| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Hơn 27.000 ha lúa giai đoạn đòng – trỗ ‘dập nát’ sau bão

Thứ Ba 10/09/2024 , 08:29 (GMT+7)

Gần 3.400 ha cây ăn quả, đàn gia cầm trên 410.000 con và lượng rất lớn thủy sản bị mất trắng theo bão số 3 chưa thống kê hết.

 

Hơn 95% diện tích lúa bị ảnh hưởng

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng, đặc biệt là ở các diện tích trồng lúa, cây vụ hè thu, hoa cây cảnh, cây ăn quả và nhiều nông hộ chăn nuôi gia đình.

Đối với lúa, toàn tỉnh đã gieo cấy 28.428ha lúa, vượt 101,53% so với kế hoạch ban đầu là 28.000ha. Hiện tại, lúa mùa đang ở giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông. Tuy nhiên, bão số 3 đã khiến 27.080ha lúa, chiếm 95,26% diện tích gieo cấy, bị ngập úng, đổ ngã, gãy đòng và dập rách lá tại các huyện và quận trong tỉnh.

Về cây trồng vụ hè thu năm 2024, tổng diện tích rau màu đã trồng là hơn 3.906ha, đạt 67,35% so với kế hoạch. Hiện còn 3.043ha cây vụ hè thu đang còn trên đồng ruộng, chiếm 77,94% diện tích gieo trồng. Trong đó, 843ha đã đến kỳ thu hoạch.

Lúa giai đoạn đòng - trỗ dập nát sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Lúa giai đoạn đòng - trỗ dập nát sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, bão đã gây ngập úng, đổ ngã, dập lá, bật gốc và đổ giàn trên 2.985,5 ha, chiếm 98,1% diện tích còn trên đồng ruộng tại các xã Thắng Thủy, Vĩnh Long, Hiệp Hòa (huyện Vĩnh Bảo); Đông Hưng, Hùng Thắng, Vinh Quang (thị trấn huyện Tiên Lãng); Phục Lễ, Phả Lễ, Tam Hưng, Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên); An Hòa, Đại Bản, Tân Tiến huyện An Dương; Tú Sơn, Đại Đồng, Đại Hợp (huyện Kiến Thụy).

Về hoa, cây cảnh và cây ăn quả, tổng diện tích hoa và cây cảnh trong toàn thành phố ước tính là 717,9ha, bao gồm 78,4ha hoa và 639,5ha cây cảnh. Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề, làm đổ ngã, gãy cành và dập lá trên 671,5ha, chiếm 93,54% tổng diện tích hoa và cây cảnh.

Đối với cây ăn quả, tổng diện tích là hơn 6.848 ha, trong đó 1.681,5 ha (24,55%) đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, bão đã gây thiệt hại trên 3.380 ha cây ăn quả, chiếm 49,36% tổng diện tích.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, bão Yagi khiến nhiều trại đã bị tốc mái, sập trần và ngập nước. Tổng thiệt hại ghi nhận bao gồm 413.496 con gia cầm như gà, vịt, và ngan, cùng với 921 con lợn và 62 con gia súc như trâu, bò và dê.

Trại thực nghiệm sản xuất và chuyển giao nông, lâm, thủy sản chất lượng cao thuộc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng bị hư hại tài sản do bão số 3. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng.

Trại thực nghiệm sản xuất và chuyển giao nông, lâm, thủy sản chất lượng cao thuộc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng bị hư hại tài sản do bão số 3. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 3

Trước diễn biến phức tạp của bão và điều kiện thời tiết bất lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và trạm trên địa bàn huyện nắm bắt tình hình sản xuất, kịp thời tham mưu Sở NN-PTNT ban hành công văn ngày 9/9 về hướng dẫn khắc phục ảnh hưởng và thiệt hại sau bão số 3.

Đối với lúa vụ mùa, các biện pháp được triển khai bao gồm huy động mọi nguồn lực để tiêu úng và khơi thông dòng chảy. Chi cục đã chỉ đạo sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh chóng, đồng thời phân loại các diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp xử lý phù hợp. Việc tiêu nước đệm trên hệ thống đã được duy trì, đảm bảo mặt ruộng không bị ngập úng thêm trong trường hợp mưa lớn tiếp tục xảy ra.

Điều chỉnh mực nước tiêu thoát để đảm bảo cây lúa không bị đổ ngã, giữ mực nước từ 5 - 7cm, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trỗ bông và làm hạt. Để tránh rong rêu, bùn đất bám trên lá cản trở quang hợp, nông dân được hướng dẫn té nước rửa lá cho lúa. Đối với diện tích lúa từ giai đoạn sau trỗ đến ngậm sữa bị đổ ngã, nông dân được hướng dẫn dựng và buộc lại lúa từ 3 - 4 khóm mỗi cụm.

Đặc biệt chú trọng đến công tác phòng trừ sinh vật gây hại, nhất là tại những ruộng lúa bị đổ. Nông dân được hướng dẫn theo dõi sát sao các đối tượng gây hại như bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân hai chấm, rầy nâu và rầy lưng trắng để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả. 

Đối với cây rau màu, đã triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão Yagi nhằm đảm bảo cây trồng sớm phục hồi. Cụ thể, các kênh mương, rãnh thoát nước trên ruộng đã được khơi thông và nạo vét để giảm ngập úng. Những phần thân lá bị dập nát do mưa bão đã được dọn dẹp sạch sẽ.

Người dân xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước để tránh gây ngập úng cục bộ. Ảnh: Thảo Phương.

Người dân xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước để tránh gây ngập úng cục bộ. Ảnh: Thảo Phương.

Khi đất khô ráo, nông dân đã tiến hành xới xáo phá váng, kết hợp với việc bón phân lân, NPK, phun phân bón lá và các chế phẩm vi lượng như KH, Pennac P để cây nhanh phục hồi. 

Đối với những ruộng ngập trong thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi, nông dân phun thuốc phòng trừ nấm hại để bảo vệ cây trồng. Những diện tích bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng thu hoạch được vệ sinh đồng ruộng, xới xáo, phơi đất và gieo trồng lại các loại rau ngắn ngày, ưa nước để nhanh chóng cung cấp rau cho thị trường. 

Đến nay, phần lớn các diện tích lúa và rau màu đã và đang được rút nước, giúp giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.

Đối với cây lâu năm, cây ăn quả và cây cảnh, các biện pháp khắc phục hậu quả bão cũng được thực hiện khẩn trương. Những vườn cây bị ngập úng đã được đào rãnh, khơi thông dòng chảy và bơm rút nước nhanh chóng. 

Sau khi nước rút, đất ở vùng tán cây được xới nhẹ và phá váng lớp đất mặt để giúp đất thông thoáng, đồng thời hỗ trợ cây tái sinh rễ mới. 

Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả đang phát triển, nông dân đã phun bổ sung các loại phân bón lá chứa các vi lượng như Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt hoặc rụng quả. 

Đối với cây bị long gốc, đã tiến hành dậm chặt đất, vun gốc, tưới thuốc trừ nấm hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học nấm đối kháng để hỗ trợ cây nhanh chóng phục hồi. Sau khi bộ rễ cây đã ổn định, nông dân tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng và hạn chế sử dụng phân bón hóa học, đồng thời phun phân bón lá để tăng khả năng phục hồi cho cây.

Những cây bị nghiêng hoặc gãy cành do gió bão đã được dọn dẹp và cắt bỏ cành gãy. Các vết cắt được bôi keo liền sẹo hoặc nước vôi pha loãng để tránh nhiễm bệnh. Cây nghiêng đã được dựng lại, chống bằng cọc gỗ hoặc tre, dây thừng và bồi đắp thêm đất vào gốc. 

Ngoài ra, hệ thống rãnh thoát nước cho vườn cũng được đào bổ sung để đảm bảo cây không bị ngập úng thêm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất