| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu: Kịch bản nào ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn?

Thứ Ba 31/12/2019 , 09:08 (GMT+7)

Dự báo, mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bạc Liêu nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Hàng ngàn héc ta lúa, tôm bị ảnh hưởng

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.400ha lúa ĐX bị thiếu nước ngọt, trong đó TX Giá Rai khoảng 1.500ha thiếu nước; huyện Hòa Bình khoảng 300ha; huyện Vĩnh Lợi khoảng 1.400ha; huyện Phước Long khoảng 2.200ha. Thời gian thiếu nước ngọt bắt đầu tháng 3/2020.

17-49-10_1_u_thuyen
Ông Nguyễn Quang Dương (bên phải) - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu kiểm tra cống âu thuyền Ninh Quới.

Nếu nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm 2019 - 2020 diễn ra bất lợi như mùa khô năm 2015 - 2016, dự báo khoảng 2.000ha lúa sản xuất trên đất tôm có nguy cơ thiếu nước ngọt và giảm năng suất. Ngoài ra, khoảng 9.000ha nuôi tôm nguy cơ bị thiệt hại do thiếu nguồn nước ngọt bổ sung trong trường hợp độ mặn trong các ao nuôi tăng cao.

Kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO cho thấy, khả năng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến giữa năm 2020. Theo đó, tháng 12/2019 phổ biến ít mưa, tuy nhiên có một số ngày do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới sẽ có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa tháng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 10 - 25%.

Đến tháng 1/2020, lượng mưa phổ biến xấp xỉ trên TBNN, tháng 2, tháng 3/2020, phổ biến không mưa, tháng 4/2020, lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN từ 10 - 20%, tháng 5 năm 2020, lượng mưa xấp xỉ TBNN và thời gian bắt đầu mùa mưa 2020 dự báo sẽ xảy ra trong 10 ngày giữa tháng 5. Nhiệt độ trung bình tại Bạc Liêu sẽ ở mức 34 - 35oC, cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,0oC.
 

Thiếu nước ngọt trồng lúa

Vụ lúa TĐ, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống 44.409ha, thu hoạch 5.885ha, theo đánh giá sản xuất vụ TĐ hiện nay gặp thuận lợi, đủ nước ngọt. Tuy nhiên, diện tích lúa Tài nguyên (chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Lợi) có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước vào cuối vụ.

Còn vụ ĐX, dự kiến tỉnh Bạc Liêu sẽ canh tác 48.229ha, dự kiến nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô bất lợi như mùa khô năm 2015 - 2016. Dẫn đến diện tích lúa nguy cơ thiếu nước do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục Quản lộ Phụng Hiệp sẽ thiếu hụt, thêm vào đó nhiệt độ cao sẽ gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến khoảng 5.400ha, gồm phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt (phần diện tích khoảng 500m dọc theo các cống Quốc lộ 1A và dọc theo các cống phân ranh mặn, ngọt). Thời gian thiếu nước ngọt bắt đầu từ đầu tháng 3/2020. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước ngọt dự dễ bị nhiễm phèn, chi phí sản xuất lúa ĐX sẽ gia tăng do dùng nhiều nhiên liệu bơm tát, để tưới chống hạn.

Riêng vụ lúa trên đất tôm, tỉnh đã xuống giống 39.578ha, chỉ mới thu hoạch 835ha, kế hoạch từ ngày 10/1 đến 31/1/2020 mới thu hoạch, nên khả năng 2.000ha lúa trên đất tôm ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A thuộc huyện Hồng Dân có nguy cơ thiếu nước ngọt và giảm năng suất trong tháng 1/2020.
 

Nuôi trồng thủy sản gặp khó

Nếu mặn xâm nhập sớm trong mùa khô năm 2019 - 2020, việc nuôi trồng thủy sản tại tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung. Khi đó, độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 250/00, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm mùa khô. Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô đầu năm 2020 cao hơn TBNN cũng gây bất lợi cho tôm nuôi.

Trong đó, tại TX Giá Rai, có 22.300ha đất nuôi trồng thủy sản luôn có yêu cầu nước mặn sớm từ tháng 12/2019 để xuống giống tôm vụ 1. Do đó việc cần khống chế không cho nước mặn xâm nhập qua khu vực lúa trên đất tôm từ cuối năm 2019 đến cuối tháng 1/2020 luôn là vấn đề cần quan tâm giải quyết của công tác điều tiết nước.

Riêng khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân có khả năng nước mặn biển Tây theo sông Cái Lớn sẽ có khả năng xâm nhập sớm từ đầu tháng 3/2020, do đó khu vực này sẽ có điều kiện nuôi tôm sớm hơn các năm gần đây.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, diện tích nguy bị thiệt hại vào khoảng 5.000ha (chủ yếu tập trung ở địa bàn TX Giá Rai và các xã phía Tây của huyện Phước Long). Dự kiến thời gian nuôi khó khăn, gay gắt cho diện tích tôm nuôi sẽ bắt đầu từ đầu tháng 3/2020.

Không khi đó, tại vùng nam Quốc lộ 1A, diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến là 60.515ha. Nếu mặn xâm nhập sớm trong mùa khô năm 2019 - 2020, việc nuôi trồng thủy sản ở vùng này sẽ gặp khó khăn. Dự báo có nguy cơ 4.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Ngoài sản xuất, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân tiểu vùng chuyển đổi, dễ phát sinh một số dịch bệnh trên con người trong thời kỳ cao điểm của mùa khô.
 

Một số giải pháp

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Sở NN-PTNT đã đề nghị các Sở, Ban, ngành liên quan, các địa phương tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến thời tiết. Từ đó chủ động phòng tránh, tập trung xuống giống vụ ĐX theo lịch thời vụ, điều chỉnh lịch vận hành các cống đầu mối khi cần thiết để lấy nước mặn vào sớm hơn. Phối hợp với Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 vận hành tạm thời cống âu thuyền Ninh Quới, đẩy nhanh tiến độ thi công kênh mương tạo nguồn, đắp các đập thời vụ…

Trước đó, ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Sở, Ban, ngành đã đi kiểm tra tình hình sản xuất trước tình hình xâm nhập mặn và hạn hán, tại địa bàn huyện Hồng Dân và huyện Phước Long. Sau đó, kiểm tra chủ đầu tư và đơn vị thi công vận hành thử cống âu thuyền Ninh Quới (Hồng Dân).

17-49-10_2_vn_hnh_thu_cong_u_thuyen_ninh_quoi
Vận hành thử cống âu thuyền Ninh Quới.
Ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Hoan nghênh UBND tỉnh và các ngành đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống hạn mặn. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị không được chủ quan, phải làm sao giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn, xâm nhập mặn gây ra. Khi kế hoạch, kịch bản đã có, các ngành, cấp ủy phải cùng vào cuộc, quyết tâm phòng chống hạn mặn đạt kết quả cao nhất”.

Qua khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung, cho rằng: “Một số cơ quan chức năng, lãnh đạo một số địa phương vẫn còn chưa ý thức hết nguy cơ về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020. Nếu không có sự chuẩn bị từ rất sớm, có giải pháp quyết liệt, cụ thể thì đến cuối vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành luôn đặt trong tình trạng khó khăn nhất để có kịch bản phù hợp, kịp thời xử lý nếu tình huống xấu xảy ra.

Xung quanh công tác điều tiết nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT thành lập ngay bộ máy để tiếp nhận và vận hành hàng loạt các cống lớn mới xây dựng. Khi có cống âu thuyền Ninh Quới thì việc điều tiết nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo Ban Quản lí Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, qua gần 12 tháng thi công, với nhân lực bình quân luôn có khoảng 100 công nhân trên công trường và trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, công trình đã thực hiện đến trên 85% khối lượng, đã hoàn thành lắp đặt cửa van.

Đầu tháng 12/2019, thì công trình đã đưa vào khai thác, kiểm soát mặn kịp thời, để phục vụ sản xuất, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trước 1/3/2020 (rút ngắn thời gian thực hiện 13 tháng so với hợp đồng). Khi đó sẽ giúp cho nông dân trong khu vực chủ động kiểm soát các nguồn nước mặn, ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.