| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế chuyển đổi đất lúa

Thứ Tư 26/06/2013 , 09:40 (GMT+7)

Trước bối cảnh SX lúa gạo đang khó khăn bế tắc, việc chuyển đổi, sắp xếp lại đất trồng lúa thế nào để thay thế bằng cây trồng khác đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lí, nhà khoa học, DN... trong ngành nông nghiệp.

Trước bối cảnh SX lúa gạo đang khó khăn bế tắc, việc chuyển đổi, sắp xếp lại đất trồng lúa thế nào để thay thế bằng cây trồng khác đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lí, nhà khoa học, DN... trong ngành nông nghiệp.

Nhằm có ý kiến khách quan, sâu rộng cho kế hoạch chuyển đổi một phần đất trồng lúa trên cả nước sang các cây trồng khác có giá trị hơn, hôm qua (25/6), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về vấn đề này, với sự có mặt của đông đảo các nhà quản lí, DN, nhà khoa học... các tỉnh phía Bắc (từ Nghệ An trở ra).

Theo đó, chủ trương chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác (trong đó chủ lực là các cây trồng làm nguyên liệu TĂCN như ngô, đậu tương)... đã giành được sự đồng tình ủng hộ rất cao của các địa phương. Tuy nhiên, việc “tái cơ cấu đất lúa” ra sao cho hiệu quả để thuyết phục được nông dân đang là vấn đề khiến nhiều người ái ngại.


Chủ trương chuyển đổi đất lúa được đông đảo ý kiến ủng hộ

Bà Đoàn Thị Chải – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên: Hiệu quả kinh tế phải đặt hàng đầu

Về quan điểm cá nhân, tôi rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu chuyển sang các cây trồng phục vụ nguyên liệu TĂCN như ngô hay đậu tương, ở địa phương khác thì tôi không rõ, nhưng Hưng Yên thì tôi e là sẽ rất khó khả thi.

Bởi thứ nhất, việc chuyển đổi đất lúa, Hưng Yên đã làm từ trước năm 2010. Đất lúa ngoài đê kém hiệu quả, đã được chuyển hết sang chuối, nhãn..., đất nội đồng chuyển thành thủy sản, trang trại... Bây giờ diện tích nào chuyển đổi được sang cây trồng khác cũng đã chuyển hết, còn đâu đất nữa mà chuyển?

Thứ hai, giả như tiếp tục lấy đất 2 vụ lúa để chuyển đổi, tôi e ngô hay đậu tương khó là “đối thủ” cạnh tranh được với những cây trồng khác. Chẳng hạn ở vụ ĐX và vụ mùa, ngô và đậu tương không thể nào hiệu quả bằng lúa chất lượng cao ở trong nội đồng.

Còn đất ngoài đê, bây giờ dân trồng chuối, một năm thu 400 – 500 triệu/ha, trong khi trồng ngô giỏi lắm chỉ thu 40 – 50 triệu đồng/ha, đương nhiên dân khó chấp nhận trồng ngô.

Ở vụ đông, ngô và đậu tương cũng khó cạnh tranh được với rau màu. Bằng chứng là trước đây, Hưng Yên từng có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho cây ngô với dự tính nâng diện tích ngô vụ đông lên 10 nghìn ha, thế mà diện tích ngô vẫn liên tục giảm, giờ chỉ còn 4 nghìn ha.

Đấy là năng suất ngô Hưng Yên còn cao nhất vùng ĐBSH, tới 6,5 tấn/ha chứ chẳng chơi! Nếu chuyển đất lúa sang trồng ngô, chỉ có thể là ngô nếp, giá trị ngang với rau may ra dân mới trồng, chứ ngô nguyên liệu TĂCN e là rất khó chuyển đổi.

Đối với cây đậu tương, vụ đông trước đây rất lớn, nhưng nay Hưng Yên cũng giảm còn không đáng kể do khâu thu hoạch, bảo quản rất khó khăn, cộng thêm giá nay chồi mai sụt. Thế nên chuyển lúa sang đậu tương cũng không dễ, nếu không có chính sách đột phá về khâu thu hoạch, phơi sấy và đầu ra cho sản phẩm.

Tóm lại, chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác là tốt, nhưng phải tùy từng nơi, và chuyển gì thì hiệu quả kinh tế phải đặt hàng đầu. 

Ông Nguyễn Đức Vinh – GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang: Linh hoạt mà làm

 Thực ra, việc chuyển đổi đất lúa Hà Giang đã làm từ giai đoạn trước 2010 chứ không phải bây giờ mới nghĩ tới. Đến nay, Hà Giang đã chuyển được hơn 20 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả ở 4 huyện vùng cao khó khăn về nước tưới sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò.

Cùng với việc đàn bò phát triển rất mạnh, vùng nguyên liệu trồng cỏ đã hình thành được cơ chế thị trường chuyên nghiệp. Một bộ phận nông dân chỉ chuyên trồng cỏ để bán cho người nuôi bò.

Cùng với việc chuyển lúa sang trồng cỏ, Hà Giang cũng đã chuyển được trên 2.000 ha đất lúa ở các vùng trũng sang trồng ngô rất hiệu quả, dân hết sức ủng hộ. Chuyển lúa sang cỏ, chuyển lúa sang ngô, cả hai hướng ở Hà Giang đều phát huy hiệu quả, vì thế chuyển đổi đất lúa theo tôi cần linh hoạt, căn cứ vào điều kiện cụ thể từng địa phương.

Về cây ngô, tôi đánh giá rất cao triển vọng phát triển ở Hà Giang cũng như các tỉnh Trung du MNPB, bởi thị trường rất dễ tiêu thụ, thu nhập cao hơn lúa rất nhiều, đặc biệt là khi mà yêu cầu đảm bảo lương thực không còn khó khăn như trước đây. Vì thế, chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang ngô tôi rất ủng hộ và tin là khả thi.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nếu chuyển lúa sang ngô, đó là việc phân chia lợi nhuận cần phải được điều chỉnh. Bởi thực tế nông dân trồng ngô ở miền núi đang được hưởng lợi nhuận rất ít, trong khi thương lái, DN thu mua không mất công mất sức lại đang được hưởng rất nhiều. 

Ông Nguyễn Văn Lập – PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An: Phải có chính sách, không nói suông

Thực ra một năm 3 vụ, vụ nào Nghệ An cũng giành một diện tích khá lớn từ 2.000 đến 5.000 ha đất lúa kém hiệu quả, nhiều rủi ro để sẵn sàng chuyển đổi sang cây trồng khác, mà ngô là lựa chọn chính. Vì thế, chủ trương chuyển đổi đất lúa sang ngô chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

 Vấn đề ở chỗ, muốn chuyển lúa sang ngô hay cây gì thì hiệu quả phải là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Không hiệu quả thì dân không đời nào chấp nhận đâu. Muốn chuyển đổi được, tôi nghĩ Chính phủ cần có chính sách riêng cho việc chuyển đổi này, càng sớm càng tốt.

Chính sách cần tập trung hàng đầu cho hạ tầng của vùng chuyển đổi, đặc biệt là khâu thu hoạch, sơ chế, sấy và tiêu thụ sản phẩm. Bởi ngô miền Bắc thu hoạch vào mùa mưa, ẩm, rất dễ mốc khiến chất lượng ngô nội không thể cạnh tranh được với ngô NK. 

Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam: Phải có DN và công nghệ sau thu hoạch

Năm 2012, nước ta vẫn phải NK hơn 50% nhu cầu nguyên liệu ngô cho SX TĂCN, tương đương 1,6 triệu tấn. Đến năm 2020, với nhu cầu TĂCN của nước ta khoảng 26 triệu tấn, nghĩa là cần tới hơn 8 triệu tấn ngô.

Vì thế, việc chuyển đổi đất lúa sang ngô nhằm tăng diện tích ngô đảm bảo nguyên liệu TĂCN trong nước phải xem là chiến lược dài hơi chứ không phải là chuyện đối phó trước mắt.

Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, tôi cho là hoàn toàn có thể thực hiện được, vấn đề là cách chúng ta thực hiện ra sao mà thôi. Nói ngay như năng suất, để cạnh tranh được ngô NK khi chúng ta tăng diện tích, thì năng suất ngô của ta phải là 7-8 tấn/ha, chứ không thể 3-4 tấn/ha như bây giờ.

Nhược điểm của ngô Việt Nam đó là phôi của hạt ngô quá lớn, dễ gây thối mốc. Nhiệm vụ tăng năng suất, cải thiện tính ưu việt về giống các nhà khoa học về giống ngô phải gánh trên vai để làm dài hạn, căn cơ.

Công nghệ sau thu hoạch chúng ta đang rất yếu. Cùng với việc đưa DN vào cuộc, bàn bạc phương án và ký HĐ với các đơn vị như HTX, tổ hợp tác để tổ chức SX ngô với quy mô lớn nhằm tiện bề cho SX và thu mua, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi vốn đặc biệt cho các DN tư nhân mua máy sấy và tổ chức vùng SX. 

Ông Trần Đình Toàn – PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình: Chủ trương, chỉ đạo phải rõ ràng

Chủ trương chuyển đổi đất lúa, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT cần phải có chỉ thị sớm bằng văn bản để địa phương có “cái gậy” mà ra chính sách chuyển đổi, hỗ trợ chuyển đổi ngay trong năm 2013.

Văn bản chỉ đạo cần rõ ràng về câu chữ để địa phương nắm được tinh thần là chuyển đất lúa, đất lúa kém hiệu quả, đất 2 lúa kém hiệu quả, hay đất một lúa kém hiệu quả... Đôi khi vì câu chữ chỉ đạo không rõ ràng khiến địa phương rất lúng túng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.