| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống mặn

Thứ Năm 02/01/2020 , 21:05 (GMT+7)

Để ứng phó xâm nhập mặn, Bộ NN-PTNT đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành trước thời hạn nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt.

Xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ ngày 11-13/12/2019 do đợt triều cường ở mức cao và gió Đông Bắc cường độ mạnh (do ảnh hưởng của cơn bão số 7), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17 km. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.

Chiều 2/1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tiến độ thi công các công trình ngăn mặn tại Trà Vinh, Bến Tre.

Chiều 2/1, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có chuyển khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện Dự án Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít (Tiểu dự án số 6), dự án ICRSL (vốn ODA Ngân hàng Thế giới) tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Dự án thuỷ lợi Bắc Bến Tre giai đoạn I.

Đẩy nhanh tiến độ thi công

Tại Vĩnh Long, Trà Vinh dự án xây dựng 3 cống ngăn mặn, trữ ngọt: Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Bộ đang đẩy nhanh tất cả những công trình kiểm soát được mặn ngọt, ví dụ như Bông Bót đã được đã nhanh tiến độ lên 7 tháng.

Ngay giữa tháng 1/2020, toàn hệ bộ Cống Bông Bót sẽ được đưa vào vận hành, kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh (trong đó, Vũng Liêm là 11.375 ha, Trà Ôn 5.614 ha và Cầu Kè là 11.470 ha).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tiến độ xây dựng cống ngăn mặn Bông Bót (Cầu Kè, Trà Vinh).

Còn tại Dự án hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre có quy mô bao gồm 26 km đê bao sông Tiền, 9,6 km Đê bao sông Hàm Luông và xây dựng 38 cống hở. Để cùng với tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại tạo thành hệ thống đê khép kín, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 139.000 ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre (các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và Thành phố Bến Tre).

Song song đó, chủ động lấy ngọt, dẫn ngọt, lấy phù sa, rửa phèn phục vụ cho 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, kiểm soát mặn cho 20.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc hai huyện Bình Đại và Ba Tri.

Theo Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình thuỷ lợi 10, đến cuối 2019, các hạng mục hoàn thành, đáp ứng yêu cầu chống hạn, mặn: 26km đê sông Tiền và các cống dưới đê, 32 cống hở trên tuyến đê sông Tiền. Các công trình hoàn thành trong dự án góp phần kiểm soát mặn cho diện tích khu vực Bắc Bến Tre phần giáp sông Tiền cho 80.000 ha diện tích vùng dự án.

Hiện tuyến đê sông Hàm Luông và 17 cống trên tuyến đê vẫn đang triển khai thi công theo hợp đồng được ký kết, chưa phục vụ công tác chống hạn mặn 2019-2020. Như tại dự án cống An Hiệp, hiện tại cống đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt cửa van và vận hành chống hạn mặn 2019-2020 theo nhiệm vụ của công trình từ 10/2019, hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 2/2020, vượt tiến độ 3 tháng.

Nhiều công trình hoàn thành sớm đưa vào phục vụ kịp thời ngăn mặn.

“Hiện nay, đối với các công trình kiểm soát mặn ngọt và triều cường tại ĐBSCL, Bộ đã yêu các đơn vị thi công khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ lên. Riêng tại khu vực Bến Tre và Sóc Trăng đã được đẩy nhanh tiến độ lên từ 6 - 8 tháng (cống Âu Thuyền Ninh Quới tại Bạc Liêu đã được đẩy nhanh tiến độ lên 13 tháng).

Ngoài ra, có những công trình dự kiến đến khoảng tháng 8,9/2020 mới có thể đưa vào vận hành, thì trong tháng 1/2020 đã được đưa vào vận hành", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.   

Dừa là một trong những cây trụ cột 

Sau khi kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Tình hình hạn mặn tại ĐBSCL diễn ra ngày càng gay gắt và khốc liệt như mùa khô 2015-2016.

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó với thực trạng trên. Trong đó, tái cơ cấu lại sản xuất chú trọng phát triển thuỷ sản, cây ăn trái là một trong những giải pháp có hiệu quả rất tích cực.

Bộ trưởng NN-PTNT tham quan mô hình trồng cà chua xen trong vườn dừa sáp tại huyện Cầu Kè thích ứng biến đổi khí hậu.

Đánh giá thực tế chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Cầu Kè, Bộ trưởng cho biết: “Cây dừa sẽ là một trong những cây trụ cột cho các tỉnh ven biển tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều đặc tính như: phổ thích nghi rộng, chịu được độ mặn lên đến 7‰, còn nhiều dư địa phát triển diện tích… Hiện nay, cây dừa tập trung nhiều nhất tại tỉnh Trà Vinh và Bến Tre với diện tích khoảng 93.000 ha.

Đặc biệt hiện nay, Trường Đại học Trà Vinh và các nhà khoa học của Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu nhân nhanh giống dừa sáp đặc sản để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu lại sản xuất ngày càng hiệu quả kinh tế cao".

Ông Nguyễn Hoàng Khải, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, cho biết: Nhằm ứng phó hiệu quả với hạn, mặn Cầu Kè đã chủ động chuyển đổi sản xuất trên 7.800 ha diện tích lúa kém hiệu quả tại 4 xã ven sông Hậu có khả năng bị ảnh hưởng như: Thạnh Thới, Hoà Tân, An Phú Tân, Thạnh Ngãi. Các cây chủ lực thích ứng tốt được bà con trong huyện quan tâm là dừa sáp, xoài và chuối sáp.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.