| Hotline: 0983.970.780

Hải ly tái xuất ở Scotland khiến nông dân nổi giận

Thứ Ba 07/09/2021 , 14:04 (GMT+7)

Bốn thế kỷ sau khi bị săn đến tuyệt chủng, chủ yếu để lấy lông, hải ly đã xuất hiện trở lại Scotland, và cuộc chiến lâu đời của chúng với con người cũng vậy.

Loài hải ly đang khiến nông dân và những nhà bảo tồn động vật tranh cãi gay gắt.

Loài hải ly đang khiến nông dân và những nhà bảo tồn động vật tranh cãi gay gắt.

Gặm nhấm và phá cây, xây đập làm ngập ruộng hoặc phá hủy hệ thống thoát nước và đào sâu vào các bờ sông gây sụt lở, hải ly dễ dàng gây ra sự phẫn nộ của cộng đồng nông dân, và nông dân yêu cầu giấy phép cho việc giết hải ly một cách hợp pháp .

Nhưng việc giết hại loài hải ly được bảo vệ đã khiến các nhà bảo tồn phẫn nộ, gây ra thách thức pháp lý và gây ra một cuộc tranh luận phân cực về canh tác, đa dạng sinh học và tương lai của vùng nông thôn Scotland.

Mặc dù đã có một cuộc thử nghiệm chính thức đưa hải ly trở lại phía tây Scotland vào năm 2009, sự trở lại của loài vật này chủ yếu là kết quả của những lần trốn thoát trước đó hoặc thả trái phép hải ly được nhập khẩu tư nhân, chủ yếu từ Bavaria hoặc Na Uy. Số lượng hải ly ngày càng tăng, rõ nhất ở các dòng suối Tayside, phía bắc Edinburgh.

Tayside trở thành "khu vực xung đột" – nơi khi hải ly gây thiệt hại, những người nông dân được cấp phép để giết chúng. Vào năm 2020, họ đã giết 115 con, chiếm khoảng 10% số hải ly, hiện có khoảng 1.000 con trên khắp Scotland.

Những người ủng hộ quyền động vật nói rằng loài sinh vật từng là bản địa này có giá trị trong việc tạo ra môi trường sống cho động vật hoang dã và giúp bảo tồn đa dạng sinh học, và họ coi việc tiêu hủy là biểu tượng của những ưu tiên không đúng chỗ do nông nghiệp thâm canh áp đặt.

Nhưng đối với nông dân, hải ly là loài ăn hại mà việc đưa chúng chủ yếu không có kế hoạch vào Scotland đang gây ra thiệt hại không đáng có và tổn thất tài chính cho các nhà sản xuất thực phẩm.

Martin Kennedy, Chủ tịch Liên minh Nông dân Quốc gia, Scotland, cho biết lũ lụt do đập hải ly tạo ra gần đây đã phá hủy số rau củ trị giá khoảng 25.000 bảng Anh. Đối với một số thành viên, nó còn “lớn hơn cả Brexit”, ông nói.

Vì vậy, đây tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi trong chương trình dự thảo chính sách mới của chính phủ Scotland.

Ở Scotland, các vùng lãnh thổ hải ly, có quy mô khác nhau nhưng thường có bốn con hải ly, đã tăng đều đặn - từ 39 vào năm 2012 lên 251 vào năm 2020-21, theo một báo cáo chính thức. Vào năm 2019, hải ly đã nhận tình trạng được bảo vệ, mặc dù nông dân có thể xin giấy phép để tiêu hủy.

Giờ đây, một tổ chức từ thiện tái tạo hoang dã, Trees for Life, đã buộc tội cơ quan NatureScot của chính phủ Scotland tại tòa án là họ cấp giấy phép quá dễ dàng.

Tại Tayside, một số nông dân đổ lỗi cho việc số lượng hải ly tăng cao là do các cuộc chạy trốn khỏi điền trang Bamff ở Perthshire, nơi Paul và Louise Ramsay điều hành hoạt động du lịch sinh thái. Nhà Ramsay đã đưa hải ly của Scotland đến địa điểm này vào năm 2002, khi có ít hạn chế hơn, nhằm thực hiện dự án tái tạo lại hải ly của họ.

Ý tưởng là khôi phục môi trường sống tự nhiên trên đất của họ sau nhiều thế kỷ hệ thống thoát nước được thiết kế để tối đa hóa sản lượng nông nghiệp.

Mặc dù các lối vào hang bị ngập nước, hải ly vẫn đào sâu vào các bờ sông để tạo ra các khoang trên mực nước. Các con đập mà hải ly xây dựng điều tiết mực nước của môi trường sống dưới nước của chúng.

Khoảng 20 con hải ly sống ở đây đã giết nhiều cây cối, gây tranh cãi đối với những người phê phán nhà Ramsay. Nhưng chúng cũng thu hút rái cá, cho phép các hồ nước chứa đầy cá hồi, ếch và cóc, đồng thời nhường chỗ làm tổ trên cây chết cho chim gõ kiến, bà Ramsay nói

Bà cho biết vấn đề không phải ở hải ly, mà là những người nông dân nghĩ rằng bất kỳ mảnh đất nào không sản xuất ra hoa màu đều bị lãng phí.

"Một số hải ly đã trốn thoát khỏi Bamff", bà Ramsay thừa nhận. Tuy nhiên, bà tuyên bố rằng vào thời điểm điều đó xảy ra, những con khác đã trốn thoát khỏi một công viên động vật hoang dã cách đó một đoạn.

Gia đình Ramsay tiếp quản quyền quản lý bất động sản vào những năm 1980. Vào cuối những năm 1990, ông Ramsay cho biết, ông hào hứng với ý tưởng đưa hải ly trở lại, nhưng những vận động hành lang nuôi trồng và đánh bắt đã ngăn cản thử nghiệm dự án. Ông phủ nhận lời cáo buộc là cố tình để hải ly trốn thoát để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại trang trại cách đó không xa ở Meigle, Adrian Ivory không bị thuyết phục. “Những con vật đó giờ đã trốn thoát", ông nói, “và vì dù bất kì lý do nào thì gánh nặng tài chính không nằm ở người gây ra vấn đề mà là ở chúng tôi. Giờ đây, họ đang được ca ngợi như những anh hùng vì đã đưa hải ly trở lại và không có suy nghĩ về những thiệt hại mà nó gây ra đối với sinh kế của chúng tôi".

Ông Ivory cho biết các đập hải ly trên con suối trên đất của ông phải được dỡ bỏ thường xuyên vì chúng đe dọa hệ thống thoát nước ở cánh đồng gần đó và khiến cây trồng bị thối rữa. Việc đào hang đe dọa sự ổn định của bời sông, khiến việc sử dụng máy kéo tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ông Ivory cho biết thiệt hại có thể khiến ông mất 50.000 bảng Anh, bao gồm cả cây trồng bị tàn phá và chi phí lao động. "Nếu bạn xây dựng lại ở khắp mọi nơi, bữa ăn tiếp theo của bạn sẽ đến từ đâu?" ông hỏi, "Thực phẩm trở nên đắt hơn rất nhiều, hoặc bạn phải nhập khẩu."

Ông Ivory từ chối thảo luận về việc liệu ông có tiêu hủy quần thể hải ly trên đất của mình hay không, nhưng cho biết ông cho phép các con vật bị nhốt để di dời. Người thực hiện có thể là Roisin Campbell-Palmer, thuộc tổ chức Beaver Trust.

Bà làm việc với những người nông dân, dậy sớm để kiểm tra bẫy, sau đó di dời các con vật đến các dự án hải ly ở Anh, nơi hơn 50 con đã được gửi đến. (Scotland không cho phép di dời động vật trong nước).

Campbell-Palmer cho biết bà thấy hải ly rất hấp dẫn và ngưỡng mộ kỹ năng xây dựng đập, sự kiên trì và sự duy tâm của chúng. Bà cũng hiểu những phàn nàn của nông dân và thừa nhận rằng, đã chứng kiến ​​một số vụ chặt cây có tính hủy diệt đặc biệt.

Khi kiểm tra một cái bẫy chứa đầy cà rốt, củ cải và táo, Campbell-Palmer suy nghĩ về cuộc tranh luận gay gắt và kết luận rằng hải ly đã đạt được một điều không thể phủ nhận ở Scotland.

“Tôi nghĩ những gì lũ hải ly đang làm,” bà nói, “là khiến chúng tôi đặt ra những câu hỏi lớn hơn về cách sử dụng cảnh quan”.

(Theo NY Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.