Hàng trăm hộ dân bị uy hiếp
Có nhìn thấy hình ảnh những bức tường rào được xây dựng kiên cố của nhà dân đổ nhào do sóng lớn, triều cường tại các làng chài ven biển thuộc thôn 9 và thôn 8 Đông, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) khiến mới thấu được nỗi lo của hàng trăm hộ dân ở đây.
Theo ông Văn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, nạn sạt lở bờ biển ở thôn 9 và thôn 8 Đông đã xảy ra từ cuối năm 2022, uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống của 325 hộ dân ở 2 thôn nói trên.
Bà Nguyễn Sim, người dân thôn 9 (xã Mỹ Thắng), lo lắng: “Gia đình tôi mấy đời ở sát bên biển nhưng chưa bao giờ thấy sóng biển gây sạt lở nghiêm trọng như thời gian gần đây. Tốc độ sạt lở rất thần tốc, mới thấy bờ biển còn nằm cách xa nhà dân, vậy mà chỉ sau 1 thời gian ngắn tôi thấy bờ biển đã cận kề mà hoảng hồn, nạn xâm thực ngày càng tiến sâu vào đất liền, sát vào nhà dân. Cứ đà này, chẳng bao lâu sau nhà cửa của người dân sẽ bị biển nuốt chửng”.
Theo các bậc lão niên ở thôn 9 (xã Mỹ Thắng), trước đây, bờ biển nằm cách xa khu dân cư khoảng 100m, nhưng nay có nơi bờ biển chỉ còn cách xa khu dân cư chỉ khoảng 20m. Diện tích đất dọc bờ biển ngày càng bị thu hẹp dần do sóng biển “ngoạm” mất từng ngày.
Theo thống kê của UBND xã Mỹ Thắng, đợt xâm thực gần đây nhất là từ ngày 6 - 9/12/2022; sóng lớn, triều cường dâng cao đã gây sạt lở bờ biển tại thôn 9 với chiều dài 215m, chiều rộng bị xâm thực vào đất liền hơn 40m, đe dọa tài sản và tính mạng của người dân.
Còn ở thôn An Quang Đông thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), tình trạng sạt lở bờ biển cũng nghiêm trọng chẳng kém. Nhìn dọc bờ biển phía Nam Cảng cá Đề Gi, thấy chỏng chơ dày đặc những gốc cây dương cổ thụ vốn là rừng phòng hộ ven biển đã bị sóng “đào” đến trốc gốc, nằm khô khốc; những quán ăn, nhà ở nằm sát bờ biển bị sóng “ngoạm” đất đến sát chân móng.
Nhiều người dân ở thôn An Quang Đông cho biết, trước đây, hiện tượng xâm thực thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 12 hàng năm, đến tháng 3 - 4 năm sau thì biển tự bồi lấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, biển ăn sâu vào đất liền 50 - 70m thay vì 20 - 30m rồi tự bồi lấp lại như mọi khi. Nhiều hàng phi lao chắn sóng, phòng hộ ven biển đã bị sóng cuốn trôi, nhà cửa của người dân vì thế cũng ở gần mép sóng hơn.
Những bậc lão niên ở thôn An Quang Đông cho hay: Hồi năm 1984, bờ biển cách khu dân cư đến hơn 300m, nay chỉ còn mấy chục mét. Cứ vào mùa mưa bão, người dân ở đây lại lo âu khi nghe tiếng sóng đánh ầm ào bào mòn dần bờ biển.
“So với cách đây 7-8 năm, sóng biển và triều cường đã nuốt bờ mất gần 300m chiều ngang, ngày càng tiến sát gần nhà dân. Nạn xâm thực chưa uy hiếp trực tiếp đến khu dân cư thôn An Quang Đông, thế nhưng đã tiến sát những hàng quán người dân xây dựng để mua bán”, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), cho hay.
Nỗi lo về chốn an cư
Đến bây giờ, người dân thôn 9, xã Mỹ Thắng vẫn chưa thể quên cảnh hoang tàn của làng chài sau đợt mưa lớn, sóng biển giật mạnh kèm triều cường gây sạt lở hàng trăm mét bờ biển tại bến cá của thôn vào cuối năm 2022.
Đất bờ biển sụt lún, đổ sập. Nhiều công trình nằm cạnh bờ biển bị sóng dữ đập vào móng gây hở hàm ếch, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Thực trạng trên đã làm dấy lên nỗi lo về sự an toàn cho người dân đang bị thiên tai uy hiếp, và lớn nhất là nỗi lo nơi tái định cư cho những hộ dân nằm trong vùng thiên tai của chính quyền địa phương và ngành chức năng Bình Định.
Theo thống kê của chính quyền xã Mỹ Thắng, chỉ trong tháng 12/2022, đoạn bờ biển nằm trên địa bàn thôn 9 đã bị xâm thực khoảng 215m chiều dài, hơn 40m chiều rộng, làm ảnh hưởng đến 246 hộ dân; trong đó, có 7 hộ dân với 27 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Phù Mỹ chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định cùng các ngành chức năng khẩn trương đề xuất phương án bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi triều cường tại địa bàn xã Mỹ Thắng và các vùng có nguy cơ sạt lở cao ở huyện Phù Mỹ.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, vào giữa năm 2010, công trình khu tái định cư vùng thiên tai xã Mỹ Thắng do Sở NN-PTNT Bình Định làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng với quy mô gần 10ha, gồm 279 lô đất ở cùng hạ tầng đi kèm với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2011, công trình phải dừng thi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Đến cuối tháng 12/2018, Sở NN-PTNT Bình Định đã bàn giao hồ sơ công trình và mặt bằng khu đất tái định cư đã thi công dang dở cho UBND huyện Phù Mỹ và giao cho UBND xã Mỹ Thắng tiếp nhận quản lý; đồng thời, thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực dự án cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên cơ sở đề xuất của Sở NN-PTNT và Sở KH-ĐT, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các khu tái định cư đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện cận kề với thôn 9 và thôn 8 Đông thuộc xã Mỹ Thắng, xác định quỹ đất còn lại để bố trí tái định cư cho một số hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng do nạn sạt lở bờ biển.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã đồng ý chủ trương giao UBND huyện Phù Mỹ lập hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu tái định cư vùng thiên tai xã Mỹ Thắng.
UBND huyện Phù Mỹ đã xây dựng phương án tái định cư cho 325 hộ dân với 1.235 nhân khẩu chịu ảnh hưởng của sạt lở do triều cường tại xã Mỹ Thắng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của dự án quá lớn, hơn 40 tỷ đồng, vượt quá khả năng của ngân sách địa phương.
“Do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên Phù Mỹ chưa thể triển khai xây dựng dự án. Trước mắt, chính quyền địa phương đang theo dõi chặt chẽ tình hình bờ biển bị xâm thực để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Huyện rất mong nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như của các ngành chức năng, kịp thời hỗ trợ kinh phí để huyện triển khai dự án nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân”, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chia sẻ.