Ngày 21/6, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các địa phương tổ chức phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Tuần lễ quảng bá trà và các sản phẩm trái cây nhiệt đới”. Phiên chợ sẽ diễn ra từ ngày 21 - 24/6 tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và thương mại (Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giới thiệu tới người tiêu dùng Hà Nội và vùng lân cận những mặt hàng nông, lâm, thủy sản là đặc sản, sản phẩm chủ lực của các địa phương trong cả nước. Đồng thời, tạo cầu nối giữa nhà sản xuất với đơn vị bao tiêu sản phẩm, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ, từ đó hình thành các chuỗi nông sản khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.
Phiên chợ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ các địa phương, HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Từ đó, giúp củng cố và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”.
Phiên chợ có quy mô trên 60 gian hàng, với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đắk Lắk, Kon Tum, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng...
Nhiều mặt hàng nông, đặc sản nổi tiếng gắn với các vùng địa lý sẽ có mặt tại phiên chợ như: Hành, tỏi Lý Sơn; tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù (Lào Cai); thạch đen, bánh khẩu sli (Cao Bằng); thạch rau má, nước dinh dưỡng từ cây mía Thanh Hóa; cà phê, macca Đắk Lắk; giò bê Nghệ An; gạo ST25 Sóc Trăng; rau, củ quả sấy và các sản phẩm thủy sản...
Đặc biệt, tại phiên chợ, khách tham quan sẽ có cơ hội trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm trà và nhiều loại trái cây nhiệt đới theo mùa của từng vùng như: Vải thiều Bắc Giang; sầu riêng, bơ, mãng cầu Đắk Nông; mận Mộc Châu (Sơn La); nho hạ đen Cao Bằng; dưa lưới Lam Sơn (Thanh Hóa)...
Điểm nhấn tại phiên chợ là hoạt động livestream bán nông, đặc sản qua TikTok và các nền tảng mạng xã hội lần đầu tiên được tổ chức. Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, hứa hẹn sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm thú vị khi tham gia theo dõi, mua sắm bằng hình thức mua hàng trực tiếp tại buổi livestream (quý khách hàng có thể theo dõi và mua sản phẩm trực tiếp tại kênh chợ phiên OCOP trên TikTok từ 9h00 - 15h00 ngày 24/6).
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề “Tuần lễ quảng bá trà và các sản phẩm trái cây nhiệt đới” là phiên chợ thứ nhất trong chuỗi các phiên chợ được Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, dựa trên thông tin tổng hợp thực tế kế hoạch sản xuất, tiêu thụ trái cây và nông, đặc sản từ nhiều địa phương.
Theo ông Tiến, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp và online bằng hình thức livestream qua các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp khách hàng có thêm phương thức giao dịch, mua sắm và tạo sự lan tỏa giá trị, cảm xúc khi được cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, quy trình chế biến, bảo quản, những câu chuyện của sản phẩm khi gắn với bản sắc, truyền thống, biểu tượng văn hóa của từng địa phương.
Tiếp nối phiên chợ lần này, phiên chợ tiếp theo với chủ đề “Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn” sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 27/8 tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Chuỗi phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền 2023 như một ngày hội thu nhỏ, giúp người dân Thủ đô và vùng lân cận có cơ hội trải nghiệm chất lượng sản phẩm trực tiếp trong một không gian thân thiện, gần gũi. Các đơn vị sản xuất sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nắm bắt kịp thời những phản hồi từ thị trường, từ đó điều chỉnh, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.