| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương mất mùa, giảm 35.000 tấn thóc so với vụ trước!

Thứ Ba 07/11/2017 , 08:24 (GMT+7)

 Năng suất lúa bình quân vụ mùa 2017 của Hải Dương giảm sâu hiếm thấy, chỉ còn khoảng 49 tạ/ha. Như vậy, dịch bệnh do virus, thiên tai khắc nghiệt đã lấy đi khoảng hơn 35.000 tấn thóc của nông dân (năng suất lúa mùa năm 2016 khoảng 55 tạ/ha).

Bà Vũ Thị Hà, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết: “Có thể nói, vụ mùa năm nay tỉnh Hải Dương mất mùa”.
 

Mất mùa là... có thật

Đã rất nhiều năm trôi qua, nông dân thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện mới phải đón nhận vụ mùa kém cỏi như vậy. Người dân bảo rằng, thời kỳ lúa trỗ thoát bông, khắp dải đất từ đội 2 đến đội 6 bạc trắng như rơm khô do nhiễm nặng bệnh bạc lá, năng suất bình quân 20 – 30 kg/sào.

Những hộ có diện tích lúa nhiều như gia đình ông Vũ Văn Hà (đội 6, thôn Từ Ô) cấy 1,5 mẫu ruộng mà thu về vỏn vẹn 6 tạ lúa khô. Đầu tư mỗi sào hết 700 – 800 ngàn đồng, thế nhưng bán lúa chẳng đủ tiền trả công máy gặt.

GĐ HTX Nông nghiệp Tân Trào, ông Nguyễn Văn Hưng bảo rằng: “Bà con năm nay thiệt hại lớn”. Tính trung bình toàn xã, năng suất lúa đạt 38 tạ/ha. Ngập lụt, gió bão cũng khiến hơn 100ha lúa bị đổ và giảm năng suất, chất lượng.

Sau “đại dịch” bệnh bạc lá trên giống Bắc thơm số 7 (thường), toàn xã có 85ha mất trắng và khoảng 25ha thiệt hại từ 30 – 70% năng suất. “May mà vụ này bà con thay thế khoảng 100ha giống Bắc thơm số 7 thường bằng giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá. Nếu không, hậu họa sẽ khôn lường”, ông Hưng nói.

17-01-31_20170915_140210
Bệnh bạc lá hoành hành ở huyện Thanh Miện vụ mùa 2017

Nằm liền kề, xã Ngô Quyền (huyện Thanh Miện) cũng hứng chịu mức độ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai không kém. Hàng trăm tấn thóc... không cánh mà bay, nhiều hộ bắt đầu lâm cảnh túng thiếu. Năng suất lúa bình quân trên của huyện Thanh Miện được ngành thống kê tỉnh đưa ra là 46,02 tạ/ha (thấp hơn khoảng gần 12 tạ/ha so với dự kiến đầu vụ mùa 2017).

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Miện bình luận: “Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua”. Nguyên nhân được bà lý giải ở hai khía cạnh- thiên tai và nhân tai.

Trong suốt vòng đời của cây lúa mùa, mưa rất nhiều. Từ tháng 6 đến tháng 10/2017, tổng lượng mưa đo được ở cống Neo khoảng 1.600mm, trong khi bình quân hàng năm chỉ khoảng 1.000mm. Do đó, công tác tiêu úng, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh gặp khó khăn.

Mưa nhiều cũng khiến cây lúa phát triển chiều cao nhanh hơn, lá xanh non hơn. Bà con thấy thế không chăm bón cân đối dinh dưỡng cho cây. Khi xảy ra bão gió và mưa, thân, rồi lá lúa rất dễ bị dập, gẫy đổ. Đây là điều kiện tốt để vi khuẩn gây bệnh bạc lá phát tán, gây hại.

Giống lúa Bắc thơm số 7 (nhiễm nặng bệnh bạc lá) lại được cơ cấu tới 70% diện tích gieo trồng (tương đương khoảng 4.000ha), 500ha trong số đó bị nhiễm nặng bạc lá.

Rồi bệnh vàng lá di động chưa bao giờ có trên địa bàn huyện Thanh Miện, nhưng năm nay bắt đầu bùng phát. Riêng tại Thanh Miện, virus gây bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ, góp phần gia tăng mức độ gây hại trên lúa. “Xét trên bình diện chung, xã nào cũng giảm năng suất lúa so với vụ mùa 2016”, bà Nhung nói.
 

Nhiều nơi mất trắng vì ngập

Ninh Giang là huyện có năng suất lúa mùa gần như thấp nhất tỉnh Hải Dương (45 tạ/ha). Mặc dù không bị nhiễm vàng lùn, lùn sọc đen và chỉ có một diện tích không nhiều nhiễm bạc lá, tuy nhiên mưa úng đã gây thiệt hại nặng cho người trồng lúa.

Ông Bùi Minh Chương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Giang cho biết, năm nay thời tiết quá khắc nghiệt. Khi lúa thụ phấn gặp trời mưa nên tỷ lệ lép hạt rất cao; nhiều hạt vào chắc nhưng bị sẫm như màu mận chín khiến năng suất, chất lượng giảm.

Gần nửa đầu tháng 10 (đặc biệt là từ ngày 9 – 13/10) xuất hiện đợt mưa lớn. Do Ninh Giang có nhiều vùng trũng, ngập tới hơn 3.600ha (nhất là các xã Kiến Quốc, Đông Xuyên, Tân Phong...), trong đó đa phần là diện tích lúa. Hiện tượng lúa nảy mầm xảy ra hàng loạt. Do không thể đưa máy gặt thu hoạch lúa, bà con ra đồng gặt một phần vứt xuống ao, một phần không gặt nữa.

Ngay tại thời điểm này, ở xã Kiến Quốc, vẫn còn vài hecta bị ngập úng, không thể gặt. Thống kê cho thấy, gần 600ha lúa mất trắng và gần 2.600ha lúa bị thiệt hại giảm năng suất từ 30 – 70% do bão số 10 và mưa gây ra.

Ngoài dịch bệnh, theo tìm hiểu của PV, nạn chuột cũng hoành hành ở nhiều địa phương, nhất là ở Ninh Giang. Điển hình như ở xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, nạn chuột đã khiến nhiều gia đình thất thu tới 30 – 40% sản lượng lúa.

Ngoài Thanh Miện, Ninh Giang, rất nhiều địa phương của Hải Dương có năng suất lúa dự kiến thấp hơn rất nhiều so với vụ mùa 2016. Điển hình là Kim Thành (45,5 tạ/ha), TX Chí Linh (44,91 tạ/ha); Bình Giang (47,79 tạ/ha), các huyện khác năng suất nhỉnh hơn nhưng không nhiều. Nếu so với năng suất lúa vụ mùa 2016 (khoảng 55 tạ/ha), đây là con số thụt lùi.

17-07-11_bt7_bi_nhiem_bc_l_nng
Sâu bệnh làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa của Hải Dương

Một lãnh đạo ngành NN-PTNT cho biết, lâu nay Hải Dương trung thực với số liệu thống kê. Nhiều lần Chủ tịch UBND tỉnh hỏi, ngành nông nghiệp các ông làm ăn thế nào mà tỉnh bạn năng suất lúa năm sau cao hơn năm trước, còn tỉnh mình cứ giậm chân tại chỗ. Vị lãnh đạo đành trả lời: "Thưa anh, chúng em đánh giá năng suất lúa sát với thực tế, không dám thêm bớt gì".

Vụ mùa này cũng vậy, Hải Dương vẫn nhìn thẳng ra... đồng ruộng, lấy đó làm thước đo, không chạy theo thành tích. Vì vậy con số thống kê không đẹp, nhưng thật thà.

Để có cơ chế hỗ trợ thiệt hại, bù đắp một phần cho bà con ngày 12/10, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định công bố dịch bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa mùa năm 2017. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng có công văn số 1857 đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ gần 250 tấn giống để nông dân khôi phục sản xuất do bão số 10 và mưa lớn từ ngày 09 – 13/10, trong đó có 244,8 tấn giống lúa và 3,5 tấn giống ngô.

BVTV thống kê thiếu diện tích dịch bệnh?

Đọc báo cáo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật về tình hình bệnh lùn sọc đen, vàng lụi (vàng lá di động) hại lúa mùa 2017 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ban hành ngày 10/10/2017, PV NNVN nhận thấy chưa ổn.

Thứ nhất, báo cáo nêu rõ: “Tổng diện tích nhiễm vàng lụi, lùn sọc đen trên các trà lúa mùa 2017 là 1.742ha, tập trung tại 4 huyện Kinh Môn (488ha), Kim Thành (627ha), Thanh Hà (388ha), Chí Linh (239ha). Tuy nhiên, lời bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Miện thì bệnh vàng lá di động đã khiến nhiều diện tích của địa phương bị ảnh hưởng giảm năng suất. Vậy đâu là con số chính xác?

Một cán bộ Sở NN-PTNT Hải Dương (xin không nhắc tên) cũng chia sẻ: Chi cục BVTV thống kê chỉ có 500ha lúa của Hải Dương thiệt hại giảm năng suất do bệnh bạc lá. Vị này chắc chắn, thực tế diện tích thiệt hại lớn hơn, bởi một số huyện khác, nhất là Bình Giang cũng có diện tích nhiễm bạc lá không nhỏ.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm