| Hotline: 0983.970.780

Hơn 60 nghìn tấn vải thiều Thanh Hà sẵn sàng 'xuất ngoại'

Chủ Nhật 29/05/2022 , 07:14 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Nhờ quản chặt hoạt động sản xuất, 100% mẫu vải Thanh Hà phân tích, kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu đều đạt yêu cầu, sẵn sàng 'xuất ngoại'.

Ngày 28/5 tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hải Dương tổ chức Diễn đàn khuyến nông@nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trung Quân.

Vươn tới nhiều thị trường giá trị cao

Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo môi trường rộng mở để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ, bàn các giải pháp phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vải quả. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác của người dân theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho vải thiều Thanh Hà, tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết: Vải là cây ăn quả đặc sản và có nhiều thế mạnh tại Việt Nam. Năm 2021, tổng diện tích vải của cả nước đạt khoảng 55.000 ha, sản lượng đạt trên 360.000 tấn (đứng thứ 3 trên thế giới).

Vải thiều Thanh Hà có chất lượng tốt, cùi trắng, dày, ráo nước, giòn, hạt nhỏ, phần màng cùi tiếp xúc với hạt không có màu nâu, vị ngọt sắc, thơm, không có vị chát. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Những năm gần đây, vải thiều Thanh Hà đã được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, vinh danh về chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...

Đến thời điểm này, Hải Dương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu vải thiều trong vụ thu hoạch năm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Đến thời điểm này, Hải Dương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu vải thiều trong vụ thu hoạch năm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu thị trường trong và ngoài nước về quả vải ngày càng khắt khe, hàng rào tiêu chuẩn để xuất khẩu ngày càng siết chặt, đòi hỏi các địa phương nói chung, Hải Dương nói riêng phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm quả vải.

Trên cơ sở đó, tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi các vấn đề xoay quanh việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn vải quả, góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà như: Quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới; các giải pháp khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại và công nghệ sau thu hoạch nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm quả vải; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ cho người dân sản xuất vải...

Nhiều vấn đề băn khoăn của các HTX, hộ sản xuất đã được các thành viên của Ban cố vấn Diễn đàn gồm các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực phân tích, giải đáp, đưa ra giải pháp tháo gỡ.

100% mẫu vải đạt yêu cầu xuất khẩu

Tại hội nghị, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương thông tin: Năm 2022, diện tích vải toàn tỉnh giữ ổn định gần 9.000 ha, tổng sản lượng vải dự kiến khoảng 60.000 tấn. Trong đó, trà vải sớm hơn 2.700 ha, cho thu hoạch từ 10/5 - 10/6, thời gian thu hoạch rộ từ 25/5 -  5/6, dự kiến sản lượng khoảng 35.000 tấn. Trà vải chính vụ và muộn trên 6.200 ha, thu hoạch khoảng 10/6, thu rộ từ 15/6, dự kiến sản lượng khoảng 25.000 tấn.

Năm nay, Hải Dương đã mở rộng thêm được 6 vùng sản xuất vải đạt chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm nay, Hải Dương đã mở rộng thêm được 6 vùng sản xuất vải đạt chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài duy trì vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP của năm 2021, toàn tỉnh đã mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP, đưa tổng số vùng sản xuất vải VietGAP lên 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha; GlobalGAP lên 11 vùng với tổng diện tích 110 ha. Ngoài ra, gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.

Theo ông Thăng, ngay từ đầu vụ, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện tổ chức 50 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn xuất khẩu; phổ biến các quy định của các nước nhập khẩu đối với quả vải tươi của Việt Nam quy định về kiểm dịch thực vật; biện pháp phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, ghi chép nhật ký sản xuất, duy trì mã số vùng trồng...

Bên cạnh đó, một số vùng sản xuất vải được lắp camera để phục vụ cho việc giám sát tình hình sinh trưởng của cây trồng và quá trình sản xuất của bà con nông dân. Các vùng sản xuất thường xuyên được lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV trong quả vải nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi xuất khẩu...

Qua phân tích, 100% mẫu vải của Hải Dương đều đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Qua phân tích, 100% mẫu vải của Hải Dương đều đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ đó, hiện tại 100% các mẫu vải qua phân tích, kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu đều đạt yêu cầu, trong đó nhiều mẫu nông sản khi phân tích hoàn toàn không còn dư lượng thuốc BVTV.

Về công tác tiêu thụ, toàn bộ những thông tin liên quan đến vải xuất khẩu như: Diện tích, tọa độ vùng trồng, nhật ký sản xuất, năng suất, sản lượng... đã được mã hóa hóa thành bộ cơ sở dữ liệu điện tử cập nhật trên các website, App, facebook, zalo, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Postmart, Alibaba, Lazada, Voso...

Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm thông qua việc kiểm tra mã trên tem truy xuất nguồn gốc. Qua đó, đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, doanh nghiệp cũng như tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, từ rất sớm, Hải Dương đã mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu, chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản an toàn, doanh nghiệp thu mua, chế biến... đến thăm vùng sản xuất, hội thảo bàn biện pháp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

Với điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, năm nay, việc tiêu thụ vải thiều sẽ có rất nhiều thuận lợi. Ảnh: Trung Quân.

Với điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, năm nay, việc tiêu thụ vải thiều sẽ có rất nhiều thuận lợi. Ảnh: Trung Quân.

Đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động kết nối làm việc với các tổ sản xuất để thống nhất về sản lượng, phương thức thu mua, giá cả như Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Nông sản Hưng Việt, Công ty Toàn Cầu... 

"Năm 2022, Hải Dương đã tổ chức chuỗi sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu vải thiều như: Lễ hội vải thiều Thanh Hà năm 2022; Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022; Hội thi “Vải thiều Thanh Hà - Tinh hoa văn hóa xứ Đông”; xây dựng các tour du lịch trải nghiệm về xứ vải Thanh Hà, Đảo Cò, khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc...", ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.