| Hotline: 0983.970.780

Hậu sáp nhập hệ thống ngành BVTV: Nảy sinh vướng mắc gì?

Thứ Ba 26/02/2019 , 13:26 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ-/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, các tỉnh, TP đang xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, trong triển khai, một số địa phương áp dụng cơ học máy móc, thậm chí có biểu hiện nóng vội về thành tích, dẫn tới sự không đồng nhất giữa các tỉnh, các huyện... nên Bộ Nội vụ vừa qua phải có văn bản đề nghị tạm dừng để hướng dẫn cụ thể.

14-03-10_img_20171222082756
Cần đánh giá đầy đủ và phân cấp trách nhiệm rõ ràng đối với công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh cấp huyện khi tiến hành sáp nhập

Phải khẳng định, Nghị quyết 19 của Đảng là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay. Nhưng mục tiêu cuối cùng cũng là hướng tới việc các đơn vị công lập tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm.

Đơn cử như hệ thống ngành bảo vệ thực vật (BVTV), theo Cục BVTV, sau khi thực hiện Nghị quyết 19 cả nước còn 60 Chi cục Trồng trọt và BVTV/Chi cục BVTV (còn 6 tỉnh, TP chưa sáp nhập thành Chi cục Trồng trọt và BVTV theo Thông tư Liên tịch 14 giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ) trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh.

Trong đó, tỉnh Đắk Nông sáp nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản thành Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh. Tỉnh Long An sáp nhập Chi cục Trồng trọt và BVTV và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thành Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh. Riêng tỉnh Bình Phước giải thể Chi cục Trồng trọt và BVTV chuyển sang thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh.

Đối với cấp huyện, cả nước còn 349 Trạm Trồng trọt và BVTV/Trạm BVTV trực thuộc Chi cục Trồng trọt và BVTV và 303 trạm đã tiến hành sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Cụ thể, có 28/63 tỉnh, TP chuyển toàn bộ Trạm Trồng trọt và BVTV thành các Trung tâm thuộc quản lý của UBND các quận, huyện. Các Trung tâm đang có nhiều tên gọi khác nhau, như: Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi…

Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lo lắng của các cán bộ đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành nông nghiệp cấp huyện, nhận thấy đa phần đều băn khoăn với chủ trương xã hội hóa tự chủ tài chính đối với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trên thực tế, hiện hệ thống kinh doanh, buôn bán VTNN tư nhân đang lớn mạnh và có mặt ở hầu khắp các huyện, xã nên khả năng cạnh tranh của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là rất khó. Nếu chỉ trông chờ đấu thầu, đặt hàng các đề tài, dự án thì quả thực sẽ rất khó khăn.

Có 3/63 tỉnh, TP thận trọng hơn khi thí điểm thành lập 1 Trung tâm Nông nghiệp huyện để có đánh giá rút kinh nghiệm là An Giang, Sóc Trăng và Hà Giang. Riêng TP Đà Nẵng giải thể luôn Trạm Trồng trọt và BVTV cấp huyện, chuyển cán bộ về văn phòng Chi cục thuộc Sở.

Còn lại 23/63 tỉnh, TP đã xây dựng xong phương án sáp nhập và báo cáo UBND tỉnh; 8/63 tỉnh, TP còn lại hiện chưa thực hiện, đang chờ hướng dẫn của Trung ương sau khi có văn bản tạm dừng của Bộ Nội vụ.

Chủ trương là đúng, vấn đề ở đây là các nơi áp dụng sao cho phù hợp, hiệu quả, có tính khả thi trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ, vai trò quản lí nhà nước giữa Sở NN-PTNT với Phòng NN- PTNT (Kinh tế) huyện, giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện với Phòng NN- PTNT, và với các Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở NN-PTNT…

Nói gì thì nói, chắc chắn việc sáp nhập ít hay nhiều có những ảnh hưởng ban đầu đến bộ máy, tổ chức, công việc tại hệ thống BVTV nói riêng và các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp nói chung, nên cần khảo sát, đánh giá tác động, thí điểm để chọn ra phương án tối ưu nhất.

Chưa kể, việc sáp nhập các Trạm Trồng trọt và BVTV về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện có sự vênh với quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật nên cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung nhấn mạnh, chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19 là đúng đắn. Tuy nhiên, ông Trung kiến nghị sớm rà soát, khảo sát, đánh giá đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, chỉnh sửa lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp và đảm bảo tính pháp lý trước khi thay đổi hệ thống tổ chức.

“Hiện nay việc triển khai tại các địa phương là rất khác nhau cả về mô hình tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ đối với Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện. Vì vậy kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT có văn bản hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất khi triển khai. Đặc biệt, để công tác phòng chống dịch bệnh được xuyên suốt, có người đứng đầu chịu trách nhiệm, cần phân cấp, giao trách nhiệm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho chủ tịch UBND các cấp”, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung.

 

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.