Mía cháy bất thường trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. |
Ông Trần Văn Em ở xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông có 2ha mía gần đến tuổi thu hoạch thì bất ngờ bị cháy vào cuối tháng 11. Lúc này nhà máy đường Thành Thành Công chưa hoạt động nên ông đem 60 tấn mía đến nhà máy đường Nước Trong nằm trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Tân Châu để bán. Nhà máy này đo chữ đường đạt 3,5 CCS. Giá bán mía hiện chỉ được 350 ngàn đồng/tấn, trong khi chi phí trả công thu hoạch, vận chuyển và trừ mía cháy hết 360 ngàn đồng/tấn. Lỗ chỏng gọng.
Nhân tiện, ông Em cũng đề nghị xem xét lại việc đo chữ đường tại nhà máy Nước Trong để giúp người dân an tâm sản xuất hơn. Cũng tại xã Thành Long, theo nguồn tin từ Hội nông dân xã, chỉ riêng một hộ có đến 60ha mía bị cháy, còn lại là từ vài ha đến cả 10 ha/hộ đều xảy hiện tượng bất ngờ bị cháy.
Tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, ước tính cũng có 100ha mía bị cháy.
Theo tính toán của bà con nông dân, lượng mía bị cháy nếu được thu hoạch đưa về nhà máy chế biến trong vòng 3 ngày trở lại thì ít bị thiệt hại hơn. Nhưng sau 3 ngày, trọng lượng mía và chữ đường sẽ giảm đáng kể, lúc này chữ đường rất thấp, khoảng 3 - 4 CCS. Thậm chí có trường hợp nhà máy đường không nhận do lượng đường trong cây mía đã lên men, khiến người trồng mía trắng tay.
Mía cháy bất thường trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. |
Cuối tháng 11, tuy chưa bước vào vụ thu hoạch chính thức, nhưng ước tính, tại vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường trên tỉnh Tây Ninh đã có 500ha mía bị cháy, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Võ Đức Trong, GĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh, những năm trước có vụ số diện tích mía trong tỉnh bị cháy gần 20% (so với tổng diện tích chuẩn bị đưa vào thu hoạch). Sau đó, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp răn đe bảo vệ. Mặt khác, các nhà máy đường áp dụng nhiều chính sách trong việc xử lý các hộ trồng mía tự đốt ruộng mía nhằm giải phóng đất trồng cây mì, đó là trừ 50 ngàn đồng/tấn đối với trường hợp chủ mía tự đốt để được ưu tiên thu hoạch trước, nên tình hình mía cháy hàng năm đã giảm xuống chỉ còn dưới 5% mỗi năm. Tuy nhiên, tình trạng mía cháy với diện tích lớn chỉ mới tái diễn lại từ đầu vụ thu hoạch năm nay.
"Sở NN-PTNT đã yêu cầu các nhà máy đường ưu tiên cho thu hoạch, đưa về nhà máy chế biến kịp thời để giảm bớt thiệt hại cho bà con trồng mía, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện tái sản xuất lại mùa sau. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo phòng NN-PTNT các huyện phối hợp địa phương tuyên truyền đề phòng kẻ xấu phá hoại. Nhưng trước hết bản thân chủ mía phải tự bảo vệ tài sản của mình. Khi mía bị cháy người trồng mía cần báo với chính quyền, công an địa phương, để ngành chức năng có cơ sở điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời", ông Trong chia sẻ.
Hiện nay, mặc dù các nhà máy đường và chính quyền chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng trong giới trồng mía cho rằng, hàng loạt diện tích mía bị cháy bất thường trong thời gian vừa qua là do người dân có mâu thuẫn với chủ mía từ trước, đến lúc gần thu hoạch thì họ đốt để trả thù dẫn đến cháy lan ra diện tích mía bên cạnh, cùng với đó là một số chủ cho thuê đất hợp đồng mùa cuối muốn lấy đất lại sớm để trồng mì cho kịp thời vụ ĐX nên lén lút đốt.