| Hotline: 0983.970.780

Hành trình trả lại y đức cho xã hội

Thứ Bảy 08/09/2018 , 08:50 (GMT+7)

Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, vì liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết xảy ra vào tháng 5/2017.

Như vậy, sau khi chấm dứt thời gian nhận hình thức kỷ luật “cách chức 1 năm” từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018 do Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xử lý, thì ông Trương Quý Dương phải đối diện tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là đoạn kết của một hành trình dài mà các cơ quan bảo vệ pháp luật mong muốn đòi lại y đức cho xã hội!

08-28-36_truong_quy_duong
Nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình Trương Quý Dương

Sự cố tắc trách trong vụ chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, thực sự gây sốc cho cộng đồng và trở thành điểm nóng của dư luận suốt hơn 1 năm qua. Khi các bệnh lý về thận ở người Việt Nam không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây, thì câu chuyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình càng khiến nỗi hoang mang lan rộng.

Chạy thận là một giải pháp duy trì mạng sống cho người suy thận, giúp những bệnh nhân mắc bệnh thận phục hồi chức năng thận. Những bệnh nhân bị lọc máu luôn phải cẩn thận ăn uống và cần uống thuốc. Nói cách khác, chạy thận thay thế các hoạt động tự nhiên của thận, do đó nó còn được gọi là liệu pháp thay thế thận. Nhiều bệnh nhân lọc thận có thể sống được 20 năm hoặc hơn. Vậy mà, 9 người đã qua đời khi tin tưởng chọn giải pháp chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Đây không chỉ là một nỗi mất mát của người nhà các nạn nhân, mà còn gây tổn thương nghiêm trọng cho những ai quan tâm đến giá trị nhân bản của màu áo blouse trắng!

Ông Trương Quý Dương là bị can thứ 6 bị khởi tố trong vụ án. Trước đó, bốn bị can công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình là bác sĩ Hoàng Công Lương, cán bộ phòng vật tư Trần Văn Sơn, Trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng, Phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu đã bị khởi tố, cùng với Giám đốc Cty Thiên Sơn - Bùi Mạnh Quốc. Vì tính chất phức tạp của vụ án có liên quan đến nghiệp vụ y tế, nên các cơ quan có trách nhiệm liên đới như công an, viện kiểm sát và toà án đã phải cân nhắc từng tình tiết.

Khi vụ án vừa được khởi tố, mọi sai lầm đều quy cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Theo cáo buộc, bác sĩ Hoàng Công Lương là người phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo và biết việc sửa chữa hệ thống RO. Sáng 29/5/2018, bác sĩ Hoàng Công Lương nghe báo cáo đã sửa xong máy lọc, liền ra y lệnh chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân khi trong hệ thống máy vẫn còn dư hóa chất của việc sục rửa. Kết luận sơ khai cho rằng, bác sĩ Hoàng Công Lương đã không kiểm tra, xác minh lại thông tin và không báo cáo trưởng khoa. Khi thấy chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn để máy lọc hoạt động. Quá trình vận hành, nước trong hệ thống có tồn dư lượng axit đã được sử dụng để lọc máu thận cho 18 bệnh nhân, và cuối cùng 9 bệnh nhân qua đời vì bị ngộ độc hóa chất.

Được đào tạo chuyên môn về chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn nhận biết được những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Thế nhưng, tất cả tội lỗi đầu đổ lên cho bác sĩ Hoàng Công Lương liệu có công bằng không? Đại biểu Quốc hội - Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ: “Việc xử đúng người đúng tội còn đang chưa rõ ràng, tại sao lại đổ hết tội cho một bác sỹ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân trong khi bác sỹ đó làm sao biết được chất lượng nước là như thế nào? Chúng ta thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sỹ. Việc này các nước khác đã làm rất nhiều rồi vì trong nghề y, bác sỹ khi đối mặt với bệnh nhân chỉ tập trung chữa bệnh nhưng đến khi có sơ sẩy lại không có hỗ trợ, bảo vệ của ngành, của những lực lượng bảo vệ pháp luật chuyên nghiệp”.

Còn Đại biểu Quốc hội - Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Đối với một giám đốc bệnh viện đứng ra ký kết các hợp đồng, ký xong không có kiểm soát hoặc không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí có khả năng còn có lợi ích nhóm trong đó để xảy ra sự cố như này. Theo tôi cần xem xét lại. Bởi vì có khả năng chúng ta đang bỏ lọt tội phạm, thậm chí tội phạm rất nguy hiểm”.

Tại hai phiên toà xét xử, bị cáo Hoàng Công Lương đều giữ quyền im lặng và đều nói lời sau cùng rằng mình không có tội. Công lý dần sáng tỏ, cuối cùng cơ quan điều tra thay đổi tội danh khởi tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, từ tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội danh “vô ý làm chết người”.

08-28-36_hong_cong_luong
Bác sĩ Hoàng Công Lương được thay đổi tội danh

Khi xử lý hành chính đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình - Trần Quang Khánh cho rằng: “Hết 1 năm, nếu quá trình điều tra của công an kết luận ông Dương không có sai phạm gì thì vẫn sẽ làm nhân viên bình thường, phấn đấu lại từ đầu. Nếu làm tốt sẽ được bổ nhiệm phó, trưởng khoa rồi lên dần”.

Bây giờ, tình hình đã khác, ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm của một người đứng đầu bệnh viện để xảy ra sự cố đáng chê trách.

Bản kết luận điều tra bổ sung nêu rõ, với tư cách là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, ông Trương Quý Dương đã giao cho Phòng vật tư phối hợp Khoa hành chính thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Phòng vật tư và Khoa hồi sức tích cực đã không báo cáo tiến độ, cách thức thực hiện cho lãnh đạo bệnh viện. Và ông Trương Quý Dương cũng chưa sâu sát để kiểm tra hay đôn đốc kiểm tra các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Đồng thời trong khoảng thời gian 2015-2017, ông Trương Quý Dương không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên Thận cho cá nhân nào, không có văn bản giao hệ thống RO cho ai đảm nhiệm, không ban hành quy trình liên quan đến hệ thống lọc nước… Rõ ràng, trách nhiệm của ông Trương Quý Dương trong vụ chạy thận làm chết 9 người là không thể chối cãi!

Bác sĩ là một nghề đặc biệt, không chấp nhận bất kỳ sự cẩu thả và sự vô tâm nào. Cho nên, khởi tố thêm nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, dù hơi muộn cũng chứng minh được tính nghiêm minh của luật pháp. Và hơn thế nữa, đó cũng dấu hiệu tích cực cho hành trình trả lại y đức cho xã hội hôm nay!

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.