Giám đốc Sở TN-MT Hồ Huy Thành. |
Ông Thành thừa nhận, thời gian vừa qua tình trạng mất cân đối cung - cầu vật liệu xây dựng (VLXD) là có. Nguyên nhân là do việc cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động; sự thay đổi quy hoạch KT-XH thời gian qua; ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới, dày đặc.
“Sở TN-MT, Công an tỉnh, các địa phương siết chặt hoạt động khai thác VLXD trái phép cũng là một tác nhân gây nên hệ lụy nguồn cung giảm. Hiện gần 95% đơn vị khai thác cát đang tạm dừng hoạt động để thay đổi phương án khai thác, điều chỉnh, bổ sung các trang thiết bị khai thác mới”, ông Thành nói.
Hiện nay việc cấp mỏ cát tại Hà Tĩnh mới chỉ đáp dứng được 3,5% nhu cầu. |
Về giải pháp sắp tới, vị Giám đốc Sở cho hay, sắp tới tỉnh tiếp tục tổ chức đấu giá các mỏ nằm trong quy hoạch; hoàn thành bổ sung quy hoạch 21 mỏ đất san lấp; 2 mỏ cát tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên và ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác VLXD trái phép.
Tính đến tháng 6/219, toàn tỉnh Hà Tĩnh triển khai cấp phép cho 13 mỏ đất san lấp với diện tích 116ha, tổng công suất 1,3 triệu tấn/năm; cấp 10 mỏ cát, diện tích 27ha với tổng công suất 103 ngàn m3/năm.
Ngoài sử dụng cát ở các mỏ được cấp phép, người dân còn sử dụng nguồn VLXD từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình. Theo quy hoạch mỏ VLXD trên địa bàn, dự báo năm 2020 toàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 cát/năm và 4 triệu m3 đất san lấp/năm.
Như vậy việc cấp phép thời gian qua đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp đáp ứng được 32% nhu cầu.
ĐB Nguyễn Thị Nhuần đặt câu hỏi: Việc đánh giá trữ lượng để cấp mỏ VLXD một số nơi chưa chính xác dẫn đến thực trạng giấy phép còn nhưng trữ lượng không còn để khai thác hoặc ngược lại, trách nhiệm của các phòng ban của Sở về vấn đề này như thế nào?
Ông Thành nói: “Chúng tôi tin các phòng ban, lâu nay họ vẫn tham mưu như vậy nên việc đánh giá trữ lượng không chính xác ít xảy ra. Có chăng chỉ có trường hợp quản lý, vận hành khai thác quá công suất”.
Theo tìm hiểu của NNVN, thời gian vừa qua, tình trạng khan hiếm VLXD, đặc biệt là cát đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các công trình nông thôn mới. Đơn cử là công trình đường giao thông nông thôn ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên.
Ngoài việc đội giá lên 15 - 20% giá trị dự toán ban đầu, rất nhiều thôn không tìm mua được cát để khởi công, khiến chỉ tiêu kế hoạch mở rộng đường giao thông của xã "giậm chân tại chỗ".