Chiều 10/3, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, công tác xã hội hóa thay thế cây xanh tại khu vực nội thành thời gian qua đã thu hút nhiều đơn vị tham gia.
Theo đó, việc chặt hạ 115 cây, dịch chuyển 12 cây, trồng 117/125 cây thay thế trên tuyến phố Huế – Hàng Bài bằng kinh phí của tập đoàn Vingroup.
Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Sở Xây dựng cũng đã cấp phép cho quận Thanh Xuân xã hội hóa cây xanh trên tuyến đường Khuất Duy Tiến: chặt hạ 64 cây, dịch chuyển 20 cây, trồng 95 cây; cấp phép cho các đơn vị thực hiện xã hội hóa trên một số tuyến như Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Cát Linh…
Cũng theo ông Dục, công tác thay thế cây không đúng chủng loại đô thị, cây cong nghiêng, mất an toàn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cũng được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa do Công an Thành phố và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng sẽ hoàn thành trong tháng 3/2015.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện trên đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài được trồng hai bên vỉa hè. Ngoài cây hoa sữa (228 cây), keo (81 cây), 13 loài còn lại có số lượng không đáng kể, tạo ra sự không đồng đều về chủng loại cây trên tuyến đường này.
Phố Nguyễn Chí Thanh nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing
Để tạo cảnh quan đẹp trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ 381 cây nói trên bằng cây Vàng tâm.
Đường Nguyễn Chí Thanh dài 1,8km và được bình chọn là một trong những con đường đô thị đẹp nhất Việt Nam.
Theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố được UBND thành phố Hà Nội thông qua, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành.