| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang: Nhiều kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 02/11/2021 , 13:32 (GMT+7)

Nổi bật nhất, tỉnh Hậu Giang tiếp tục duy trì và nâng chất và công nhận mới các đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn NTM và nâng cao.

Nhiều kết quả ấn tượng

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xây dựng NTM ở tỉnh Hậu Giang vẫn gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM gồm Đông Phước, Phú Hữu (huyện Châu Thành), Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) và Tân Long (huyện Phụng Hiệp).

Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang cũng tập trung chỉ đạo bổ sung thêm 3 xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp), Phú Tân (huyện Châu Thành) và Tân Phú (thị xã Long Mỹ) cố gắng hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trong năm 2021. Phấn đấu đến cuối năm, toàn tỉnh có ít nhất 36/51 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 70,59%).

Mỗi đơn vị cấp huyện công nhận ít nhất 5-7 sản phẩm đạt 3-5 sao sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Mỗi đơn vị cấp huyện công nhận ít nhất 5-7 sản phẩm đạt 3-5 sao sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã công nhận thêm 4 xã Long Trị A (thị xã Long Mỹ), Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) và Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh là 7 xã. Bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn/xã là 17,7. Đáng chú ý, tỉnh không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Tại xã NTM Tân Long, chia sẻ niềm vui khi xã nhà được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, ông Lê Hoàn Kinh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để góp phần quan trọng giúp Tân Long đạt chuẩn xã NTM như hôm nay chính là sự ủng hộ của người dân. Cụ thể, do địa phương không có đất công để xây dựng nhà văn hóa ấp nên sau khi được tuyên truyền, vận động thì có hộ đã mạnh dạn hiến đất hoàn toàn và có hộ bán đất với giá rẻ, từ đó giúp xã xây dựng hoàn thành 7/7 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn theo quy định và được công nhận tiêu chí NTM liên quan.  

Nổi bật, xã Tân Long có khoảng 99% các trục đường giao thông đã được đầu tư đạt chuẩn theo quy định. Xã cũng có 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia và có 7/7 nhà văn hóa ấp và khu thể thao đạt chuẩn. Đồng thời, toàn xã còn xây dựng được nhiều tuyến đường có cảnh quan môi trường đẹp như tuyến Sơn Trắng ở ấp Phụng Sơn B, tuyến Thạnh Lợi B nối ấp Phụng Sơn…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, xã Tân Long đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương để góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhất là chuyển đổi từ vùng mía kém hiệu quả sang trồng những loại cây đang cho hiệu quả kinh tế hấp dẫn như: mít, sầu riêng, cam sành, chanh không hạt,…

Nhờ vậy xã có nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Trong đó, ngoài mô hình trồng cây ăn trái còn có mô hình trồng cam kết hợp nuôi gà, mô hình nuôi ba ba, nuôi lươn… Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Long hiện đạt 50,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,04%.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tập trung chỉ đạo xã Tân Long đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện phù hợp trước tình hình dịch Covid-19 mà ban chỉ đạo huyện đã yêu cầu các tổ chức đoàn thể từ huyện đến ấp cần tiếp tục hướng dẫn xã thực hiện tiêu chí ngành phụ trách. Trong đó có các tiêu chí tuy đã được công nhận nhưng chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung và thiếu tính bền vững.

Ngoài ra, các đơn vị của huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Mặt khác, căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, các thành viên ban chỉ đạo huyện và UBND các xã thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn để tổ chức thực hiện đạt các tiêu chí theo lộ trình đề ra.

Kiện toàn bộ máy và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Tuấn Phát.

Kiện toàn bộ máy và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Tuấn Phát.

Phấn đấu đạt chỉ tiêu sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được tỉnh chú trọng thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, mỗi đơn vị cấp huyện công nhận ít nhất 5 - 7 sản phẩm đạt 3 - 5 sao. Đồng thời, các địa phương cũng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng, thăng hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Hiện, Hậu Giang có kế hoạch thăng hạng cho sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao và hoàn thiện hồ sơ cho 5 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, trong lần ra mắt Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh lần 1 trong năm nay (vào tháng 7), huyện Phụng Hiệp có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan và trà mãng cầu xiêm túi lọc Hồng Đoan. Đồng thời, huyện cũng có một sản phẩm được hội đồng cấp tỉnh thống nhất thăng hạng là sản phẩm khô cá sặc rằn một nắng của HTX Kỳ Như từ 3 sao lên 4 sao OCOP cấp tỉnh.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, bộc bạch: Từ khi sản phẩm khô cá sặc rằn một nắng của HTX được công nhận OCOP 3 sao, thời gian qua, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải tiến mẫu mã hàng hóa và mở rộng vùng nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Với sự phấn đấu không ngừng nên HTX nhận lại được niềm vui khi sản phẩm được hội đồng OCOP cấp tỉnh thống nhất thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Có thể khẳng định rằng, từ khi các sản phẩm của HTX được công nhận OCOP đã góp phần nâng cao giá trị đáng kể và thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Từ đó, tạo đầu ra ổn định và nguồn thu nhập được cải thiện cho các thành viên HTX, cũng như bà con vùng nguyên liệu.

Để các chủ thể của huyện Phụng Hiệp có sản phẩm được công nhận OCOP, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của chính người tạo ra sản phẩm thì còn có sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng liên quan của huyện và xã. Cụ thể là hỗ trợ người dân xây dựng vùng nuôi, trồng.

Mặt khác, ngành chức năng huyện Phụng Hiệp còn phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh tổ chức lớp “Tập huấn kỹ năng bán hàng và kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thực hiện chương trình OCOP” và lớp “Tập huấn kỹ năng quảng bá sản phẩm, viết câu chuyện về sản phẩm OCOP”. 

Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện toàn diện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh đúng tiến độ và hiệu quả. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết đã ngành chức năng và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình xây dựng NTM và chương trình OCOP năm 2021.

Nhất là, đưa chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao và công nhận sản phẩm OCOP vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của đơn vị, địa phương quản lý. Đồng thời, tổ chức thực hiện xây dựng NTM, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bảo hoàn thành, chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh giao, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: Theo chỉ tiêu tỉnh giao, trong năm nay, huyện phải có ít nhất từ 5 - 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 và 4 sao. Qua lần đầu trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh, Phụng Hiệp đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Dự kiến, huyện Phụng Hiệp sẽ trình thêm 2 sản phẩm cá thát lát và dưa lưới để xem xét, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.