Năm nay, đào trên miền cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) nở sớm hơn mọi năm nên những ngày này, tại các bản làng vùng cao, vùng đồng bào Mông ở các xã Lùng Phình, Tả Củ Tỷ, Lùng Cải, Tả Văn Chư và Hoàng Thu Phố, người dân đã mang đào xuống trung tâm huyện bán cho thương lái mua gom về miền xuôi, chủ yếu là Thành phố Hải Phòng, Hà Nội tiêu thụ.
Anh Lê Anh Dũng, thương lái đến từ Hải Phòng có thâm niên gần 10 năm, cứ Tết đến lại chuyên gom cành đào của các tiểu thương và người dân đi bán lẻ ở khu vực Tây Bắc, trong đó có huyện Bắc Hà rồi vận chuyển bằng ô tô về xuôi, nhất là Thành phố Hải Phòng bán.
Anh Dũng cho biết: "Tôi chủ yếu săn mua giống đào rừng, hay còn gọi là đào mốc, đào phai có tuổi đời cao, thân cành có nét già cổ mộc mạc, khi nở hoa có màu hồng nhạt tự nhiên, lâu tàn, kiểu dáng đẹp để bán cho các doanh nghiệp, người giàu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, song chủ yếu ở Hải Phòng.
Đào bày bán ở chợ trung tâm Thành phố Hải Phòng bán khá chạy bởi đã nhiều năm qua, người tiêu dùng ở đây rất thích chơi đào Tết của Tây Bắc, nhất là đào ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai). Cành đào tôi mua không có mức giá nào cụ thể, những người sành chơi đào, hiểu rõ những ý nghĩa của mỗi thế cây sẵn sàng mua với giá giao động từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cành. Bây giờ loại này hiếm rồi nên mua cành thường từ 100 - 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cành.
Những cành đào non dáng đẹp, nụ dày, đẹp, tôi thu mua 300 - 400 ngàn đồng/cành. 02 năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đi thu mua đào về nhiều chuyến bị ế, lỗ, nhưng năm nay tình hình ổn định nên có nhiều bạn hàng đăng ký và qua nắm bắt, người chơi đào Hải Phòng vẫn ưa chuộng các giống đào từ Bắc Hà, Sa Pa chuyển về".
Xuân Quý Mão 2023 này, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội ổn định, càng làm tăng thú vui chơi đào Tết của người dân thành phố sau đôi năm đón Tết kém vui do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này đã giúp người trồng đào và buôn đào tết ở vùng cao Bắc Hà phấn khởi, có thêm nguồn thu nhập sắm Tết.
Vợ chồng anh Giàng Seo Thành, dân tộc Mông ở thôn Lử Chồ, xã Lùng Phình (Bắc Hà) trồng quanh đồi nhà hơn 100 gốc đào địa phương, hay còn gọi là đào chua, đào mốc, đào phai, đào rừng... từ 3 - 10 năm tuổi và cũng có thâm niên 8 năm làm nghề buôn, bán đào thời vụ dịp Tết. "Năm nay tư thương từ Hải Phòng lên thu mua đào từ sớm, giá cả cũng khá cao. Nhà tôi vừa bán xong 3 cành đào phai to, nụ đẹp. Giờ trồng đào bán cành mùa hoa nở cũng có thêm thu nhập sắm Tết nên nhà mình và bà con đã chiết ghép, trồng mới cây đào", anh Thành phấn khởi.
Còn anh Ly Seo Dung, dân tộc Mông ở xã Lùng Phình đã có thâm niên cùng cha mẹ làm nghề buôn cành đào thời vụ dịp Tết hơn 15 năm cho biết: Những cành đào có dáng đẹp, giá cao tới vài chục triệu đồng thì rất hiếm, hầu như ở Bắc Hà mấy năm nay không còn. Hiện chủ yếu chỉ có loại đào cành thường, thỉnh thoảng có cành già, mốc trắng thì trị giá có thể tới vài triệu đồng/cành, cành thường thì chọn cành nhiều nụ mới chớm để ra hoa đúng dịp Tết, giá dao động 80 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng/cành, loại 500 - 800 ngàn đồng/cành cũng có khá nhiều.
"Làm nghề này 2 vụ trước không có lãi do dịch bệnh Covid-19 khiến đào bị ế. Năm nay rút kinh nghiệm, tôi không thu mua tràn lan, mà gom được cành nào bán luôn cành đó. Bây giờ thu mua cành đào cũng khó, đi khắp nơi vất vả cũng không mua được mấy, cành non thì có nhiều nhưng cành già, mốc, trắng, dáng đẹp là giống đào phai, đào rừng thì rất hiếm. Hôm nay mang được cành đào trên cây hơn chục năm tuổi, cũng đã có mốc trắng, hi vọng bán được hơn triệu đồng, lãi 200 - 300 ngàn đồng để có tiền sắm Tết", anh Ly Seo Dung nói.
Trước đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ đào rừng, đào phai, đào xù xì, mốc trắng... rất lớn, dân sành chơi đào ở thành thị, nhất là Hà nội, Hải Phòng rất ưa chuộng cành đào Bắc Hà, Sa Pa. Vì thế, người dân đã chặt không ít đào cổ thụ, lâu năm để bán, làm số lượng đào ngày càng suy giảm. Mặc dù vậy, đặc điểm cây đào ở vùng cao là loại cây trồng, dễ phát triển, không cần phải chăm bón, phù hợp với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, cây càng già cỗi càng có giá. Bởi vậy, 5 năm trở lại đây, cùng với khai thác cành những cây đã đến tuổi, mốc, xì, trắng, già, có giá cao, không ít hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông khu vực thượng huyện Bắc Hà ở các xã Lùng Cải, Tả Củ Tỷ, Lùng Phình, Tả Văn Chư đã tích cực trồng mới.
Đào được trồng mới chủ yếu quanh vườn, đồi nhà, ven bờ các nương mận Tả Van đặc sản, trồng xen lẫn vào các đồi lê xanh, lê VH6, mở rộng diện tích trồng đào để có cành cung ứng cho thị trường Tết, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo thêm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, hút khách du lịch đến với các bản làng người Mông ở Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố..., khu vực trung và thượng huyện để trải nghiệm, ngắm hoa đào.