| Hotline: 0983.970.780

Hiến ‘đất vàng’ cho làng lên phố

Thứ Hai 18/09/2023 , 06:22 (GMT+7)

Hàng chục hộ dân đã hiến đất, hàng rào nhường cho con đường từ 2m lên thành 6m làm thay đổi cả khu phố mới ở Quảng Bình.

Ông Đinh Thiếu Sơn, Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn (thị xã Ba Đồn- Quảng Bình), đưa chúng tôi đi xem những con đường đã được mở rộng, những con đường đang thi công và dự định tiếp theo. “Thay vì kế hoạch 5 năm thì người dân phường Ba Đồn đã chung sức, chung lòng để có những tuyến đường mang tên phố rộng, đẹp. Tính ra, bà con đã hiến “đất vàng” với tổng trị giá trên 25 tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.

Có thể nói rằng, những ai một năm trướ giờ quay trở lại phường Ba Đồn đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay bởi những con đường rộng rãi, đổ bê tông phẳng lỳ thay cho nhưng con đường nhỏ hẹp đầy bụi đất hôm nào. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch HĐND phường Ba Đồn cho hay, tiếng là phố nhưng cơ bản các khu phố ở đây như đang là vùng thôn quê ngày trước. Bà con vẫn quen gọi là xóm Mít, xóm Na, xóm Khế…chứ chưa thuộc lòng khu phố.  Bà con chúng tôi ở đây vẫn làm ruộng mà.

Con đường rộng 7 m thay thế con đường rộng 2 m ở xóm Mít đang được thi công đổ bê tông. Ảnh: T. Đức

Con đường rộng 7 m thay thế con đường rộng 2 m ở xóm Mít đang được thi công đổ bê tông. Ảnh: T. Đức

Bởi vậy, khi gắn tên phố thì người dân vẫn phải đi lại hàng ngày trên những tuyến đường nhỏ hẹp. Ông Đinh Thiếu Sơn, cùng chúng tôi đi về xóm Mít (nay gọi là khu phố 4). Xóm Mít ngày trước với những con đường vào độc đạo, nhỏ hẹp. Mới mưa đầu mùa là đường luôn ngập. Khi nắng lên thì bụi mù trời. Ông Phạm Văn Sơn (gần 70 tuổi, dân xóm Mít), đang đứng “chỉ đạo” đổ bê tông đường trước nhà cho hay, trước thì đường chỉ có 2 m nên bà con khổ lắm. Muốn phát triển cũng khó vì có đường đâu mà đi lên. Mỗi khi bà con có đám hỉ hay đám hiếu thì vất lắm. Ô tô, xe máy cứ gọi là mắc xoắn lấy nhau chứ có đường đi, đường thoát mô. Ngoài ra thì còn muôn vàn sự khổ khác cứ quay lấy mọi người.

Trước tình hình này, cấp ủy, chính quyền và MTTQ cùng thống nhất vào cuộc vận động lấy ý kiến người dân về việc mở đường dân sinh để phục vụ đi lại và nhu cầu phát triển của người dân. “Nghị quyết cấp ủy đã có, nhưng đưa ra triển khai không phải dễ dàng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch HĐND phường Ba Đồn.

Một tuyến đường khác đang được thi công với rãnh thoát nước. Ảnh: T. Đức

Một tuyến đường khác đang được thi công với rãnh thoát nước. Ảnh: T. Đức

Những ngày đầu tiên, những người đứng đầu đơn vị đều là tổ trưởng của các tổ công tác họp với dân, bàn với dân và lắng nghe người dân nói. “Trải qua 3-4 cuộc họp cũng có những ý kiến bàn ra vì tự nhiên hiến đất mất mớ tiền, chưa kể phải đập bỏ tường rào, cổng ngõ xây dựng tốn kém. Tuy nhiên, phường đã tìm nguồn kinh phí bỏ tiền xây mới tường rào cho bà con sau khi hiến đất”, bà  Ánh nhớ lại bước khởi đầu.

“Nơi khó khăn là tập trung vận động trước”, Bí thư Đảng ủy Đinh Thiếu Sơn nói. Ngoài các tổ công tác thường xuyên thăm hỏi vận động bà con thì các cụ cao tuổi cũng nêu gương đi trước để cho con cháu noi theo.

Ông Trương Văn Ca (78 tuổi, ở xóm Mít) là một ví dụ. Khi làm hàng rào, cổng nhà đã tự giác lùi vào diện tích đất của mình để đường rộng thêm. Khi tổ công tác đo đạc và cho biết gia đình ông không phải hiến đất nhưng ông không chịu. Ông bảo cứ đo tiếp vào đất để mở rộng thêm, mình chịu thiệt thêm một chút mà có đường to đẹp thì nên làm. Hàng rào, cổng nhà lại bị ông phá bỏ và đưa lùi vào thêm . Ông Ca nói với chúng tôi: “Mình là bậc cha chú mà không hiến đất thì làm sao ăn nói với con cháu chớ. Khi hiến đất rồi, tôi mới đến chuyện trò với những gia đình còn lấn cấn là họ nghe ngay. Họ thấy người nói đã đi đầu mà không đòi hỏi gì thì sao mà mình không trải lòng ra được. Vậy là hanh thông”.

Hiến đất, tường rào, cổng để mở rộng đường là bà con xây dựng lại cho đẹp khu dân cư. Ảnh: T. Đức

Hiến đất, tường rào, cổng để mở rộng đường là bà con xây dựng lại cho đẹp khu dân cư. Ảnh: T. Đức

Từ hộ ông Trương Văn Ca tiên phong hiến đất, rồi lần lượt các hộ dân đều hưởng ứng. Ban đầu, có vài hộ vì chưa hiểu vấn đề nên đã kịch liệt phản đối, khi thấy đường được mở rộng, đi lại thuận lợi nên đã tự nguyện lên tới UBND phường Ba Đồn xin được hiến đất. Việc bà con tự nguyện hiến đất làm đường là một hành động rất ý nghĩa, thiết thực làm đẹp cảnh quan cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.