Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu 6.383 tấn hạt tiêu, trị giá hơn 42 triệu USD. Giá hạt tiêu xuất khẩu trong nửa đầu tháng 1 đạt mức bình quân 6.648 USD/tấn, cao hơn giá xuất khẩu bình quân của năm 2024 (5.280 USD/tấn). Điều này cho thấy, giá tiêu trên thị trường xuất khẩu vẫn đang ở mức cao.
Tại thị trường nội địa, giá tiêu trong tháng 1 vẫn đang được duy trì ở mức cao. Những ngày cận Tết Ất Tỵ, giá hạt tiêu đang ở mức gần 150.000 đồng/kg.
Sản lượng hồ tiêu giảm trên toàn cầu là nguyên nhân chính giúp cho giá tiêu tiếp tục đứng ở mức cao. Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), thế giới đã ghi nhận sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm khoảng 4% so với 2023, tương đương với giảm 22.000 tấn, xuống còn 558.000 tấn. Lượng sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil và Việt Nam.
Trong năm qua, Brazil là quốc gia ghi nhận sản lượng hồ tiêu sụt giảm cao nhất với khoảng 29% tương đương 28.000 tấn, từ mức 98.000 tấn năm 2023 xuống còn 70.000 tấn. Sản lượng hồ tiêu giảm mạnh ở Brazil là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng khô hạn dẫn tới thiếu nước tưới.
Ở Việt Nam, sản lượng hồ tiêu giảm từ 195 nghìn tấn năm 2023 xuống còn 180 nghìn tấn trọng năm 2024.
Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.
Ông Hoàng Phước Bính, một nông dân gần 40 năm gấn bó với cây hồ tiêu ở huyện Chư Sê, Gia Lai (ông Bính nguyên là Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê), cho biết, bản thân ông vừa đi khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm, đồng thời tham khảo ý kiến của những người trồng tiêu. Từ những thông tin thu thập qua chuyến đi, ông Bính nhận định, diện tích năm 2025, sản lượng hồ tiêu có thể giảm 10-15% so với năm 2024.
Theo ông Bính, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sản lượng hồ tiêu tiếp tục giảm. Trước hết, trong giai đoạn từ 2019 đến 2022, do giá tiêu liên tục giảm, có lúc chỉ cỏn 34.000 đồng/kg, vì vậy, gần như không có diện tích hồ tiêu được trồng mới. Do đó, hầu hết diện tích hồ tiêu đang kinh doanh hiện nay là từ năm 2017 trở về trước. Trong đó, nhiều diện tích đã bước vào thời kỳ già cỗi, năng suất thấp.
Cũng trong giai đoạn 2018-2022, do giá tiêu giảm mạnh, nhiều nông dân ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ đã phá bỏ vườn tiêu, chuyển sang trồng sầu riêng, cà phê... Mấy năm nay, khi giá tiêu tăng cao trở lại thì giá sầu riêng, cà phê cũng ở mức cao, mà lợi nhuận từ 2 loại cây này vẫn cao hơn so với hồ tiêu, nên cây hồ tiêu gần như không có cơ hội quay lại trên những diện tích đã chuyển sang sầu riêng, cà phê. Bên cạnh đó, nông dân hiện rất khó vay ngân hàng để đầu tư trồng mới hồ tiêu, lao động trong ngành hồ tiêu ngày càng khan hiếm...
Sản lượng hồ tiêu dự báo giảm mạnh, trong khi lượng tiêu tồn kho đã gần cạn. Năm nay, vụ mùa hồ tiêu sẽ chậm hơn năm ngoái gần 1 tháng. Phải đến tháng 2, tháng 3 âm lịch, nông dân mới thu hoạch đại trà hồ tiêu. Điều này khiến cho khoảng thời gian khan hiếm nguồn hạt tiêu hàng hóa càng kéo dài. Phần lớn nông dân trồng tiêu hiện nay đều đang có những nguồn thu khác và cũng đã có tích lũy do giá tiêu cao trong thời gian qua, nên áp lực bán ra trong vụ mùa năm nay sẽ không lớn.
Trong khi đó, năm ngoái, Trung Quốc mua hạt tiêu ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, nên khi Việt Nam vào vụ mùa hồ tiêu 2025, họ sẽ tới mua nhiều. Các khách hàng khác cũng thường chờ khi Việt Nam vào vụ mới tập trug đến mua hàng. Những yếu tố này sẽ dẫn tới cầu vượt cung, qua đó giúp cho giá tiêu Việt Nam có thể tiếp tục tăng lên. Ông Bính dự đoán, vào thời điểm nào đó trong năm nay, giá tiêu hoàn toàn có thể lên mức trên 200 nghìn đồng/kg.