Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện ở Hải Phòng, diễn ra đã 4 - 5 ngày qua, sau một cơn mưa giông rất to kèm gió nam. Đang cao điểm du lịch nên chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng, máy móc, trang thiết bị để thu dọn.
Tại quận Đồ Sơn, rong biển được ghi nhận đã dạt vào trải khắp các bãi tắm khu 1, khu 2 và bãi 295, lực lượng chức năng đã thu gom được khoảng 100 tấn những chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng cho biết, mọi năm cũng có rong biển trôi vào các bãi biển ở Đồ Sơn nhưng số lượng rất ít, không nhiều như năm nay.
Bắt đầu từ đêm 20/4, rong biển theo sóng lớn tràn ngập khắp nơi. Bắt đầu từ sáng 21/4, công ty đã huy động gần 100 công nhân cùng máy xúc tiến hành dọn rong biển ở bãi tắm 295 và bãi tắm khu 2, quận Đồ Sơn để đưa đến bãi rác Đình Vũ xử lý.
Tại Cát Bà, hiện tượng này cũng xuất hiện, nhất là những bãi biển có sóng lớn như Cát Cò 1, Cát Cò 2 và Cát Cò 3, nhiều tàu thuyền hoạt động trên vịnh ghi nhận đã bị rong biển quấn vào chân vịt. Ban quản lý vịnh các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã huy động lực lượng để vớt và thu gom, dù không nhiều như tại Đồ Sơn nhưng mỗi ngày cũng được vài chục khối.
Khi được hỏi, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định đây là hiện tượng hiếm, chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Các cơ quan chức năng chưa xác định được đây là rong gì, có độc hại hay không và nguyên nhân tại sao lại trôi dạt vào bờ với số lượng lớn như vậy.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Anh Duy (Viện Nghiên cứu Hải sản) cho biết, đơn vị đã cử người xuống Đồ Sơn để lấy mẫu về phân tích. Tuy nhiên, nhìn bằng cảm quan đây chính là rong mơ, có tên khoa học là Sargassum.
Đây là một chi rong có giá trị kinh tế và có vai trò sinh thái quan trọng ở các bãi triều ven biển nhiệt đới, giống như rừng ở biển, làm nơi trú ngụ, bảo vệ con non, nguồn thực phẩm, bãi đẻ cho các loài sinh vật kinh tế như cá, cua, tôm, hải sâm, cá ngựa..., và hấp thụ các muối dinh dưỡng, kim loại nặng làm sạch môi trường.
Rong mơ thường thấy ở các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới, từ Nhật Bản đến Philippines. Ở Việt Nam, rong mơ có khoảng 70 loài, phân bố nhiều ngoài khơi, vùng ven đảo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Rong mơ thường phân nhánh nhiều, tạo thành những đám lớn bám trên đá. Do cấu tạo có những túi khí ở thân và cành, nên toàn bộ cơ thể tảo mặc dù ở trong nước biển vẫn có xu thế hướng lên trên, khi bị sóng biển làm gãy thường trôi dạt vào bờ.
Nguồn rong mơ ở biển Việt Nam rất phong phú, từng được khai thác để sản xuất gel alginate, iod ở Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng và Hải Phòng. Rong mơ được thu hái vào mùa xuân, hạ. Dược liệu có dạng trụ tròn hoặc hơi dẹt, nhẵn hoặc có gai.
Từ các nhánh, mọc ra nhiều phiến mỏng, mép nguyên hoặc có răng cưa. Rong mơ có túi gọi là phao, hình tròn hoặc bầu dục nằm ở chỗ tản phân nhánh. Sau khi thu hái, rong mơ phải được rửa bằng nước ngọt để loại muối và các tạp chất, rồi đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
“Rong mơ có giá trị về kinh tế nhưng đây là những nơi trú ngụ, bảo vệ con non, nguồn thực phẩm, bãi đẻ cho các loài sinh vật biển nên nhiều nơi cấm khai thác. Số lượng rong này có thể ở vịnh Bắc Bộ hoặc có thể ở các nước khác, vừa qua sóng lớn, có thể số lượng rong mơ này bị đánh bật gốc rồi dạt vào bờ”, Tiến sĩ Đỗ Anh Duy thông tin thêm.