Như thường lệ, mỗi dịp Tết đến xuân về, dọc các tuyến đường lớn ở TP Hải Phòng đều tràn ngập những hoa, cây cảnh, quất, bưởi được đưa về từ khắp nơi để phục vụ người dân mua sắm, đón xuân.
Năm nay, sau khi dịch Covid-19 đã được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, những tưởng sẽ có một năm kinh tế sung túc, thị trường đào, quất cuối năm sẽ nhộn nhịp, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, thị trường diễn biến khá thất thường, kẻ khóc người cười.
Trên đường Đông Khê 2 và đường Lê Hồng Phong la liệt những gốc đào cổ thụ được mua về từ các tỉnh ở Tây Bắc như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên,… với đầy đủ kích cỡ, chủng loại, giá cả dao động từ 500 nghìn cho đến vài 20-30 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thúy, người ở xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng buồn bã chia sẻ, năm nay gia đình chị lên tận Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái để săn và mua 5 xe đào, tuy nhiên đến thời điểm 29 Tết rồi nhưng mới chỉ bán được 1 nửa, nguy cơ lỗ vốn đang hiện hữu.
“Năm nay, ở trên vùng cao bị sương muối nên đào không đẹp như mọi năm, chúng tôi mua tại gốc giá cao nhưng về đây khách hàng ép giá rất rẻ. Nhiều gia đình đã bỏ cả 500 triệu đồng tiền vốn nhưng nay bán chưa được 100 triệu, nói chung là thất thu”, chị Thúy chán nản.
Ngồi sát khu vực bán đào rừng của chị Thúy là ông Hà Văn Toàn, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, người đã có nhiều năm chở đào từ quê xuống Hải Phòng bán mỗi dịp Tết nhưng chưa bao giờ gặp tình huống như hiện tại.
Năm ngoái, ông Toàn cùng vợ con chở 2 xe đào rừng xuống, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đến 27 Tết, gia đình ông đã bán sạch và khăn gói trở về quê đón xuân với kha khá tiền lãi.
Tuy vậy, năm nay, khi thời điểm giao thừa chỉ còn 1 ngày nhưng gia đình ông mới bán được 1 xe đào trong tổng số 4 xe đã vất vả mang từ Yên Bái xuống.
“Tổng số vốn tôi đã bỏ ra là 200 triệu đồng, tôi xuống từ hôm 15 tháng Chạp, tổng cộng là 4 xe nhưng giờ còn 3 xe nữa. Mai nếu không bán được thì đành bỏ lại để về thôi, chở về cũng không để làm gì, chỉ tốn thêm chi phí”, ông Toàn lo lắng.
Tiếp tục ghi nhận cho thấy, hầu như tất cả những người bán đào rừng tại Hải Phòng năm nay đều chung hoàn cảnh, một số người may mắn có được những cành đào có hoa đẹp, thế đẹp thì vẫn tiêu thụ khá tốt. Về cơ bản theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là đào xấu, không có nụ, một số cây còn bị “điếc” nên người mua không ưa chuộng.
Trái ngược với tình hình ế ẩm của đào rừng, tại các vùng trồng đào cảnh truyền thống của Hải Phòng, thị trường nhộn nhịp hơn. Dù tình hình buôn bán có chậm hơn mọi năm nhưng cơ bản người dân đã bán hết hàng.
Tại xã Đồng Thái và xã Đặng Cương, huyện An Dương, nếu như những hôm 26, 27 Tết lượng hoa, cây cảnh còn khoảng 60% thì đến thời điểm 29 Tết, lượng đào, quất được bán đi đã chiếm tới 95%.
Những cây quất bình dân giá bán năm trước khoảng 600.000 -700.000 đồng/cây thì năm nay tăng lên 800.000 - 900.000 đồng cây; với những cây nào đầy đủ quả xanh, quả chín, hoa, lộc bán được cả tiền triệu ngay tại ruộng.
Còn với đào cảnh, năm nay thời tiết khá đẹp nên người dân được mùa, với mức giá ổn định từ 1 triệu cho đến vài chục triệu/1 cây, có hộ đã thu về cả tỷ đồng từ bán và cho thuê đào.
“Địa phương có khoảng 130 ha diện tích trồng cây cảnh, trong đó đào cảnh chiếm khoảng 90 ha, còn lại là quất và hải đường. Đến thời điểm hiện tại, người dân đã bán được 95%, tổng thu về trên 65 tỷ đồng, bà con rất phấn khởi vì đào được mùa, được giá”, ông Nguyễn Xuân Trưởng – Chủ tịch UBND xã Đặng Cương hồ hởi.