Một số lái xe tự ý tháo dỡ hộ lan để quay đầu xe trên cao tốc khi xảy ra kẹt xe chiều 1/12. Ảnh: FB. |
Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) đã có báo cáo đề nghị xử lý các tài xế đã tháo lan can trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chiều ngày 1/12.
Do xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực cầu Long Thành, nên hướng đi từ Dầu Giây về TP.HCM kẹt xe kéo dài hơn chục km.
Trong sự mỏi mệt và căng thẳng ấy, một điều khó tin đã xảy ra, các tài xế đã tháo lan can tại km 15+550 để quay đầu ngược lại. Đây là hành vi nguy hiểm, vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Kiến nghị xử lý các tài xế đã tháo lan can, là việc làm cần thiết để răn đe và giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh chuyện phạt hành chính những đối tượng vi phạm, cũng phải truy xét đến hoàn cảnh thực tế.
Theo nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường, sở dĩ các tài xế tháo lan can là vì muốn tạo điều kiện cho một xe cấp cứu đang chở thai phụ quay lại Long Thành nhanh nhất. Hành vi ấy không phải manh động nhất thời, mà có đắn đo nhất định.
Thậm chí, khi xe cấp cứu và những xe khác quay trở lại trạm thu phí Long Thành, thì họ đã giải thích cụ thể về cách di chuyển không đúng quy trình. Và xe cấp cứu đã mở cửa để nhân viên trạm thu phí nhìn tận mắt thai phụ đang đau bụng dữ dội.
Đồng thời, những tài xế mở đường cho xe cấp cứu còn cam kết với nhân viên trạm thu phí: “Xử phạt bao nhiêu cũng được, miễn nhanh chóng cho xe qua để bảo đảm tính mạng thai phụ và thai nhi!”.
Trong bản báo cáo của VEC-E hoàn toàn không nhắc đến chi tiết thai phụ trên xe cấp cứu dẫn đến hành vi tháo lan can để quay đầu xe trên cao tốc. Đồng thời, trách nhiệm của VEC-E ở đâu, khi để kẹt xe kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ?
Lẽ ra, khi xảy ra tai nạn giao thông, thì VEC-E phải có hướng giải quyết chu đáo hơn. Liệu khả năng quản lý đồng bộ của VEC-E có đạt hiệu quả tương xứng với mục tiêu thiết kế tuyến đường cao tốc trọng điểm phía Nam không?
Nếu chưa có phương án dọn dẹp vụ tai nạn giao thông, thì tại sao không xả trạm để giảm bớt ách tắc và kiên quyết không cho xe cấp cứu lưu thông vào cao tốc? Nếu VEC-E chỉ biết thu phí mà không biết vận hành hợp lý, thì những sự cố tương tự vẫn còn tái diễn!
Không ai có ý định biện minh cho các tài xế tháo lan can trên cao tốc, nhưng hành động bột phát của họ cũng là bài học nhắc nhở về năng lực khai thác đường cao tốc.
Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương không còn thu phí, đã biến thành đường thấp tốc, tiềm ẩn rất nhiều bát nháo và rủi ro. Còn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầy Giây thì liên tục kẹt xe vào những giờ cao điểm.
Câu hỏi đáng day dứt: Đường cao tốc cho phép xe chạy với tốc độ tối đa 120 km/h, còn tư duy của những người làm chủ đường cao tốc như thế nào?