Năm 2020 thiên tai, bão lũ đã xé toạc nhiều công trình đê điều, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân Hà Tĩnh.
Hậu bão lũ, để khắc phục hậu quả, đưa đời sống người dân trở về quỹ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngay sau đó, hơn 100 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của tỉnh được cấp để hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương, sửa chữa nhà hư hỏng và hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp...
Đối với giải pháp lâu dài, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí hơn 124 tỷ đồng dành cho công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng các tuyến đường, hạn chế sự xuống cấp, hư hỏng bởi tác động của thời tiết, thiên tai, mưa bão gây ra.
Đầu tư 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế hơn 25.000m3/ngày đêm; 14 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sạch đô thị; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 65%. Từ năm 2022 đến nay, có 20 công trình đã và đang triển khai với tổng kinh phí đầu tư hơn 503 tỷ đồng, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững.
Riêng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, theo ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, gần như năm nào cũng có công trình nằm trong diện “báo động đỏ”, nhất là hồ chứa nước vừa và nhỏ, bởi trong tổng số 348 hồ chứa đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết đều xây dựng từ 30 – 40 năm về trước, công kệ cũ kỹ, chủ yếu đập đất, năng lực tích trữ nước hạn chế và cũng mất an toàn cao trong mùa mưa lũ.
“Hàng năm Trung ương và tỉnh đều dành sự quan tâm đầu tư sửa chữa, khắc phục hệ thống đê điều, hồ chứa xuống cấp. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với những hư hỏng và sự cần thiết của các công trình phòng chống thiên tai”, ông Thịnh nói.
Đồng thời kiến nghị, thời gian tới cần ưu tiên bố trí nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển theo quy hoạch của tỉnh.
Đầu tư sửa chữa dứt điểm đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo phù hợp với những thay đổi về mục tiêu cắt, giảm lũ, cấp nước, đảm bảo an toàn cho hạ du và phát điện của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Ngoài ra, các công trình phòng chống thiên tai như Nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ nghèo, gia đình chính sách cũng cần duy trì, triển khai đồng bộ.
4 năm qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa được 7 tuyến đê, với tổng chiều dài hơn 27km; 29 tuyến kè phòng chống sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 32km. Tiến hành nâng cấp, sửa chữa được 22 hồ chứa, tập trung tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Can Lộc, Nghi Xuân...