Hàng năm, vào thời điểm tháng 8, tháng 9 âm lịch, người dân ở các huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn đã thu hoạch xong và bán hết hạt trẩu. Tuy nhiên, năm nay do giá hạt trẩu giảm mạnh nên hiện nay người dân nơi đây mới bắt đầu thu hoạch.
Cây trẩu là cây thích nghi tốt với vùng đất khô ráo, chống chịu được hạn nên được người dân ở các huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn trồng nhiều ở những vùng đồi núi để lấy gỗ và hạt. Đặc biệt, cây trẩu được trồng xen kẽ nhiều nhất tại những khu đồi thông, hồi. Thông thường, trên 1ha thông hoặc hồi người dân nơi đây trồng từ 50 – 70 cây trẩu.
Cây trẩu sau 2 năm sinh trưởng phát triển thì bắt đầu cho quả. Hạt trẩu được đem ép lấy dầu dùng trong việc chế biến sơn, keo. Cây trẩu được người dân ở các huyện vùng cao của tỉnh Lạng Sơn trồng rất nhiều, tập chung chủ yếu ở các huyện như: Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập…với diện tích lên đến khoảng 150ha, sản lượng hàng năm ước đạt trên 250 tấn hạt.
Năm nay do giá hạt trẩu giảm mạnh nên hiện nay người dân nơi đây mới bắt đầu thu hoạch. Là một trong những hộ hàng năm có thu nhập vài triệu đồng từ cây trẩu, anh Hoàng Văn Định, thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: “Cây trẩu là cây rất hữu ích, trồng xen kẽ giữa những đồi thông, hồi vừa cho gỗ, tới mùa lại cho quả nên hầu như gia đình nào có đồi thông hay hồi ở đây đều trồng loại cây này. Hiện tại nhiều hộ gia đình trong xã có diện tích cây trẩu lớn thu nhập mỗi vụ cũng trên dưới 5 triệu đồng.
Gia đình tôi hiện có 1ha rừng thông, trồng xen kẽ cũng khoảng 50 cây trẩu. Năm ngoái thu hoạch được 3,5 tạ hạt bán với giá 15.000 đ/kg, thu về được 5,2 triệu đồng. Còn năn nay, sản lượng hạt cũng được từng đấy nhưng giá bán giảm xuống chỉ còn 5.000 đ/kg nên gia đình chưa đành lòng bán”.
Theo người dân nơi đây cho biết, nguyên nhân hạt trẩu giảm giá là do phía Trung Quốc ít thu mua.