| Hotline: 0983.970.780

Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí thời gian giãn cách xã hội đến 22/8

Thứ Sáu 06/08/2021 , 11:24 (GMT+7)

Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn Thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 15 ngày đến 22/8.

TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày. Ảnh: Giang Huy.

TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày. Ảnh: Giang Huy.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn Thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 15 ngày đến ngày 22/8.

Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7. Sau gần 2 tuần, diễn biến dịch tại thủ đô có chuyển biến tích cực, song số ca mắc được phát hiện tại cộng đồng vẫn ở mức cao, chiếm 50-60% số ca nhiễm hàng ngày.

Thời gian qua, Hà Nội đã huy động lực lượng toàn thành phố để xét nghiệm, truy vết và bóc tách các F0 trong cộng đồng. Bên cạnh việc xét nghiệm sàng lọc tại nơi nguy cơ cao, thành phố cũng yêu cầu ngành y tế đẩy mạnh xét nghiệm người ho, sốt; qua đó, phát hiện nhiều ổ dịch nguy hiểm như ở Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Tuy nhiên, thành phố liên tiếp phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp, số lượng F0 lớn như Nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa), Công ty thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng). Dịch bệnh tấn công vào các chuỗi siêu thị, chợ dân sinh làm gián đoạn nhiều hoạt động đời sống của người dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) nhận định F0 ngoài cộng đồng những ngày qua nhiều vì họ có thời gian ủ bệnh 14 ngày, chưa kể nhiều người đã dương tính trước khi thành phố siết chặt giãn cách. Hà Nội đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng tất yếu số ca mắc tăng nhanh. Nhưng nhìn chung, tình hình trong tầm kiểm soát.

Vị chuyên gia cho rằng lệ lây nhiễm cộng đồng là con số rất đáng lưu tâm, đặc biệt quan trọng để đánh giá mức độ dịch bệnh của Hà Nội hiện nay.

Ngoài ra, ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng diễn biến dịch thời điểm hiện tại có nhiều điểm rất phức tạp, khó lường, dự báo nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thành phố đã phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm thông qua sàng lọc ho, sốt. Có chuỗi đã đến chu kỳ lây thứ 2, 3 và rải rác ở nhiều quận, huyện.

Bên cạnh đó, các ổ lây nhiễm bắt đầu xâm nhập âm thầm vào bệnh viện, chuỗi cung ứng hàng hóa, chợ dân sinh, siêu thị. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống người dân trong chuỗi ngày giãn cách.

TP. Hà Nội đã lên phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

TP. Hà Nội đã lên phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Trước đó, chiều ngày 5/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công văn về tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021.

Theo đó, cùng với quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, UBND Thành phố sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".

Cụ thể, từ đầu tháng 8, các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19. 

UBND Thành phố cũng sẽ cơ cấu cân đối nguồn lực của Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, nhân lực, vật tư thi công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm của Thành phố. Bảo đảm tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch.

Tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách Thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỉ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Để tăng nguồn thu cho ngân sách, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã, trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội, trung tâm phát triển quỹ đất các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đủ điều kiện trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng; xem xét giãn, hoãn các khoản thuế, phí phù hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài khi tình hình dịch ổn định. 

Tập trung sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái đàn, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2021 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất