| Hotline: 0983.970.780

Luật thông thoáng, mở 'cánh cửa' với nhà ở xã hội

Thứ Tư 02/04/2025 , 11:05 (GMT+7)

'Nhiều doanh nghiệp bất động sản băn khoăn nên đầu tư vào phân khúc nào? Tôi khuyên nên đầu tư vào nhà ở xã hội vì được hưởng nhiều ưu đãi', ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Nhà ở xã hội hưởng nhiều ưu đãi nhất

Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2024 có rất nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản xây dựng nhà ở xã hội sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu. Nhà nước sẽ trực tiếp giao đất cho doanh nghiệp. Khi Nhà nước giao đất, doanh nghiệp còn được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để làm nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp không phải nộp tiền, không phải nộp thủ tục để xin phép, không phải làm thủ tục đi xin xem mình được miễn bao nhiêu tiền sử dụng đất. 

Trước đây, theo quy định cũ, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải đi làm thủ tục xác định giá đất để xem được miễn bao nhiêu? Thời gian này phải mất 6 tháng đến vài năm mới xong. Hiện tại, Luật Đất đai 2024 đã loại bỏ hết các điều kiện này, doanh nghiệp không phải làm thủ tục xin miễn, không phải làm thủ tục xác định giá đất. Luật Đất đai rất thông thoáng, doanh nghiệp có thể làm thủ tục xin giao đất rất nhanh chóng. Ngoài ra, Luật cũng ưu tiên rất nhiều về quy hoạch. Với chính sách đổi mới này, việc phát triển nhà ở xã hội rất thuận lợi, không phải khó khăn như trước đây. 

Trong Luật Đất đai 2024, Nhà nước đã cho địa phương chủ động hơn trong quy hoạch đất dành cho nhà ở xã hội. Đối với quỹ đất 20% dùng để phát triển dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được sử dụng để phát triển các dự án thương mại dịch vụ hoặc nhà ở thương mại. Chủ đầu tư hoàn toàn được thu lợi nhuận từ phần diện tích này. Chủ đầu tư được giao quỹ đất 20% không phải qua đấu giá, đấu thầu. Nếu làm nhà ở thương mại chắc chắn doanh nghiệp phải tham gia đấu giá đấu thầu. Đây là điểm lợi rất lớn mà doanh nghiệp được thu lợi từ việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. 

Nhà ở xã hội đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: Thùy Linh. 

Nhà ở xã hội đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: Thùy Linh. 

Theo ông Lê Văn Bình, Nhà nước đã đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội với quyết tâm chính trị cao. Các tỉnh đã có cam kết với Thủ tướng và nhận chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội thì phải quyết tâm thực hiện mục tiêu. Việc phát triển nhà ở xã hội không phải là việc của doanh nghiệp mà của cả tổng thể hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội. Cả xã hội cũng được hưởng lợi từ việc phát triển nhà ở xã hội. 

Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết cơ chế đặc thù ở trong phát triển nhà ở xã hội. Vấn đề quan trọng hiện nay là quyết tâm chính trị của các tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương từ công tác quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đến giải quyết vấn đề quỹ đất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu kỹ quy hoạch, xác định vị trí xây dựng, nghiên cứu thị trường. Tránh để xảy ra tình trạng nơi xây nhà không ai mua, nơi thì không có nhà để bán. 

Ông Lê Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam đánh giá, kể từ sau khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, các khúc mắc liên quan đến đất đai đã được tháo gỡ. Việc triển khai các thủ tục pháp lý, thủ tục về xây dựng đã nhanh hơn rất nhiều. Đơn cử, trước đây khi tiến hành thủ tục giao đất, doanh nghiệp phải tính toán được số tiền sử dụng đất được miễn trừ (phần đất làm nhà ở xã hội trong dự án) là bao nhiêu và phải chờ Cục thuế Hà Nội ra quyết định miễn trì. Tuy nhiên, hiện tại, thủ tục này đã được bãi bỏ.

Thêm nữa, đối với vấn đề bàn giao mốc giới, về mặt lý thuyết, khi nào doanh nghiệp hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính thì mới được nhận bàn giao mốc giới. Nhưng hiện tại, việc bàn giao mốc giới ngoài thực địa đã thay đổi. Theo đó, đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ được bàn giao mốc giới trước. Đối với phần đất thương mại nằm trong dự án nhà ở xã hội (quỹ đất dùng để bù đắp cho các nhà đầu tư nhà ở xã hội), doanh nghiệp sẽ được giao sau khi hoàn thành việc tính tiền sử dụng đất. Việc này đã được tách bạch để không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án. Vì thủ tục tính tiền sử dụng đất đối với đất thương mại này phải mất trung bình 6 tháng. Đây được xem là tháo gỡ rất lớn cho các doanh nghiệp.

Hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia 

Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nội dung về Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Đây là cơ chế nhằm tạo lập quỹ nhà ở xã hội, quản lý quỹ nhà ở xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng và hỗ trợ các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo điều kiện quy định.

Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị quyết này thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc như: Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia; Thủ tục về quy hoạch; xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội; Giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu; Cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội; Quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phát triển nhà ở xã hội, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Về định vị quỹ phát triển nhà ở xã hội ở Quốc gia, Quỹ phát triển này đang đề xuất là quỹ tài chính ngoài ngân sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì lợi nhuận, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy định của pháp luật.

Về nguồn vốn, các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu là có sự đóng góp Ngân sách Nhà nước. Liên quan đến các nguồn khác, hiện nay có nhiều nguồn thu cũng như mô hình nguồn thu từ quỹ phát triển đất. Từ đó, xác định ngoài Ngân sách Nhà nước sẽ có thêm nguồn vốn huy động, phải nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Mục đích của quỹ này là để hình thành quỹ nhà ở của Nhà nước để cho thuê giống như bài học, kinh nghiệm từ các nước quốc tế đều có nhà ở công cộng cho thuê.

Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ này hỗ trợ cấp bù lãi suất chênh lệch cho chủ đầu tư. Cuối cùng, từ nguồn hình thành quỹ này sẽ hỗ trợ địa phương có khó khăn cân đối ngân sách trong giải phóng mặt bằng để phát triển nhà ở xã hội.  Bộ đang xây dựng nội dung cơ bản của quỹ này, trong thời gian tới, nếu thuận lợi, nghị quyết này sẽ được thông qua tại các kỳ họp sắp tới.

Xem thêm
Nhà đầu tư đã 'tỉnh táo' hơn trước cơn 'sốt đất'

Trước cơn 'sốt đất' diễn ra tại một số khu vực TP.HCM và vùng lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… nhiều nhà đầu tư vẫn cẩn trọng và 'tỉnh táo'.

Đầu tư dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang hơn 17.330 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có quy mô sử dụng đất hơn 226 ha thuộc xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, TP. Nha Trang.

Động thổ dự án Khu công nghiệp Phú Xuân

Đắk Lắk Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự lễ động thổ dự án Khu công nghiệp Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Mở rộng cánh cửa an sinh từ chính sách nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội khan hiếm, người thu nhập thấp khó tiếp cận; chính sách mới kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng cơ hội an cư.

Bình luận mới nhất