Đột phá
Thực hiện chủ trương kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 2021, Tập đoàn TH đã có chuyến khảo sát đầu tư phát triển du lịch lòng hồ Ngàn Trươi, Vườn Quốc gia Vũ Quang và trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tế, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái cũng như trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cung cấp gỗ nguyên liệu và khẳng định cơ hội để thực hiện các dự án rất khả thi.
Vì vậy, Tập đoàn TH sau đó đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đầu tư 2 dự án trên địa bàn huyện Vũ Quang, gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị nông nghiệp; Dự án trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đãnh giá địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sự phát triển chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Qua đề xuất của Tập đoàn TH, Hà Tĩnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn tiến hành các bước tiếp theo, sớm triển khai thực hiện các dự án.
Theo đề xuất của Tập đoàn TH, dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị nông nghiệp có quy mô dự kiến 400 ha. Trong đó, 100 ha được đầu tư tại khu vực bãi thải thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (tổ dân phố 1, thị trấn Vũ Quang) với 2 hạng mục chính:
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 55 ha (bao gồm các phân khu chức năng như: Khu trung tâm hành chính; khu nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ; khu đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao; khu phụ trợ) và khu đô thị nông nghiệp, diện tích 45 ha.
300 ha còn lại tại khu vực núi Nước Nậy, thuộc địa phận thôn 3, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang sẽ đầu tư trồng cây ăn quả và trồng dược liệu tập trung.
Dự kiến Tập đoạn TH sẽ đầu tư dây chuyền sơ chế hoa quả công suất 100 tấn quả/ngày; dây chuyền chế biến dược liệu 900 tấn/năm; dược liệu và trái cây sau khi sơ chế sẽ được vận chuyển đến Nhà máy chế biến hoa quả Núi Tiên, Nghệ An.
Trong năm 2021, dự án này tập trung thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Sau khi được tỉnh Hà Tĩnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, sẽ thực hiện dự án trong vòng 2 năm.
Đối với Dự án trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, ngoài 200 ha tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang đã được giải phóng mặt bằng, đề nghị tỉnh giao lại cho tập đoàn thực hiện dự án, Tập đoàn TH dự kiến sẽ mở rộng và phát triển thêm trên gần 25.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng thuộc địa phận Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Dự án dự kiến sẽ trồng cây lấy gỗ lâu năm và cây ăn quả theo hướng lâm nghiệp để phát triển rừng như mắc ca, ca-cao, dỗi xanh, lim, lát... Một số loại dược liệu như ba kích, thất diệp nhất chi hoa, trà hoa vàng...
Đồng thời, Tập đoàn TH sẽ phát triển hình thức du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và cung cấp các dịch vụ trải nghiệm nông trại, các hoạt động nông nghiệp thân thiện môi trường không rác thải, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái; du lịch trang trại giáo dục cho các trường học trên địa bàn và các khu vực xung quanh.
Kỳ vọng
Trong nhiều cuộc làm việc với báo chí cũng như phát triểu trước nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng luôn bày tỏ băn khoăn, trăn trở về thực trạng ở địa phương chưa có nhiều nhà máy, dự án để thu hút lao động.
Do đó, nhiều người Hà Tĩnh đang phải ly hương, xuất khẩu lao động nước ngoài hoặc các tỉnh xa. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch nhưng chưa có doanh nghiệp nào “đủ tầm” vào đầu tư mang tính bền vững.
Việc Tập đoàn TH xúc tiến đầu tư 2 dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Vũ Quang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản tư duy về cách làm nông nghiệp thủ công, manh mún như hiện nay; tạo ra tư duy, nhận thức mới về sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao một cách đồng bộ, quy mô; tạo tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.
Các dự án cũng hứa hẹn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho cả doanh nghiệp và huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Xét về hiệu quả kinh tế, dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị nông nghiệp dự kiến tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích lên khoảng 100 – 200%. Doanh thu bình quân ước đạt trên 2.000 tỷ/năm; lợi nhuận 800 tỷ/năm.
Dự án cũng chuyển giao công nghệ về cây trồng và thực phẩm sạch, chất lượng cao (chế biến cây ăn quả và chế biến dược liệu), từ đó tăng giá trị kinh tế thêm ước đạt 40 – 50% so với hiện tại.
Dự án trồng rừng, cây ăn quả, trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm sẽ bảo tồn và phát triển hiệu quả các loại dược liệu quý, bản địa tại địa phương. Phát triển kinh tế dưới tán rừng vừa giúp người dân tăng thu nhập vừa kết hợp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất bền vững, đảm bảo các chức năng phòng hộ của rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học…
Hiện, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang giao các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn TH và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục đề xuất dự án đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Ông Bùi Khắc Bằng, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang chia sẻ: Các dự án Tập đoàn TH đề xuất đầu tư trên địa bàn Vũ Quang là những dự án trọng điểm, góp phần giúp huyện cụ thể hóa 2/3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Trước mắt, để dự án sớm được triển khai, Vũ Quang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển KT-XH của huyện. Chỉ đạo các xã, thị trấn liên quan vận động nhân dân phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiến hành xây dựng các hạng mục dự án.