| Hotline: 0983.970.780

Hạn hán khiến 365ha cây trồng thiệt hại, ngành thủy lợi nhọc nhằn cấp nước

Thứ Ba 26/03/2024 , 10:54 (GMT+7)

Do hạn hán, thiếu nước tưới nên tỉnh Bình Thuận đã có hàng trăm ha chủ yếu là thanh long, rau màu đang bị thiệt hại và hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận bị khô khát do thiếu nước tưới. Ảnh: KS.

Nhiều diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận bị khô khát do thiếu nước tưới. Ảnh: KS.

Đồng khô, người khát

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, tính đến ngày 24/3, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi còn 115 triệu m³, đạt 31% so với thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m³. Còn lượng nước hữu ích hiện tại các hồ thủy điện như Hàm Thuận còn khoảng 354/522 triệu m³ đạt 67,7% thiết kế; hồ thủy điện Đại Ninh còn khoảng 155/252 triệu m³ đạt 61,7% thiết kế.

Ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, do mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên và mực nước ngầm giảm.

Đến nay, toàn tỉnh có 365 ha chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra còn có 1.175 ha cây trồng chủ yếu là thanh long có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.

Không chỉ thiếu nước tưới cho sản xuất, báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Thuận cho hay, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại 5 huyện gồm Bắc Bình, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TP Phan Thiết với 26.872 hộ dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Đoàn công tác Cục Thủy lợi kiểm tra tình hình hạn hán ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Đoàn công tác Cục Thủy lợi kiểm tra tình hình hạn hán ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết, nguyên nhân do một số công trình cấp nước như: Hàm Đức, Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc); Long Hải, Ngũ Phụng (Phú Quý); Đức Bình (Tánh Linh)... đầu tư đã lâu (từ năm 2004 ), công suất nhỏ, khai thác nguồn nước ngầm, nước từ các dòng suối nhỏ nên không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động nhà máy nước vào mùa khô.

Một số công trình cấp nước chưa được đầu tư nâng công suất nhà máy, nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước kịp thời nên các khu vực cao, xa nhà máy nước áp lực và lưu lượng nước không đáp ứng nhu cầu, nhà máy nước phải điều tiết cấp nước luân phiên gây thiếu nước cục bộ.

Trước tình hình hạn hán, thiếu nước tưới, theo ông Hồ Đắc Nghĩa, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo chống hạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên của Ban chỉ đạo trên từng địa bàn. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, khai thác. Bên cạnh đó, công ty sẽ chủ động phối hợp với Công ty thủy điện Đại Ninh và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi kiểm tra thực địa về tình hình cấp nước khu vực hạ du đập, hồ chứa thủy điện để tổng hợp báo cáo Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh gửi văn bản đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia xem xét điều chỉnh kịp thời kế hoạch chạy máy, tránh xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng.

Ngoài ra, Công ty có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du từ 2 nhà máy thủy điện, cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân các địa phương vùng hạ du, cũng như tận dụng triệt để lượng nước mặt trên các lưu vực sông, suối tích trữ vào các hồ chứa thủy lợi, ao, bàu, đập dâng, kênh trục chính; thực hiện tích trữ nguồn nước vào các hồ Sông Lũy, Cà Giây, không để kéo dài thời gian lấy nước, gây thất thoát, lãng phí.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đang nỗ lực đảm bảo nước tưới vụ đông xuân. Ảnh: KS.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đang nỗ lực đảm bảo nước tưới vụ đông xuân. Ảnh: KS.

Đồng thời triển khai sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương, cửa cống lấy nước; vận động nhân dân nạo vét khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo thông thoát từ đầu mối tới mặt ruộng tại các địa phương để chủ động dẫn nước tưới. Chỉ đạo các chi nhánh, trạm trực thuộc công ty tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới luân phiên); tiến hành rà soát lại phần diện tích cần tưới, phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý nước và công trình nhằm tính toán cân đối nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo cấp nước tưới cho lúa vụ đông xuân, diện tích trồng thanh long, nuôi trồng thủy sản và tích trữ nguồn nước tưới vụ hè thu năm 2024.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nguồn nước, điều tiết nước hợp lý tưới cho 23.910 ha lúa vụ đông xuân, 19.330 ha thanh long và 411 ha nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó tiếp tục cấp nước cho các nhà máy nước với kế hoạch hơn 8,2 triệu m3/tháng”, ông Hồ Đắc Nghĩa chia sẻ.

Cấp nước theo thứ tự ưu tiên

Cũng theo tính toán của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, trong mùa khô năm 2024, tổng lượng nước tiếp tục cấp tính đến ngày 30/6 là hơn 174 triệu m³. Trong đó nước sinh hoạt 22,83 triệu m³; tưới cho thanh long 70,72 triệu m³ và tưới cho lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 là 80,52 triệu m³.

Riêng nước tưới cây thanh long và cây ăn quả tùy lượng nước tại các công trình mà thời gian từ ngày 3/3 đến khoảng ngày 30/5/2024. Riêng địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thiếu nước ngưng tưới sớm nhất, cụ thể hồ Tà Mon ngưng tưới từ ngày 3/3, kênh bắc Ba Bàu dự kiến ngừng tưới vào ngày 4/4/2024.

Tỉnh Bình Thuận sẽ cấp nước theo thứ tự ưu tiên gồm nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận sẽ cấp nước theo thứ tự ưu tiên gồm nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, tình tình nắng nóng hạn hán thiếu nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ rất gay gắt, một số hồ dung tích nhỏ đã dưới mực nước chết. Do đó việc cấp nước sẽ được tỉnh sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Đối với cây thanh long trong khu vực không đủ nguồn nước tưới thì không nên cho ra quả mà tâp trung chăm sóc vượt qua mùa nắng hạn.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay của Bình Thuận đa phần hệ thống kênh tưới, kênh chuyển nước là kênh đất, chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn khi chuyển nước từ các hồ chứa lớn tiếp nước cho các hồ nhỏ thiếu nước. Nhiều hồ chứa có quy mô nhỏ như: Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, lâm trường Sông Dinh, Sông Khán, Trà Tân nên khả năng tích trữ nguồn nước không nhiều.

Nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn chưa được đầu tư lấy nước từ các hồ chứa nước lớn nên khó khăn về việc cấp nước thô trong mùa khô hạn, không thể duy trì công suất.

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cùng đoàn công tác đã làm việc với Sở NN-PTNT Bình Thuận về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn. Lãnh đọa Cục Thủy lợi đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh cần lên kế hoạch cấp nước hợp lý và tiết kiệm. Trong đó, ưu tiên cấp nước sinh hoạt và đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa đến tháng 6/2024.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, cũng như khuyến cáo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất tập trung, lùi thời gian sản xuất vụ lúa tiếp theo trên cơ sở cân đối nguồn nước tưới. Đối với nước sinh hoạt, cần đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt đầy đủ cho người dân. Trường hợp nguồn nước tại các công trình cấp nước thiếu, địa phương lên phương án chở nước về những địa điểm tập trung để phục vụ người dân sinh hoạt…

Ông Hồ Đức Nghĩa đề nghị các địa phương tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về khả năng có thể xảy ra nguy cơ hạn hán, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mức, đúng mục đích. Đối với Công ty Thủy điện Đại Ninh, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiếp tục duy trì lưu lượng chạy máy theo đúng nhu cầu đăng ký của địa phương.

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.