| Hotline: 0983.970.780

Hàn Quốc đầu tư phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh

Thứ Hai 09/04/2018 , 13:30 (GMT+7)

Thông qua việc ký kết hợp tác, chúng tôi sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh nâng chất lượng trầm hương sản xuất tại các địa phương lên bằng 90% trầm hương tự nhiên...

Sau hơn 20 năm nghiên cứu, đầu tư nguồn lực phát triển cây dó trầm (dó bầu), đến thời điểm này, các nhà quản lý cũng như người dân Hà Tĩnh chưa thực sự hiểu biết về các đặc tính sinh vật học của cây này cũng như giá trị sản phẩm trầm hương để nhân rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

08-43-35_1
Hàn Quốc ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương với Hà Tĩnh

Với mục đích khắc phục hạn chế trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh với Hội Trầm hương Hàn Quốc.
 

Gần 3 triệu cây trồng trong vườn hộ

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cây dó trầm được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, Can Lộc. Trong đó, đặc biệt, phát triển mạnh ở xã Phúc Trạch (Hương Khê). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 150ha trồng tập trung ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Trà, Phú Gia (Hương Khê); Sơn Lộc, Thượng Lộc (huyện Can Lộc) và gần 3 triệu cây (tương đương khoảng 3.000ha) trồng phân tán trong vườn hộ.

Trước đây, dó trầm tự nhiên rất nhiều song do nạn chặt phá rừng và người dân chưa thực sự hiểu rõ về giá trị của sản phẩm trầm hương nên loài cây này trong tự nhiên đang dần suy thoái, quý hiếm. Việc bảo tồn, phát triển dó trầm thời gian tới là rất cần thiết, bởi giá trị kinh tế của dó trầm cực kỳ lớn. Tại huyện Hương Khê rất nhiều hộ dân trở thành tỷ phú, triệu phú nhờ trồng trầm; một số cây tạo trầm chất lượng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ gia đình.

Từ năm 2007 đến nay, thông qua sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Hội Trầm hương Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư kinh phí mời các nhà khoa học thực nhiện các đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao khả tăng tạo trầm bằng các phương pháp vật lý, cơ giới, sinh học, khoan máy... kết quả thu được khá khả quan, tỷ lệ thành công đạt từ 80 - 90%.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc phát triển dó trầm của Hà Tĩnh hiện nay theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là do sự hiểu biết về các đặc tính sinh vật học của cây dó trầm nói chung, giá trị sản phẩm trầm hương nói riêng chưa đầy đủ. Chưa có các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, kết luận chính xác về các biện pháp kỹ thuật phù hợp về gây trồng, chăm sóc, phương pháp tạo trầm để cây dó cho nhiều trầm và sản phẩm tinh dầu trầm để khuyến cáo người dân.

Hơn nữa, hiện dó trầm chủ yếu do các hộ dân trồng tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Việc chế biến, chưng cất tinh dầu trầm đã tiến hành nhưng chưa thành công và phần lớn đang dùng phương pháp chưng cất hơi nước truyền thống nên chất lượng sản phẩm tinh dầu trầm thấp. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu bán cho các tiểu thương đi qua đường tiểu ngạch.
 

Đề xuất xây dựng vùng nguyên liệu trầm hương sạch

Ông Jung Kwang Ho, Chủ tịch Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAA) cho biết, từ năm 2015 KAA đã tiến hành lấy mẫu nhựa trầm hương của Hà Tĩnh về phân tích. Kết quả xác định được trong sản phẩm trầm hương có 170 thành phần, trong đó, 36 thành phần tốt cơ thể con người. Từ nguyên liệu thu được, KAA cho ra đời 6 dòng sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, nước hoa, mỹ phẩm... Điều đặc biệt là các dòng sản phẩm này cực kỳ an toàn cho sức khỏe con người.

08-43-35_2
Nhiều hộ dân tại huyện Hương Khê phất lên thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng dó trầm và sản phẩm trầm hương

“Thông qua việc ký kết hợp tác, chúng tôi sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh nâng chất lượng trầm hương sản xuất tại các địa phương lên bằng 90% trầm hương tự nhiên (hiện tại trầm hương trồng tại các hộ dân chất lượng trầm thấp hơn tự nhiên 30% - PV). Đồng thời, lựa chọn nhân lực của Hà Tĩnh đào tạo thành chuyên gia thẩm định trầm và sản xuất, đưa sản phẩm trầm hương đến với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới”, ông Jung Kwang Ho nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Sơn cho hay, Hà Tĩnh xác định dó trầm là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và đang có lợi thế phát triển tại địa phương. Vì vậy, rất mong KAA hỗ trợ các chuyên gia, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trầm hương sạch chất lượng cao từ khâu chọn giống, gây trồng, phát triển, khai thác và chế biến sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi khép kín.

Trước mắt làm điểm mô hình mẫu theo phương thức công nghiệp tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê. Quan tâm đào tạo nghề chế tác trầm cho lao động của Phúc Trạch, bước đầu hình thành các làng nghề chế tác trầm; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân trồng trầm trong vùng nguyên liệu sạch...

“Tỉnh Hà Tĩnh và các sở ngành, địa phương liên quan sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi để KAA hợp thác đầu tư. Đồng thời, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ trong việc phát triển, chế biến sản phẩm trầm hương, góp phần khai thác tối đa lợi thế vùng đất đồi núi, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân”, ông Sơn nói thêm.

 

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.