| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương có quan điểm rõ ràng trong phát triển nông nghiệp

Chủ Nhật 29/05/2022 , 16:29 (GMT+7)

Ngày 29/5, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022.

Theo ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho biết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho biết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trung Quân.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 43 điểm cầu trong nước; 14 điểm cầu tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong; trên 50 điểm cầu nhánh với khoảng 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam về vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho biết, Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với các loại sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Hàng năm, sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 700.000 tấn rau củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.

Chương trình OCOP đã tổ chức đánh giá và công nhận cho 126 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị 5 sao, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250-300 sản phẩm được công nhận.

Đặc biệt, sản phẩm vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan... Năm 2021, giá trị sản xuất vải theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020).

Theo ông Thăng, trên cơ sở những thành công của các vụ vải trước đây, năm nay từ rất sớm tỉnh Hải Dương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương trong việc hướng dẫn nông dân sản xuất, kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.

Đặc biệt, tỉnh Hải Dương tổ chức tuần lễ nông sản trong 5 ngày để xúc tiến thương mại và du lịch với việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vải thiều, mặt hàng nông sản chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp thông minh, chế phẩm sinh học, thiết bị số và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0...  Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vải và nông sản chủ lực của tỉnh; nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Hải Dương là một trong những địa phương rất quan tâm và có quan điểm rõ ràng trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Hải Dương là một trong những địa phương rất quan tâm và có quan điểm rõ ràng trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao những nỗ lực, định hướng đúng đắn và kết quả mà ngành nông nghiệp Hải Dương đã đạt được trong thời gian qua.

“Hải Dương là một trong những địa phương rất quan tâm và có quan điểm rõ ràng trong phát triển nông nghiệp. Trong chiến lược phát triển của mình, Hải Dương coi nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nền tảng, trụ cột, lực lược quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, trong năm 2021, Hải Dương đã tạo đột phá về tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông lâm thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng 6,9%. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, tỉnh được xem là vựa rau của miền Bắc với sản lượng rau các loại đạt gần 1 triệu tấn/năm. Vải thiều Thanh Hà đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, thị trường tiêu thụ nông sản lớn là Trung Quốc đang áp dụng chính sách "Zero Covid", ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa các nước trên thế giới… đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Hải Dương nói riêng và các tỉnh thành khác trong cả nước nói chung.

Năm 2021, giá trị sản xuất vải theo giá thực tế của tỉnh Hải Dương đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020). Ảnh: Trung Quân.

Năm 2021, giá trị sản xuất vải theo giá thực tế của tỉnh Hải Dương đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020). Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Hải Dương quan tâm, tập trung rà soát lại quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng người nông dân tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu quy định. Tăng cường khâu bảo quản, chế biến sâu hàng nông sản, hình thành trung tâm kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển các sản phẩm OCOP, tạo cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất. Thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ nông sản...

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, lưu ý, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước. Do đó, tỉnh Hải Dương cần bám sát diễn biến của dịch bệnh, trong trường hợp hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp, tỉnh cần sớm chủ động kết nối với các nhà thu mua, trung tâm thương mại, siêu thị... trong nước không để xảy ra tình trạng đứt gãy lưu thông, tiêu thụ. Đẩy mạnh khâu chế biến sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại.

Về lâu dài, tập trung hình thành sản xuất, chế biển, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản. 

Xem thêm
Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.