| Hotline: 0983.970.780

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 4] Cống thủy lợi chở che những cánh đồng

Thứ Ba 19/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Mặn bủa vây cả hướng biển Đông và biển Tây, nhưng nhờ có hệ thống công trình thủy lợi điều tiết, đến nay,xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng sản xuất cho Hậu Giang.

Độ mặn tăng nhanh

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang vừa dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Tại xã ngoại thành Hỏa Tiến, đoàn đã kiểm tra công tác ngăn mặn tại cống Kênh Lầu, lưu thông với sông Cái Lớn đổ ra biển Tây qua vịnh Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).

Cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang thường xuyên đo kiểm tra độ mặn, cập nhật thông tin và cảnh báo đến người dân chủ động bảo vệ sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang thường xuyên đo kiểm tra độ mặn, cập nhật thông tin và cảnh báo đến người dân chủ động bảo vệ sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Theo số liệu đo thực tế của cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, độ mặn ngay cửa van cống phía ngoài là 5,1‰ (g/l), phía trong vùng giữ ngọt là 1,7‰.

Còn tại sông Cái Lớn nơi cửa sông Kênh Lầu độ mặn là 5,4‰. Độ mặn tại cống Kênh Lầu liên tục tăng từ đầu tháng 3 cho đến nay, từ mức 1,8‰  (ngày 1/3) lên mức 5,1‰ (ngày 12/3) và cao nhất trong 10 ngày đầu tháng 3 là 5,9‰ (ngày 5/3). Cũng trên sông Cái Lớn tại bến đò Khu căn cứ Tỉnh ủy (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến) độ mặn đo sáng 12/3 ở mức 1,2‰.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Vị Thanh đang có 120 cống hở và cống ngầm được đầu tư xây dựng từ năm 2000 trở lại đây, để điều tiết nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập, giữ ngọt bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh. Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang quản lý 32 cống hở và 10 cống ngầm, thành phố quản lý 36 cống hở và 42 cống ngầm.

Bà Trần Thị Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh cho biết, trước tình hình độ mặn tăng cao và nguy cơ xâm nhập sâu vào nội đồng, thành phố đã chủ động đóng các cống ngăn mặn và đắp các đập tạm. Đồng thời, khuyến cáo nông dân lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất khi độ mặn còn thấp, trong giới hạn cho phép. Do đó, điến thời điểm hiện tại các diện tích trồng lúa, rau màu, cây ăn trái trong khu vực đê bao chưa bị ảnh hưởng.

Cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đo độ mặn tại cống Kênh Lầu, ghi nhận độ mặn liên tục tăng cao từ đầu tháng 3 cho đến nay. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đo độ mặn tại cống Kênh Lầu, ghi nhận độ mặn liên tục tăng cao từ đầu tháng 3 cho đến nay. Ảnh: Trung Chánh.

Còn đối với nước sinh hoạt, người dân thành phố Vị Thanh được cung cấp bởi Công ty CP Cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang và ở các xã ngoại thành có trạm cấp nước của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hiện nguồn lấy nước vẫn đảm bảo, tuy nhiên nếu mặn xâm nhập kéo dài và lấn sâu vào trong sông thì phải điều tiết nguồn nước từ khu vực Tám Ngàn (phía thượng nguồn, giáp với huyện Châu Thành A) về để phục vụ người dân.

Công trình thủy lợi kiểm soát mặn tốt

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh đang tăng nhanh theo đợt triều cường cuối tháng Giêng, đầu tháng 2. Đáng lo ngại là mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo cả 2 hướng, từ phía biển Tây và biển Đông.

Phía biển Tây (từ hướng Kiên Giang qua), độ mặn cao nhất đo được tại trạm cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) là 9,5‰ (ngày 4/3), UBND xã Lương Nghĩa 8,7‰ (ngày 7/3), tại ngã ba Nước Trong (thuộc thành phố Vị Thanh) là 6,5‰ (ngày 5/3) và ngã ba Nước Trong (thuộc huyện Long Mỹ) 5,8‰ (ngày 5/3).

Mặn từ phía biển Đông (hướng tỉnh Sóc Trăng qua) xâm nhập vào sông Cái Côn với độ mặn 1,3‰ (ngày 11/3) và sông Mái Dầm là 0,6‰ (ngày 11/3) ảnh hưởng đến khu vực thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành.

Ông Ngô Minh Long (bên phải), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang trực tiếp cùng cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đo kiểm tra độ mặn trên sông Cái Lớn thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh, ghi nhận độ mặn đang tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Ngô Minh Long (bên phải), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang trực tiếp cùng cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đo kiểm tra độ mặn trên sông Cái Lớn thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh, ghi nhận độ mặn đang tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Trần Thanh Toàn, từ đầu mùa khô, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với đơn vị vận hành khai thác công trình thủy lợi của tỉnh và cấp huyện, đóng tất cả các cống ngăn mặn, đảm bảo nước mặn không xâm nhập lên đồng ruộng, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Cùng với đó là tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống hạn, mặn, sử dụng nước tiết kiệm, cả cho sản xuất và sinh hoạt.

Với tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, tỉnh Hậu Giang ước tính sẽ có khoảng 90.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng. Theo đó, các địa phương ở thượng nguồn như huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy sẽ bị ảnh hưởng do nắng hạn. Còn các địa phương ở hạ nguồn như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp… bị ảnh hưởng trực tiếp do xâm nhập mặn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, năm nay tình hình hạn, mặn ảnh hưởng tới tỉnh Hậu Giang từ khá sớm. Nước mặn xâm nhập với độ mặn ghi nhận từ 3 - 4‰ xuất hiện ngay từ sau Tết Nguyên đán, duy trì và tăng cho đến hiện nay lên đến 7 - 9‰. So với trung bình hàng năm thì mặn không chỉ xâm nhập sớm mà còn ở mức khá cao.

Tỉnh Hậu Giang đã chủ động đóng tất cả các cống ngăn mặn, đảm bảo nước mặn không xâm nhập lên đồng ruộng, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Hậu Giang đã chủ động đóng tất cả các cống ngăn mặn, đảm bảo nước mặn không xâm nhập lên đồng ruộng, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, nhờ có hệ thống công trình thủy lợi cống Cái Lớn – Cái Bé điều tiết, nên mặn xâm nhập vào Hậu Giang đang được khống chế không tăng quá cao. Hiện nay, mặc dù xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng đến sản xuất nhưng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con, nhất là nguồn nước mặt trên một số tuyến sông chính người dân không thể sử dụng.

Theo ông Long, tỉnh Hậu Giang xác định có 3 vùng hiện đang bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Một là thành phố Vị Thanh, đối với các xã ngoại thành nằm tiếp giáp với sông Cái Lớn như Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu…

Hai là huyện Long Mỹ, với 2 xã bị ảnh hưởng nặng là Lương Tâm, Lương Nghĩa. Ba là huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều biển Đông. Trong đó, gay gắt nhất là ở huyện Long Mỹ, đang có diện tích lúa đông xuân khoảng 240ha bị đe dọa.

Mặn có thể xâm nhập vào sâu gần 60 km trên sông Cái Lớn - Cái Bé

Theo dự báo, mặn theo triều biển Tây có thể xâm nhập sâu vào sông Cái Lớn - Cái Bé hàng chục km trong 1 tuần tới ngày tới.

Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết, dự báo xâm nhập mặn từ ngày 11 - 20/3, độ mặn cao nhất khu vực cửa sông có xu thế tăng trong 1 - 2 ngày tới do ảnh hưởng của nước dâng, sau đó tăng theo triều đến ngày 13 - 16/3. Thời gian xuất hiện độ mặn cao nhất trong ngày từ khoảng 4 giờ đến 11 giờ.

Nếu không vận hành các công trình thủy lợi, trên sông Cái Bé độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu từ 18 - 20km (đầu xã Bình An, huyện Châu Thành). Độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 24 - 26km (gần cuối xã Minh Hòa, Châu Thành). Trên sông Cái Lớn độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 48-52km (giữa xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao). Độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 55 - 57km (cuối xã Vĩnh Hoà Hưng Nam, Gò Quao).

Trên kênh Cái Sắn độ mặn 4‰ xâm nhập sâu tới cầu Bầu Thì, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành. Độ mặn 1‰ xâm nhập sâu tới cầu Chung Sư, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành. Đáng chú ý là mặn từ hướng sông Cái Bé qua Vàm Bà Lịch vẫn xâm nhập mạnh vào kênh Cái Sắn vào thời kỳ triều cường do âu thuyền Vàm Bà Lịch chưa được vận hành.

Theo ông Hiền, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Cái Bé, kênh Cái Sắn ở cấp độ 1, sông Cái Lớn cấp độ 2. Cảnh báo tác động của xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn, Cái Bé, Cái Sắn tăng cao vào thời gian triều cường trong ngày, độ mặn ở mức 4‰ sẽ có ảnh hưởng mạnh đến sinh trưởng của cây lúa và hoa màu, nước sinh hoạt của người dân.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.