| Hotline: 0983.970.780

Sống chung cùng hạn, mặn: [Bài 4] Những chiếc túi khôn mùa hạn mặn

Thứ Sáu 13/03/2020 , 08:31 (GMT+7)

Những chiếc túi trữ nước "khổng lồ" được ví như túi khôn của bà con trồng cây ăn trái ĐBSCL giữa cơn hạn mặn quay quắt.

Người dân Miền Tây đã chủ động trữ nước ngọt trước khi hạn mặn đến. Ảnh: Minh Đảm

Người dân Miền Tây đã chủ động trữ nước ngọt trước khi hạn mặn đến. Ảnh: Minh Đảm

Hiện nay, ĐBSCL đang trong cơn quay quắt hạn mặn, được đánh giá là vượt cả đỉnh hạn mặn lịch sử 2015-2016, trăm năm mới xuất hiện một lần. Hầu hết các địa phương ven biển đều đã bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới.

Vừa qua, tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau,.. tình hình nước ngọt thiếu khá trầm trọng, đâu cũng có tình trạng "người khô, cây khát".

Một số nơi, cây ăn trái đã bắt đầu rụng lá, héo quả. Tuy chưa thiệt hại nhưng tình hình dự báo đang đến hồi căng thẳng. Nhất là tháng 3/2020 này, theo dự báo của Bộ NN-PTNT mặn sẽ lên đỉnh điểm, và có thể kéo dài sang tháng 4.

Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động ứng phó bằng các giải pháp như, đắp cống ngăn mặn, bơm nước vào kênh nội đồng, đắp đập dã chiến trữ ngọt, gia cố đê bao cống bọng, vận chuyển nước ngọt cấp cho các nhà máy nước, mở các điểm cung cấp nước công cộng, làm hồ trữ nước ngọt,… thì sự chủ động của người dân cũng đã góp phần giảm thiểu tác động của đợt hạn mặn lịch sử.

Không lo nước tưới, sinh hoạt

Những ngày qua, ông Huỳnh Văn Xuân, ngụ ấp Thanh Phong, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đều đặn cập nhật diễn biến xâm nhập mặn được thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thanh Bình, để thông báo cho người dân trong tổ nhân dân tự quản biết. Từ đó, mọi người sẽ chủ động hơn trong việc dự trữ tưới nước cho vườn cây ăn trái.

Người dân tiếp cận, tìm hiểu sản phẩm túi trữ nước khổng lồ. Ảnh: Minh Đảm

Người dân tiếp cận, tìm hiểu sản phẩm túi trữ nước khổng lồ. Ảnh: Minh Đảm

Nhớ lại mùa khô 2015-2016, ông Xuân bồi hồi nói: Do mặn xâm nhập diễn ra ngay trong những ngày Tết nên nông dân chủ quan. Riêng vườn bưởi 8 công đang cho trái của gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, 70% bị chết hoàn toàn và 30% còn lại cũng suy giảm năng suất. 

Rút kinh nghiệm “xương máu”, để bảo vệ vườn bưởi và sầu riêng được trồng lại sau đó, ông Xuân đã cải tạo mương vườn, thường xuyên kiểm tra cống bọng để chủ động tưới tiêu.

Đầu năm 2020, ông Xuân còn mua thêm một túi trữ nước ngọt bằng nhựa có dung tích 15m3 với giá 2,4 triệu đồng để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn được dự báo gay gắt hơn những năm trước đây.

“Nghe thông tin dự báo hạn, mặn ngày càng phức tạp, tôi đã đăng ký mua thêm 3 túi trữ nước nữa để chủ động nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất”, ông Xuân cho biết. Nhờ vậy đến nay, vườn cây của ông vẫn chủ động được nước tưới. Với túi nước này, khi mặn xâm nhập nhiều ngày, ông có thể sử dụng để sinh hoạt rất tiện lợi.

Túi nước được bảo quản tốt có thể dùng cho sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Túi nước được bảo quản tốt có thể dùng cho sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Đợt hạn mặn năm 2015-2016, xã Thanh Bình là một trong hai xã cù lao của huyện Vũng Liêm bị xâm nhập mặn khá nặng nề. Mùa khô năm nay, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời nên đến thời điểm hiện tại, xã chưa ghi nhận thiệt hại nào đáng kể do hạn mặn gây ra.

Ông Hồ Văn Trọn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Diện tích cây ăn trái của xã là 1.187 ha với 2 loại cây trồng chủ lực là sầu riêng (hơn 400 ha) và bưởi (gần 660 ha). Trong đó, trên 400 ha cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế 200 triệu đồng/ha/năm. Ngay từ đầu, xã đã vận động người dân theo dõi các thông về hạn mặn, nạo vét kênh mương, mua dụng cụ trữ nước ngọt có dung tích lớn trữ nước dùng được từ 10-15 ngày.

Chiếc túi trữ nước “khổng lồ” là sản phẩm tự chế của nông dân trong mùa hạn mặn 2015-2016, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường giúp người nông ứng phó hạn mặn hiệu quả. Đây là sản phẩm của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng với các kích cỡ 15 m3 và 20 m3, giá bán lần lượt là 2,4 triệu đồng và 3,4 triệu đồng/túi. Thời gian bảo hành 8 năm.

Khi chứa trong túi, nước không bị ô nhiễm do lá cây rụng vào có thể dùng sinh hoạt. Nước cũng không bị thất thoát, bốc hơi do nắng nóng. Khi không sử dụng người dân có thể xếp cất túi gọn lại.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ Lợi Vĩnh Long cho biết: Sản phẩm có các ưu điểm như chi phí thấp, dễ dàng lắp đặt, chứa được nhiều nước, lắp được trên nhiều địa hình khác nhau, dễ dàng vận chuyển, độ bền cao.

Cây giống mượt mà

Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre để ứng phó với hạn mặn, bà con nông dân đã trang bị bút thử độ mặn, xây hồ trữ nước trên cạn, đào ao, mua bạt lót đáy ao, mua túi trữ nước khổng lồ, bình nhựa trữ nước sinh hoạt,…

Đối với những hộ làm cây giống nhu cầu sử dụng nước ngọt rất lớn, các hộ đã tự trang bị thêm túi trữ nước “khổng lồ”, với dung tích từ 15 m3 đến 25 m3.

Nông dân Nguyễn Thanh Sơn ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách còn mua bút đo mặn về thử nước mặn mỗi ngày. Từ cuối tháng Chạp năm ngoái, thấy có tình trạng xâm nhập mặn ông Sơn đã chủ động đào ao với dung tích khoảng 25 m3 trữ nước ngọt.

Ông Nguyễn Thanh Sơn chủ động mua tưới trữ nước ngọt nên cây giống vẫn sinh trưởng tốt. Ảnh: Minh Đảm

Ông Nguyễn Thanh Sơn chủ động mua tưới trữ nước ngọt nên cây giống vẫn sinh trưởng tốt. Ảnh: Minh Đảm

“Nhưng nắng kiểu này mau thoát hơi quá. Ban đầu mình chứa nước trong độ mặn cho phép nhưng một thời gian ngắn thì nước thoát hơi, độ mặn tăng nên không hiệu quả. Bởi vì cây giống còn non, ngưỡng chịu mặn chỉ 0,2‰ thôi. Hơn nữa mình tưới một thời gian, mặn tích trong xơ dừa, đất trồng cây không chết nhưng phát triển không bình thường được, đa số bị rụng lá, cháy bìa lá”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, nếu chủ động được nước ngọt trong mùa hạn mặn này, cây giống sẽ mượt mà hơn, tốt hơn, không bị rụng lá, cháy vàng mép lá. Sau này khi trồng, cây mới phát triển khoẻ. Vì vậy, độ mặn phải thấp mới hiệu quả. Với lại dung tích ao nhỏ sẽ không thể cầm cự được lâu trong khi dự báo mặn có thể kéo dài. Chính vì vậy, ông Sơn đã đầu tư tiền mua các túi trữ nước.

“Ban đầu xài thử hai túi thấy khá hiệu quả, không bị xì gì hết nên tôi mua thêm 3 túi nữa, chi phí chỉ 15 triệu đồng. Tổng cộng 5 túi này khoảng 100 khối nước, tưới tiết kiệm được hơn 1 tháng. Mình phải cầm cự chữa cháy chứ để lỡ hợp đồng cả trăm ngàn cây giống, đối tác bắt đền hợp đồng chết. Cũng may tưới đến 4 túi là có nước ngọt trở lại rồi”, ông Sơn nói thêm. Trong khi, nhiều hộ chủ quan, không dự trữ nước ngọt bây giờ thuê xe Hoa Lâm chở nước tốn tiền triệu mỗi ngày. 

Ông Đỗ Văn Trong cho biết, nhờ chủ động trữ nước ngay từ đầu nên vườn hoa kiểng của ông không thiệt hại nhiều. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đỗ Văn Trong cho biết, nhờ chủ động trữ nước ngay từ đầu nên vườn hoa kiểng của ông không thiệt hại nhiều. Ảnh: Minh Đảm.

Hộ ông Đỗ Văn Trong, ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang trồng rất nhiều hoa kiểng trong chậu như mai, rồi sầu riêng giống.

Ông Trong cho biết: "Trước đó, tôi vét các mương vườn cho sâu. Rồi xả nước ngọt đầy vườn, đậy nắp cống thủ sẵn. Bên cạnh đó, tôi mua túi ni lông về trữ nước trên 10 khối nước để tránh nước thấm vào đất. Kẹt quá mới lấy nước này xài vài bữa tìm cách xoay xở.

Như hôm nay, nước bớt mặn rồi tôi cho vô đầy vườn, đầy túi trở lại. Chứ nghe đài báo, mặn hết tháng này cũng phải tính kế chứ. Xung đây ai cũng mua túi, mua lu, đợi nước ngọt về là lấy vô liền. Mấy hôm trước, mỗi ngày người dân bơm nước ngọt, tốn ngày cả triệu, chịu sao thấu".

Bên cạnh đó, các hộ còn tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho cây bằng vòi phun nhỏ, che lưới tạo bóng râm cho cây. Vì nguồn nước ngọt rất khan hiếm, phải thuê ghe chở từ khu vực khác về, chi phí khoảng 100.000 đồng/khối. Tranh thủ mỗi đợt có nước ngọt, ông Sơn và các hộ dân đã bơm đầy túi, tính ra chi phí cũng giảm mạnh.

Nhiều hộ dân còn tự chế túi trữ nước bằng ni lông. Ảnh: Minh Đảm

Nhiều hộ dân còn tự chế túi trữ nước bằng ni lông. Ảnh: Minh Đảm

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Anh Linh cho biết, hàng năm huyện cung cấp cho thị trường cả nước từ 36-40 triệu cây giống.

Vì vậy, trong các năm qua, huyện đã đầu tư hệ thống đê bao cục bộ. Hiện nay, huyện đang vận hành hệ thống trữ ngọt. Tuy nhiên, do mặn quá lâu nước trong các kênh cũng đã hết, người dân chuyển sang giai đoạn chở nước từ nơi khác về.

Riêng túi trữ nước ngọt khá hiệu quả nhưng tuỳ theo loại hình sản xuất. Điều kiện là mặn trong vòng một tháng trở lại thì mới tiết kiệm được. Vì hạn mặn từ trước Tết tới nay và dự báo kéo dài 2 tháng nữa thì phải tiếp tục thuê tàu chở nước về dự trữ tiếp trong túi này.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất