹ ở Căn cứ trung ương cục miền Nam, họa sĩ Trịnh Kim Vinh suốt 10 năm một mình nuôi con tại thủ đô. Họa sĩ Trịnh Kim Vinh kể lại: “Trước khi nhận nhiệm vụ về chiến trường miền Nam quê hương, anh Lưu Hữu Phước tranh thủ làm cho các con một món đồ chơi hình thù như cái nhà để nuôi dế mèn, vì anh biết các con rất thích dế mèn. Cái nhà đồ chơi cao 20cm bằng giấy bìa, kiến trúc rất đẹp, cũng có bậc thang lầu, có hành lang, có cửa sổ, cửa thông qua các phòng để dế mèn chui qua lại và gáy vang… Anh Lưu Hữu Phước về Nam, những đứa con ở lại Hà Nội với mẹ, nhớ cha da diết. Nét mặt chúng thẫn thờ khi nghe tiếng dế gáy. Tôi thương chồng thương con, mỗi ngày nuốt nước mắt vào lòng”.

Non sông thống nhất, họa sĩ Trịnh Kim Vinh mới được đoàn tụ cùng người chồng tên tuổi lừng lẫy! Tài sản quý giá nhất mà họa sĩ Trịnh Kim Vinh mang từ Bắc vào Nam để sum họp gia đình là những bức thư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết cho vợ những ngày khói lửa chiến tranh. Trong đó, có một lá thư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mừng vợ 40 tuổi, vào năm 1972. Ông viết: “Ngày hôm nay sinh nhật của em, anh đang ở một điểm thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Anh nhớ em. Em đã tròn 40 tuổi, nhưng người cách mạng không bao giờ già. 40 tuổi là 40 mùa Xuân. Cứ Xuân mãi nhé em”.

Họa sĩ Trịnh Kim Vinh nói về người chồng nổi tiếng: “Anh Lưu Hữu Phước tài hoa nhưng rất chung thủy. Hơn nữa, anh Lưu Hữu Phước rất tốt bụng và rất hào hiệp”. Bà chia sẻ, sau khi cưới nhau, bà đan cho chồng một chiếc áo len. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xem chiếc áo len như bảo bối. Vậy mà, có một đêm cuối năm 1960, ông trở về nhà thú nhận rằng, ông vừa gặp anh hùng Núp từ Tây Nguyên ra Hà Nội bị rét co ro vì chưa quen cái lạnh xứ Bắc, nên ông đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng anh hùng Núp. Ông rụt rè nói với vợ: “Anh mong em đừng giận”.

Dĩ nhiên, họa sĩ Trịnh Kim Vinh không trách gì chồng. Bà lặng lẽ đan cho ông một chiếc áo len khác. Năm 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã mang chiếc áo len có hơi ấm yêu thương của vợ vào chiến trường miền Nam. Sau ngày 30/4/1975, trong hành lý theo nhạc sĩ Lưu Hữu Phước “tiến về Sài Gòn”, có chiếc áo len ấy được gói ghém cẩn thận cùng những bản hùng ca bất tử của ông.

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm non sông thống nhất, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có niềm lãng mạn giữa bản hùng ca” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 27/4.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.