| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm mét khối gỗ, củi đổ về sau lũ, xử lý thế nào?

Thứ Tư 14/08/2019 , 18:32 (GMT+7)

Hàng trăm m3 gỗ, củi đổ về các bản làng, trôi dạt trên các dòng sông tại Thanh Hóa. Cơ quan chức năng sẽ xử lý số gỗ này như thế nào?


[clip] Bản Sa Ná ngập trong hàng trăm mét khối gỗ, củi sau lũ quét


La liệt gỗ, củi

Hai ngày sau cơn “đại hồng thủy”, chúng tôi vượt sông Luồng vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Từ bến sông Luồng vào bản chỉ khoảng vài km đường ven suối nhưng có vô số gỗ tròn bị cơn lũ đẩy về nằm ven khe suối Son. Có những cây đã được xẻ bìa, đường kính ròng chừng 50-60 cm, dài trên dưới 10 m. Càng tiến sâu vào bản, gỗ càng hiện ra ngày một nhiều.

 
 
Gỗ dạt về bên suối Son sau lũ dữ.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm đếm khối lượng gỗ. Tại bản Sa Ná (Na Mèo) hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng qua thống kê tại xã Sơn Thủy và một số xã khác đã có hàng trăm m3 gỗ, củi  đổ về sau lũ dữ.

Dân bản cho biết, cơn lũ rất lớn, sức nước dường như không có gì cản nổi mới có thể cuốn được những cây gỗ lớn về bản. Gỗ về nhiều, dưới sức đẩy của nước khiến những ngôi nhà ven suối Son mới bị cuốn trôi.

Càng đi sâu vào bản lượng gỗ càng nhiều.

Con đường giữa bản bị chặn bởi gỗ, muốn đi vào bản phải trèo lên gỗ mà đi. Bên cạnh những đống đổ nát của những ngôi nhà sàn đồng bào dân tộc Thái nơi đây thì còn có nhiều tấm gỗ xẻ xuất hiện trên đường. Cuối bản còn có cả những cây gỗ có chiều dài phải đến 30-40 m, hai người ôm không xuể.

Chúng bị bật cả gốc trôi về chắn ngang bản Sa Ná. Có những cây dài còn nguyên thân tròn nhưng không phải bị bật rễ, không bị đổ gãy; cành ngọn, gốc của chúng được cưa, chặt cẩn thận.

Gỗ chắn ngang đường vào bản.

Vài ngày sau lũ, người dân có sông Mã đi qua, tại cửa biển Sầm Sơn đã vớt được cơ man nào gỗ, củi từ thượng nguồn đổ về.

Toàn bộ số gỗ sẽ được xử lý theo quy định hiện hành

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Theo ông Mơn, sau khi tiến hành thống kê, kê khai số lượng, phân loại gỗ củi, tất cả sẽ được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, tính đến sáng 14/8 thì các địa phương chưa báo cáo số liệu cụ thể về lượng gỗ, củi do lũ đẩy về.

 
Gỗ xô đổ nhiều ngôi nhà của dân. 

Theo ông Mơn, khu vực suối Son thuộc rừng tự nhiên nhưng đã từ lâu không còn gỗ sa mu, pơ mu. Một phần gỗ trôi từ Lào về, chủ yếu là khúc lục lõi, củi, những cây bị sạt lở từ đầu nguồn; một phần là gỗ dưới nhà sàn, gỗ trong rừng trồng của người dân đã được ngành kiểm lâm kiểm đếm trước đây nhưng người dân chưa sử dụng và cả gỗ từ các nhà sàn đổ sập trôi ra.

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Sơn, với mùi thơm đặc trưng này thì có thể khẳng định, số gỗ đổ về Sa Ná có sa mu, pơ mu, loại gỗ hiện có nhiều ở những cánh rừng thuộc huyện Viêng xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. 

Gỗ được xẻ thành tấm trôi về bản

Huyện Quan Sơn có nguyện vọng để lại số gỗ thống kê được để hỗ trợ cho dân làm nhà làm cửa bị đổ sập nhưng chúng tôi đang thống kê theo ngành dọc và sẽ xử lý theo đúng quy định.

Một điều trùng hợp là, vào khoảng 4h - 5h sáng ngày 3/8 tại khu vực suối Xia thuộc địa phận huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn cũng xảy ra một trận lũ lớn cuốn trôi nhiều nhà cửa, khiến nhiều người mất tích.

 
Nhiều cây gỗ dài hàng chục mét.

Ngay sau lũ, trước tình hình gỗ, củi tràn về các bản làng, các dòng sông nhiều, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện hướng dẫn người dân trực tiếp kê khai tại UBND các xã để có hướng xử lý.

Theo Văn bản số 335 ngày 6/8/2019 của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa thì sau khi thống kê, rà soát xong, toàn bộ số gỗ sẽ được xử lý theo điều 299 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân trục vớt chứng minh được số gỗ trên thuộc quyền sở hữu (bao gồm gỗ làm nhà, gỗ đã được kiểm đếm trước đây chưa sử dụng)… thì sẽ được trả lại để sử dụng tại chỗ.

Đối với gỗ từ rừng tự nhiên bị lũ cuốn trôi, sau khi trừ chi phí trục vớt, bảo quản mà tài sản đó có giá trị dưới 14,9 triệu đồng (bằng 10 lần mức lương cơ sở hiện nay) thì tài sản thuộc sở hữu của người tìm thấy.

Nếu tài sản có trị giá trên 14,9 triệu đồng thì người tìm thấy được hưởng 14,9 triệu đồng và 50% giá trị tài sản của phần vượt và số còn lại thuộc Nhà nước.

 Văn bản chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

Trước nguyện vọng của một số huyện về việc giữ lại gỗ trục vớt được để khôi phục bản làng sau lũ, ông Lê Văn Mơn cho hay: “Nếu chứng minh được gỗ đó có chủ sở hữu hợp pháp thì phải trả lại cho họ sử dụng. Gỗ vô chủ thì bản thân người trục vớt được cũng hưởng một phần theo quy định. Số còn lại cũng phải xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Suối Son dài khoảng 15km chạy quanh các sườn đồi, triền núi trước khi chảy ra sông Luồng ở bản Bo Hiềng. Bản Sa Ná nằm ở hạ nguồn con suối này. Ngày thường, nước suối Son chỉ không tới đầu gối, dân bản có thể lội qua đi rừng hoặc về trung tâm xã Na Mèo. Thế nhưng, đến sáng 3/8 con suối dâng nước bất thường, mang theo đất đá, cây gỗ từ thượng nguồn ập qua bản Sa Ná làm 23 căn bị cuốn trôi, 11 nhà đổ sập, 15 người chết và mất tích.

 

Xem thêm
Toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất