Hai cuốn sách “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim và “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh, là hai công trình có giá trị đối với những ai quan tâm đến văn học lịch sử Việt Nam. Hai cuốn sách quý báu kia từng in ấn nhiều lần với nhiều phiên bản khác nhau, vừa được Đông A tái bản theo diện mạo mới.
Hai cuốn sách “Việt Nam sử lược” và “Việt Nam văn hóa sử cương” tổ chức buổi giới thiệu tại Đường sách TP.HCM sáng 30/7, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu uy tín.
“Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim ra mắt độc giả năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống. Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng: sách chủ yếu được viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức, hoàn toàn theo quan điểm phong kiến, trung với vua, lấy nhà vua và các sự kiện của các vương triều làm trung tâm. Một số tác phẩm viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài…
Vì vậy, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, từ khi được xuất bản lần đầu cho đến tận ngày nay, "Việt Nam sử lược" thường được coi như cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Sau khi đối chiếu các bản in, phần văn bản trong ấn bản của Đông A được thực hiện theo bản in lần thứ năm (1954) của Nhà xuất bản Tân Việt, là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Đông A bổ sung thêm một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971. Ngoài ra, Đông A có bổ sung Lời đề tặng ngài Thân Trọng Huề (trong lần in thứ nhất năm 1920).
“Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh, được biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1938, là một nỗ lực giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa phương tây du nhập lan tràn trong bối cảnh xã hội nước ta đầu thế kỷ XX. Đào Duy Anh nhìn nhận cuộc va chạm ấy chính là “bi kịch hiện thời” đến từ “sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương”. Để giải quyết sự xung đột này, ông đề nghị “một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Tác phẩm "Việt Nam văn hóa sử cương" chính là lời giải cho nan đề đầu tiên: văn hóa xưa là thế nào?
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã được đánh giá là bộ sử toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến năm 1938. Cùng với “Văn minh An Nam” (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên, hai cuốn sách này đã trở thành những công trình khoa học đầu tiên đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.
“Việt Nam văn hóa sử cương” phiên bản mới, dựa trên bản in lần đầu tiên năm 1938 của Quan‑hải tùng‑thư, đồng thời tham khảo một số chi tiết trong nội dung của bản in năm 1951 của Xuất bản Bốn phương, Viện Giáo khoa – Hiên Tân Biên. Đồng thời, bổ sung phần Sách-dẫn để độc giả tiện tra cứu nhân danh, địa danh và một số mục từ quan trọng được đề cập trong nội dung. Các lỗi chính tả và lỗi in ấn (nếu có) trong bản in lần đầu (1938) được sửa lại cho đúng.