| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/05/2017 , 07:17 (GMT+7)

07:17 - 09/05/2017

Hành động 'lạ' của ông Vũ Huy Hoàng & 'bệnh quên' quan chức

Thế là từ một việc “lãng nhách”, giờ đây làm nhiều người liên lụy. Chao ôi! Cái “bệnh quên” của quan chức cộng với tính “cả nể” của cán bộ văn phòng lại làm khổ mọi người thêm một lần nữa.

Ngỡ chuyện ông Vũ Huy Hoàng đã bị “chìm lấp” bởi sự che phủ của thời gian thì giờ đây lại dấy lên bởi một lý do… lãng xẹt.

Đó là việc Bộ Công Thương làm công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị cấp thẻ an ninh (thẻ VIP) để vào khu vực cách ly sân bay tiễn người thân cho ông Hoàng.

Nói “lãng xẹt” bởi cái việc đưa tiễn người thân, có cần thiết phải vượt qua hàng rào an ninh vào tận khu cách ly mà để làm việc này, phải được sự đồng ý của 6 cơ quan khác nhau không nhỉ?

Về lý do bỏ trốn, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ bởi gần đây, đang rộ lên phong trào “ra nước ngoài chữa bệnh” của một số cán bộ, quan chức nằm ở “vòng nguy hiểm”. Nhất là đối với Bộ Công Thương, nơi đang được coi là “tâm điểm” của “phong trào” này.

Tuy nhiên, theo người viết bài này thì có lẽ ông Hoàng đủ thông minh để không nghĩ đến việc đi trốn.

Lý do, trốn kiểu nào chứ kiểu lộ thế này thì cơ quan an ninh bắt dễ như… xỏ tay vào túi. Tất nhiên, trừ trường hợp… không muốn bắt thôi chứ chỉ một cú alo thì dù máy bay có cất cánh rồi cũng lập tức có người chờ ở sân bay nơi hạ cánh “mời anh về nhà có việc gấp”.

Thế vì lý do gì mà ông Vũ Huy Hoàng lại có đòi hỏi này? Chịu!

Nếu như ông không có định ra nước ngoài hoặc ý đồ nào khác, chỉ có thể lý giải bằng một câu nói quen thuộc của lớp trẻ hiện nay, đó là “bệnh quên”.

Có vẻ như ông Vũ Huy Hoàng “quên” mất một điều, ông đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng và cách chức Bí thư Ban cán sự Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, tức là không còn là VIP nữa.

Cái “bệnh quên” này ở ta không lạ. Không ít cụ khi đã nghỉ hưu, vẫn còn kiên định, không chịu chấp nhận mình không còn nằm trong đội hình, đã ra khỏi sân bóng, vẫn quyết tâm “bám trụ kiên cường”.

Hội chứng “bệnh quên” đã khiến không ít cụ bị lẫn, vẫn tưởng mình đang còn làm lãnh đạo. Thậm chí, có cụ còn liên tục quay về cơ quan cũ để chỉ đạo và… dạy bảo. Một dạng “thái thượng hoàng” của thời phong kiến.

Về hành động nói trên của ông Vũ Huy Hoàng đặt vấn đề để Bộ Công Thương làm công văn, có thể nói ông đang làm khó cho người kế nhiệm.

Lý do là bởi nói gì thì nói, người Việt vốn trọng chữ tình. Thủ trưởng cũ mắc khuyết điểm là với nước, với dân, với ngành. Thế nhưng với anh em cơ quan cũ, cũng không thể “cạn tàu, ráo máng”, sòng phẳng huỵch toẹt được.

Chả lẽ bao năm sống với nhau, giờ “thủ trưởng” cũ nhờ “mỗi việc cỏn con” đó mà không làm thì biết đâu, thiên hạ chả cho mình là người “qua sông”…

Khó! Nên có lẽ người ký đành “nhắm mắt” thôi chứ còn lý do “tiếp tay” để ông Hoàng bỏ trốn thì có lẽ cũng không nên đặt ra bởi chỉ cần ông Hoàng bước lên ghế ngồi, máy bay chưa kịp cất cánh thì ít nhất, cái ghế người ký công văn này cũng… bay vèo qua cửa sổ. Có lẽ, do lo sợ điều này nên Bộ Công Thương đã “phòng xa” bằng cách cử người đi kèm? Và thực tế, cuộc tiễn đưa không xảy ra vấn đề gì cả.

Theo thông tin từ Dân trí cho biết, ngày 4/5/2017, ông Vũ Huy Hoàng liên lạc qua điện thoại với ông Đào Đặng Tùng Lâm cán bộ phụ trách lễ tân của Văn phòng Bộ Công Thương đề nghị việc này.

Sau đó, ông Lâm làm công văn số 3844/BCT-VP trình Phó chánh Văn phòng Nguyễn Như Diễm ký mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền, được cấp thẻ sử dụng một lần và có ông Lâm đi cùng.

Bộ Công Thương cho biết việc ông Diễm ký công văn gửi các cơ quan là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình sự việc và sẽ xem xét hình thức xử lý phù hợp.

Thế là từ một việc “lãng nhách”, giờ đây làm nhiều người liên lụy. Chao ôi! Cái “bệnh quên” của quan chức cộng với tính “cả nể” của cán bộ văn phòng lại làm khổ mọi người thêm một lần nữa.

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm