| Hotline: 0983.970.780

Những dòng sông 'nuốt nghĩa địa, cướp đất, phá làng’

Thứ Sáu 12/05/2023 , 12:19 (GMT+7)

Ngoài giá trị mang lại, 2 con sông huyền thoại Đăk Pne và sông Ba cũng khiến hàng trăm ha 'bờ xôi ruộng mật' và những ngôi làng ven sông nguy cơ bị ‘nuốt chửng’.

Đất sản xuất của người dân buôn Lang bị sông Ba nuốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Đất sản xuất của người dân buôn Lang bị sông Ba nuốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Đất sản xuất thành lòng sông

Sông Ba chảy qua nhiều huyện, thị xã ở Gia Lai, là nơi cung cấp phù sa, chất dinh dưỡng, nước, thủy sản cho người dân sống dọc sông. Tuy nhiên, cũng chính con sông này đã cuốn trôi hằng trăm ha đất sản xuất của người dân.

Ghi nhận sự khốn khổ của người dân, chúng tôi phóng xe cả trăm km để mục sở thị sông Ba huyền thoại. Trên chiếc thuyền xuôi từ thượng nguồn sông Ba đoạn qua buôn Lang (xã Chư Rcăm) mùa này, nước sông Ba dâng cao, chảy xiết nên chiếc thuyền bị sóng đánh ngả nghiêng.

Tại đây, một đoạn sông Ba dài cả trăm mét đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khoảnh khoai mì, ngô bị nước đánh đổ ập xuống lòng sông ngay trước mặt chúng tôi. Những mảng đất trống khác rất mềm, đưa mũi chân ấn nhẹ là lở xuống nước. Nhiều vị trí đất sản xuất khác đã bị sông nuốt, đất đã hoá thành lòng sông.

Theo người dân trong làng, trước kia, đoạn sông qua làng ban đầu rộng khoảng 10m, còn bây giờ rộng hơn 100m. Lý do, lòng sông rộng vì bị sạt lở, ăn dần vào đất sản xuất, khiến đất hoá thành lòng sông. Đáng nói hơn, tình trạng này chưa được giải quyết nên cứ đến mùa mưa bão, nước sông chảy cuồn cuộn và tiếp tục “ăn đất” của dân.

Nhiều hộ dân đã bị sông Ba "cướp" mất đất sản xuất. Đơn cử, gia đình ông Rơ Lah Kem (buôn Lang) có 1,8ha đất dọc sông. Hiện phần đất này đã hoá thành lòng sông gần hết, chỉ còn lại mấy chục m2.

Tương tự, gia đình ông Rơ Châm Bia (buôn Lang) có 2,9ha mì dọc sông. Đến nay đã có khoảng 2ha khoai mì bị sạt lở, còn 9 sào khác cũng đang có nguy cơ bị cuốn trôi. Việc đất sản xuất bị mất khiến đời sống người dân gặp khó, thiệt hại tài sản. Vì thế, người dân mong muốn có phương án để bảo vệ đất sản xuất.

Theo tìm hiểu, tại xã Chư Rcăm, sạt lở sông Ba đã làm mất 100ha đất trồng khoai mì, thuốc lá dọc sông. Có hộ mất trắng, không có đất sản xuất. Bên cạnh đất sản xuất sẽ tiếp tục mất, còn 1 điểm xung yếu trên quốc lộ 25 bị đe doạ, dẫn đến nguy cơ sạt lở quốc lộ, làm mất đường.

Nhiều diện tích khoai mì chờ sông Ba cuốn trôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều diện tích khoai mì chờ sông Ba cuốn trôi. Ảnh: Tuấn Anh.

Một lãnh đạo UBND huyện Krông Pa cho biết, sông Ba chảy qua huyện có chiều dài 45km, làm ảnh hưởng 12 xã, thị trấn. Ảnh hưởng nặng nhất là đất nông nghiệp bị sạt lở và hiện chưa thống kê được diện tích bị thiệt hại.

Sạt lở nặng nhất xảy ra tại 2 xã là Ia Rsai và Chư Rcăm. Bao năm qua, sạt lở sông Ba còn cuốn trôi nghĩa địa buôn Lang, xã Chư Rcăm, đồng thời uy hiếp cả trăm hộ dân sống dọc sông.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Krông Pa, nếu làm kè để chống sạt lở sông Ba thì kinh phí bỏ ra quá lớn, không đủ tiền. Trước mắt, huyện, tỉnh tập trung xử lý, khắc phục những điểm xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước cũng như nhà, công trình của dân. Trong đó, đối với tài sản là cầu Lệ Bắc, Quốc lộ 25, nhà nước làm kè 2 bên cầu.

“Huyện cũng đã di dời 102 hộ buôn Lang, xã Chư Rcăm sống giáp sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn. Hiện tại, cầu treo Ia Rsai cũng bị sạt lở mố cầu, nguy cơ nếu không khắc phục sẽ bị cuốn bay, mất tài sản nhà nước, không có đường đi cho dân. Vì thế, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kè lại mố cầu. Còn đối với đất sản xuất, hiện tại không có cách nào để bảo vệ nên chấp nhận mất đất, khi nào có tiền mới tập trung khắc phục đất sản xuất”, vị lãnh đạo này cho biết.

 Nguy cơ sông “nuốt” làng

Sông Đăk Pne đoạn chạy qua trung tâm huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) có chiều dài gần 4km. Do chưa có kè bảo vệ nên cứ đến mùa mưa bão, sông Đăk Pne ăn mòn đất sản xuất của dân, đe doạ “nuốt” làng.

Trong các ngôi làng bị ảnh hưởng do sông Đăk Pne xâm thực có làng Kon Skôi (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy). Đi dọc con đường bê tông dẫn vào làng nằm dọc sông, chúng tôi thấy nhiều rẫy đất trồng khoai mì bị nước sông thổi bay.

Có đoạn đường bê tông bị sông xâm lấn, làm sạt phần nền. Nhà dân cách sông rất gần, luôn trong tình trạng bị đe doạ khi mưa bão đổ về. Một điều lo lắng khác là các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước xây dựng bên sông. Nên sạt lở sông cũng đã uy hiếp các trụ sở làm việc này.

Do chưa được làm kè bảo vệ, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Kon Rẫy bị sông Đắk Pne uy hiếp. Ảnh: Tuấn Anh.

Do chưa được làm kè bảo vệ, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Kon Rẫy bị sông Đắk Pne uy hiếp. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân sống dọc sông luôn thấp thỏm, lo âu. Năm 2000, gia đình anh A Đôi xây nhà cách sông 50m. Sau thời gian, con sông dần xâm lấn đất, cuốn trôi 3 sào đất canh tác. Có thời điểm bão lũ mạnh, nước sông chảy tràn vào nhà, khiến bức tường bị vỡ, đồ đạc cuốn bay.

“Con sông rất hung dữ. Mưa bão nước chảy xiết, cuốn bay mọi thứ. Nên cứ mùa mưa bão, gia đình tôi rất lo, phải di dời lên cao để ở chứ không dám ở lại làng vì sợ sông cuốn. Cuộc sống gia đình vì thế luôn bất an vào mùa mưa bão, không biết sẽ bị cuốn lúc nào”, ông Đôi than thở.

Ông A Loan, Trưởng thôn Kon Skôi cho biết, thôn có 165 hộ, trong đó có khoảng 50 hộ sống dọc sông. Những năm qua, tình trạng sông xâm lấn làng liên tục diễn ra. Nhiều diện tích đất bị sạt lở, nhà dân cũng bị sông đánh sập. Đến mùa mưa bão, bà con sống dọc sông phải di dời lên cao ở. Ông Loan lo lắng: “Nếu không có biện pháp làm kè bảo vệ, lâu dài, sông sẽ nuốt làng, chỗ ở bà con sẽ bị mất, đời sống bấp bênh. Vì thế, người dân mong muốn nhà nước xây kè để bảo vệ”.

Ông Đỗ Dũng Sỹ, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, vấn đề sông Đăk Pne sạt lở, đe doạ người dân làng Kon Skôi diễn ra nhiều năm nay. Theo đó, cứ mỗi năm, con sông cứ làm sạt lở một ít đất.

Cộng hưởng nhiều năm, đã có nhiều diện tích đất bị thổi bay. Đơn cử, khoảng 5 năm trước, dòng sông cách làng khoảng 30m thì nay có nơi, sông cách làng chỉ còn 3-4m. Diện tích đất bị mất do sạt lở sông đến nay xã chưa thống kê được vì người dân không mang bìa đỏ đăng ký biến động giảm diện tích đất.

“Người dân lo lợ nếu không có biện pháp bảo vệ làng thì sông sẽ xâm lấn dần, sau này sẽ nuốt làng nên kiến nghị làm kè nhưng chưa triển khai được. Để đảm bảo an toàn cho dân, vào mùa mưa bão, xã cắm biển cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở để dân phòng tránh, đồng thời tổ chức di dời người dân, tài sản lên nơi cao ráo”, ông Sỹ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, 13 năm trước, nhà nước đã có chủ trương xây dựng kè sống sạt lở sông Đăk Pne. Đây là dự án rất cần thiết và cấp bách, nhằm chống sạt lở đất hai bên bờ sông. Qua đó đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở, sinh hoạt và sản xuất cho gần 350 hộ dân với trên 1.300 người dân sinh sống hai bên bờ sông.

Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm mục đích quan trọng là bảo vệ công trình, tài sản của Nhà nước thuộc Khu Trung tâm huyện Kon Rẫy. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên dự án đến nay chưa thể triển khai. Việc không thể đầu tư kè khiến tình trạng xói lở hai bên bờ sông ngày càng nghiêm trọng, xâm thực ngày càng mạnh, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân. Địa phương mong muốn dự án được triển khai để người dân được hưởng lợi.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.