Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Sáng 3/1, tại TP Bến Tre, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020. Đến dự, chủ trì và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường: Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng thời gian mưa ngắn. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm hơn so với năm 2015, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, vụ đông xuân 2019-2020 đến nay đã gieo sạ trên 1,5 triệu ha lúa. Số diện tích lúa bị ảnh hưởng chủ yếu được xuống giống trong tháng 12 (khoảng 350 nghìn ha) và một phần diện tích của vụ mùa, vụ thu đông chưa thu hoạch.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phòng chống xâm nhập mặn. |
Cùng với đó là khoảng 360 nghìn ha cây ăn trái, 500 nghìn người dân trong vùng không có khả năng chủ động được nguồn nước sẽ bị thiếu nước.
Bộ trưởng cũng cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến phần lớn diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại ĐBSCL.
Cũng theo Bộ trưởng, sự chủ động của các tỉnh, sự vào cuộc ráo riết của các nhà khoa học và ý thức của người dân đã được nâng cao nhưng điều đó là chưa đủ để ứng phó tốt với mùa hạn năm nay.
Các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: ĐBSCL là vùng trọng điểm lương thực thực phẩm cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ rất quan tâm đến công tác bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân trong bối cảnh hạn mặn xuất hiện sớm.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, Sở NN-PTNT cần phải đánh giá sát sao tình hình thực tế địa phương, có công tác dự báo, chuẩn bị ứng phó trong thời gian tới. Nhất là phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân, nước sản xuất nông nghiệp, bảo vệ mùa màng.