| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang chuyển đổi sản xuất, phát triển nghề nuôi cá ruộng

Thứ Sáu 22/10/2021 , 09:59 (GMT+7)

Trong hơn 7.400ha chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa ở Hậu Giang năm 2021, có gần 6.200ha được nông dân lựa chọn phát triển nghề nuôi cá ruộng.

Tỉnh Hậu Giang có địa hình khá bằng phẳng, với 3 vùng sinh thái đặc trưng, gồm: vùng triều, vùng úng triều và vùng ngập úng. Trong đó, vùng ngập úng nằm sâu trong nội đồng, chịu ảnh hưởng bởi triều biển Tây. Vùng này có điều kiện phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp khá đa dạng. Nông dân thường chọn sản xuất nông nghiệp và thủy sản đan xen nhau, không tập trung thành vùng lớn. Tuy nhiên, thích hợp và cho hiệu quả kinh tế cao là phát triển nghề nuôi cá ruộng lúa mùa nước nổi. 

Nuôi cá trên ruộng lúa nông dân không phải đầu tư nhiều, chủ yếu là con giống và lưới vây thả nuôi, cá tự ăn thức ăn tự nhiên để phát triển nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi cá trên ruộng lúa nông dân không phải đầu tư nhiều, chủ yếu là con giống và lưới vây thả nuôi, cá tự ăn thức ăn tự nhiên để phát triển nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Chánh.

So với các tỉnh, thành ở ĐBSCL, Hậu Giang thường đón lũ mùa nước nổi đến muộn, rút chậm và cường suất nhỏ hơn. Tuy nhiên, do tỉnh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều, đó là triều biển Đông qua sông Hậu và triều biển Tây qua sông Cái Lớn, nên khả năng tiêu thoát lũ chậm.

Thời gian ngập lũ trên địa bàn tỉnh thường kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Mức ngập từ 30 - 60 cm, tùy địa hình của từng địa phương. Khi nước lũ đổ về, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân rửa phèn, mặn và dư lượng của các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đảm bảo an toàn cho nghề nuôi cá ruộng luân canh với trồng lúa.

Nuôi cá trên ruộng lúa nông dân đạt lợi ích nhiều mặt, tránh được vụ lúa bấp bênh, hiệu quả kinh tế cao hơn, môi trường được cải tạo, giảm chi phí phân bón khi làm vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi cá trên ruộng lúa nông dân đạt lợi ích nhiều mặt, tránh được vụ lúa bấp bênh, hiệu quả kinh tế cao hơn, môi trường được cải tạo, giảm chi phí phân bón khi làm vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Trung Chánh.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh năm 2021 là 7.434 ha, trong đó, chuyển sang cây hàng năm là 383 ha, cây lâu năm là 856 ha, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản là 6.194 ha.

Trong các huyện, thị, thành của tỉnh Hậu Giang thì huyện Phụng Hiệp là địa phương có phong trào nuôi cá ruộng phát triển mạnh. Theo kế hoạch, năm nay huyện nay dự kiến thả nuôi khoảng 4.000 ha cá trên ruộng lúa. Thường bà con nông dân sẽ chuẩn bị sẵn cá giống, nuôi ương trong ao, mương một thời gian. Khi nước nổi lên tràn đồng, sẽ dùng lưới cước vây quanh khu đất của gia đình, rồi thả cá lên ruộng để phát triển tự nhiên.

Theo đánh giá của các hộ nông dân đã chuyển đổi sang nuôi cá trên ruộng lúa thì mô hình này mang lại lợi ích kép, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa làm đất tăng thêm phì nhiêu. Nuôi cá ruộng lúa chi phí thấp, vì cá sẽ ăn các loại rong rêu, giúp vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nổi. Khi nuôi cá như thế thì môi trường cải tạo, tự động làm cho đất tơi xốp, vì để lại một lượng dưỡng chất hữu cơ trên đồng. Nhờ vậy, mà khi sản xuất vụ lúa đông xuân tiếp theo, nông dân sẽ giảm chi phí, do lượng phân bón sẽ giảm đi rất nhiều.

Nông dân Hậu Giang tập trung chuyển đổi sản xuất trên đất lúa, trong đó diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng vì mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Hậu Giang tập trung chuyển đổi sản xuất trên đất lúa, trong đó diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng vì mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Từ năm 2019, Chi cục Thủy sản Hậu Giang đã triển khai mô hình nuôi cá trên ruộng lúa tại các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và hỗ trợ một phần chi phí để nông dân nhân rộng, duy trì sản xuất. Các loại cá được nông dân lựa chọn thả nuôi nhiều là cá lóc, cá rô, cá mè, cá chép, rô phi… Sau mỗi vụ nuôi, nông dân thu hàng tấn cá và đạt lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Hai Huynh (huyện Vị Thủy), các xã viên đã bỏ lúa vụ 3, chuyển sang nuôi cá ruộng nhiều năm nay. Bởi lẽ, nuôi cá ruộng không tốn nhiều công chăm sóc, cá được ương vèo trong ao, mương trước khi thả lên ruộng, cá tự tìm thức ăn từ môi trường tự nhiên. Nhờ đó, giá thành sản xuất thấp, đạt lợi nhuận cao hơn hẳn so với trồng lúa. Ngoài lợi ích kinh tế còn có lợi về môi trường, đất không bị khai thác kiệt quệ do canh tác lúa liên tục mà còn được bổ sung thêm dưỡng chất từ phân cá, rơm rạ phân hủy sau vụ nuôi.

Thay vì tập trung chuyên canh cây lúa trong điều kiện bất lợi, thường xuyên bị đổ ngả trong thời điểm mùa nước nổi, nông dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất sang nghề nuôi cá ruộng, theo hướng “thuận thiên” và tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Việc chuyển đổi này thường cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất chuyên lúa từ 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, việc chuyển đổi còn giúp ngăn ngừa sự lây lan, lưu tồn của sinh vật gây hại trong đất, đồng thời thay đổi phương thức làm đất và sử dụng phân bón, giúp cải tạo đất hiệu quả hơn.

Xem thêm
Siêu thị, chợ đầu mối lo ngại giá thực phẩm Tết tăng cao vì kẹt xe

TP.HCM Theo một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP.HCM, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết phong phú, nhưng lo ngại khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến... giá tăng cao.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điện gió của T&T Group tại Lào sẽ được xuất khẩu về Việt Nam

Điện từ dự án điện gió Savan 1 của T&T Group tại Lào sẽ được bán cho Việt Nam, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.