| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt trại heo xuất hiện, dân xung quanh bỗng rơi cảnh khốn khổ!

Thứ Năm 09/07/2020 , 15:36 (GMT+7)

Cuộc sống của nhiều hộ dân ở các huyện biên giới Bình Phước hoàn toàn đảo lộn khi hàng loạt trang trại heo mọc lên, gây ô nhiễm một cách ngang nhiên và lì lợm…

Sống cùng hồ nước đen kịt!

Theo chỉ dẫn của người dân, PV NNVN đến ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp tận mắt chứng kiến một hồ nước thải màu đen kịt, rộng hàng ngàn mét vuông đang bốc mùi hôi thối nồng nặc, nằm sát khuôn viên của một nông trại. Một đường ống nhựa cỡ lớn được đấu nối từ khu vực nuôi heo xả thẳng ra bên ngoài. Điều đáng nói trại heo này ở ngay trong khu dân cư, khu vực chăn nuôi chỉ cách đường lớn chưa đầy 350 mét, khu vực xả thải nằm sát mép kênh thủy lợi sau Cần Đơn.

Khu vực chứa chất thải đen kịt của nông trại nuôi heo ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực chứa chất thải đen kịt của nông trại nuôi heo ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Theo người dân, nông trại này đã nuôi heo gần 10 năm nay, trước kia quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm gần đây chủ trang trại mở rộng quy mô nuôi. Trước sự ô nhiễm của nông trại, các hộ nơi đây đã phản ánh đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có cử đoàn xuống kiểm tra, song đâu lại vào đấy.

Khi thấy có phóng viên xuống hiện trường ghi nhận vụ việc, nhiều người dân ở ấp đã đến bày tỏ bức xúc về tình trạng ô nhiễm từ nông trại nuôi heo này. Chị Nguyễn Thị Thơm, bán quán nước trên đường ĐT 759, bức xúc: “Trước kia tôi ở gần trại heo, bởi không khí ô nhiễm nên tôi chuyển nhà ra ngoài này sinh sống, hiện quán tôi cách trại heo khoảng 1 km nhưng mỗi khi hướng gió qua bên này vẫn không thoát cảnh mùi hôi”.

Khu vực chứa chất thải nằm cạnh kênh thủy lợi sau Cần Đơn, người dân lo ngại nguồn nước kênh bị ảnh hưởng. Ảnh: Trần Trung.
Khu vực chứa chất thải nằm cạnh kênh thủy lợi sau Cần Đơn, người dân lo ngại nguồn nước kênh bị ảnh hưởng. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực chứa chất thải nằm cạnh kênh thủy lợi sau Cần Đơn, người dân lo ngại nguồn nước kênh bị ảnh hưởng. Ảnh: Trần Trung.

Ở gần đó ông Nguyễn Văn Rồi cho biết, “điều chúng tôi quan ngại nhất việc trang trại xả nước thải ra môi trường sẽ dẫn đến ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri chúng tôi đều đến để phản ánh, từ đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, huyện. Sau đó có đoàn xuống kiểm tra, lập biên bản này nọ, chỉ được vài hôm là ô nhiễm lại tái diễn”.

Ông Trần Công Kích, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình xác nhận vấn nạn ô nhiễm môi trường ở một số hộ chăn nuôi và giết mổ heo trên địa bàn thị trấn quản lý. “Sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã cho người xuống yêu cầu cam kết khắc phục bằng xây dựng hầm biogas, nhưng họ làm chưa triệt để. Để xử lý dứt điểm, thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị lên Sở TN&MT tỉnh và Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh để phối hợp cùng địa phương giải quyết”, ông Kích nói.

Ăn cơm giăng mùng, ngủ đeo khẩu trang!

Ngoài khu vực thị trấn Thanh Bình, chúng tôi còn tiếp nhận hàng loạt phản ánh của người dân tại các xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện (Bù Đốp) về vấn nạn ô nhiễm môi trường tại địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhất là trang trại heo của Công ty TNHH Chăn nuôi N.L đứng chân tại ấp Bù Tam, xã Hưng Phước. Trang trại này có quy mô 12.000 con được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép và đi vào hoạt động từ tháng 1/2020.

Theo phản ánh của hơn 20 hộ dân trong khu vực, cứ vào các khung giờ từ 8h đến 9h sáng, 15h đến 17h chiều và sau 22h đêm là không khí tại nơi này trở nên ngột ngạt, khó thở bởi mùi phân heo. Kéo theo hệ lụy là ruồi nhặng phát sinh khiến đời sống bà con bị đảo lộn, việc sống chung với ruồi diễn ra hàng ngày với bà con nơi đây.

Hàng loạt trại heo gây ô nhiễm nặng dẫn đến hệ lụy nhiều hộ dân Bù Đốp phải sống chung với ruồi. Ảnh: Trần Trung.

Hàng loạt trại heo gây ô nhiễm nặng dẫn đến hệ lụy nhiều hộ dân Bù Đốp phải sống chung với ruồi. Ảnh: Trần Trung.

Sinh sống cách trang trại heo chưa đầy 500 mét, chị Điểu Thị Sao cho biết, “Từ khi Công ty P.L xây trang trại heo ở đây là gia đình tôi không có bữa cơm nào được ngon miệng. Mỗi ngày chúng tôi tốn rất nhiều tiền để mua miếng bắt ruồi nhưng vẫn không ăn thua, mỗi khi ăn cơm chúng tôi phải giăng mùng, tối đi ngủ có khi phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối!”.

Chị Sao cho biết thêm, người dân ở đây sống nhờ vào nương rẫy, gia đình chị có gần 1.000 trụ tiêu, đến mùa thu hoạch, vì mùi hôi, mặc dù trả giá công cao hơn bình thường nhưng không ai dám vào hái, gia đình phải tự thu hoạch lấy dẫn đến thời gian thu hoạch kéo dài, cây kém phát triển, phần tiêu hái được chín quá giảm sản lượng. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị từ xã đến huyện nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Trước tình hình này, người dân địa phương đã làm đơn tập thể cầu cứu đoàn đại biểu quốc hội để xem xét giải quyết.

Còn tại Khu 134 thuộc ấp 10 Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, nơi hiện có 150 hộ gia đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng đang gánh chịu sự ô nhiễm nặng nề từ các trang trại heo. Chỉ tính riêng khu vực này có khoảng 5 trang trại với quy mô mỗi trang trại gần 12.000 con.

Các trang trại heo tại xã Phước Thiện xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.
Các trang trại heo tại xã Phước Thiện xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Các trang trại heo tại xã Phước Thiện xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Già làng Điểu Re, Phó trưởng thôn 10 Mẫu cho biết, “mỗi khi trại heo xả chuồng, bà con lao động gần đó phải bỏ vườn đi nơi khác vì cái mùi nồng nặc không thể chịu nổi”.

Trao đổi với NNVN, ông Vũ Văn Hiếu - Trưởng phòng TN&MT Bù Đốp cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện hình thành nhiều trang trại nuôi heo, quy mô chăn nuôi từ 600 - 1.200 con. Việc phát triển chăn nuôi đã góp phần phát triển kinh tế nhưng đã để lại hệ lụy ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải của gia súc. UBND huyện Bù Đốp đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường đối với ngành nghề chăn nuôi thông qua việc tuyên truyền, vận động, xử phạt cơ sở vi phạm; hướng dẫn các công nghệ xử lý môi trường phù hợp, do đó vấn đề ô nhiễm môi trường do các trại chăn nuôi heo trên địa bàn đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó xử lý triệt để (!?).

Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước nói gì?

Tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ IX HĐND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa diễn ra, một số đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh về việc các trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân

Trả lời tại phiên chất vấn, ông Lê Hoàng Lâm - Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước cho biết, các dự án cấp phép hoạt động đều đảm bảo đúng quy định, nhưng trong quá trình hoạt động, các trang trại vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, vùng biên giới, tạo sự bức xúc trong nhân dân.

Việc ra đời hàng loạt trang trại heo nhưng thiếu kiểm soát đang gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân. Ảnh: Trần Trung. 

Việc ra đời hàng loạt trang trại heo nhưng thiếu kiểm soát đang gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân. Ảnh: Trần Trung. 

Nguyên nhân do một số trang trại khi đi vào hoạt động không thực hiện đầy đủ theo nội quy đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt như: chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, không thực hiện các biện pháp phun xịt chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, thiếu cây xanh cách ly khuôn viên dự án…

Một số trang trại vượt quá số lượng, quy mô được cấp phép dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý nước thải bị quá tải; việc vận hành hệ thống xử lý nước thải không liên tục dẫn đến việc xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, có nơi lợi dụng trời mưa, đêm khuya lén lút xả nước thải chưa xử lý ra môi trường nhưng cơ quan chức năng không bắt được quả tang.

Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với hai địa phương có quy mô chăn nuôi lớn là các trang trại ở huyện Lộc Ninh và Bù Đốp và đã xử phạt hành chính 5 công ty với tổng số tiền 928 triệu đồng.

Về giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Lâm nói: "Sở sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, có hành vi gây ô nhiễm. Chúng tôi sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những đơn vị không tuân thủ các quy định theo giấy phép được cấp và những đơn vị trước đây đã vi phạm nhưng không khắc phục, lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường”.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.