| Hotline: 0983.970.780

Hiện thực giấc mơ cây ăn quả liên vùng

Thứ Sáu 10/04/2020 , 10:12 (GMT+7)

Bình Định hiện còn khoảng 5.000ha ruộng chân cao sạ cưỡng nằm tiếp giáp với các vùng đất gò đồi đang trồng cây ăn quả, có thể phát triển thành liên vùng cây ăn quả.

Bưởi da xanh trồng ở huyện Hoài Ân (Bình Định) có chất lượng ngon hơn cả bưởi trồng ở các tỉnh miền Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Bưởi da xanh trồng ở huyện Hoài Ân (Bình Định) có chất lượng ngon hơn cả bưởi trồng ở các tỉnh miền Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Tạo thành liên vùng cây ăn quả, tại sao không?

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này hiện đang có khoảng 10.000ha diện tích đang canh tác lúa 3 vụ/năm cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm để làm giảm áp lực nước tưới, trong bối cảnh trên địa bàn thường xuyên xảy ra hạn hán do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Kế hoạch đến năm 2022 Bình Định sẽ chuyển hết 5.000ha trong số diện tích nói trên từ 3 vụ lúa/năm sang còn làm 2 vụ lúa/năm; 5.000ha còn lại thuộc đất chân cao sạ cưỡng sẽ được nghiên cứu, tính toán trồng các loại cây trồng phù hợp.

Tuy nhiên, loại cây trồng nào để đưa vào trồng trên những diện tích ruộng chân cao sạ cưỡng trong công cuộc chuyển đổi cần lời giải tối ưu.

Trong câu chuyện bàn về giải pháp né hạn bền vững của khu vực Nam Trung bộ với TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, TS Cường kiên quyết với quan điểm không gì khác hơn là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có nhắc đến những diện tích đất chân cao.

“Những chân đất cao thường nằm liền kề với những vùng đất gò đồi, loại đất rất phù hợp với các loại cây ăn quả. Đặc thù của vùng đất Nam Trung bộ là ở miền Nam trồng được loại cây gì là đất Nam Trung bộ trồng được cây ấy, Bình Định không ngoại lệ.

Như vậy, đối với những diện tích ruộng chân cao sạ cưỡng, có thể hình thành những vùng cây ăn quả. Cùng với những diện tích đã được trồng trước đó, Bình Định có điều kiện hình thành vùng cây ăn quả liên vùng, tập trung theo hướng hàng hóa, tiến tới xây dựng chuỗi.

Đặc biệt, mùa vụ cây ăn quả ở Nam Trung bộ trái với vụ thu hoạch cây ăn quả ở Nam bộ nên đầu ra rất thênh thang, giá cả không bị cạnh tranh”, TS Hồ Huy Cường gợi mở.

Thực tế trong thời gian qua Bình Định đã phát triển mạnh cây ăn quả. Từ năm 2014 đến nay, diện tích cây ăn quả của Bình Định liên tục tăng.

Đến năm 2018, diện tích cây ăn quả ở tỉnh này đã đạt 5.228,9ha, tăng 208ha so với năm 2014, gồm một số cây ăn quả chủ lực như: Xoài hơn 1.321ha, trong đó có 1.257,4ha đã cho thu hoạch; 232,7ha bưởi, trong đó có gần 127ha đã cho thu hoạch.

Đến năm 2019, riêng tại 3 huyện phía bắc Bình Định là Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão có tổng diện tích trồng cây ăn quả gần 2.500ha; trong đó, huyện Hoài Ân có 1.423ha, huyện Hoài Nhơn 637,7ha, huyện An Lão 352ha. Những diện tích vườn tạp với các loại cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế đã được thay thế bằng các loại cây ăn quả mà sản phẩm đang được ăn mạnh trên thị trường.

Điều đáng ghi nhận là việc chuyển đổi cây trồng trong lĩnh vực này của nông dân Bình Định đã có định hướng, chỉ tập trung những loại cây có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, cam, quýt, bơ. Ở huyện Phù Cát trong những năm qua cũng phát triển mạnh cây xoài cát Hòa Lộc.

Xoài cát Hòa Lộc được trồng ở huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm qua cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Lê Khánh.

Xoài cát Hòa Lộc được trồng ở huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm qua cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Lê Khánh.

“Mùa mưa ở Bình Định trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm là miền Đông Nam bộ và miền Bắc.

Bởi đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Bình Định trái vụ tự nhiên với các vùng trồng cây ăn quả trên cả nước.

Do đó, khi nông dân Bình Định thu quả thì các vùng trồng cây ăn quả khác đã cạn mùa, tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.

Ba huyện phía bắc Bình Định là Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng hiện diện tích sản xuất cây ăn quả ở 3 huyện này còn manh mún, nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Nếu những diện tích đất chân cao ở Bình Định được chuyển sang trồng cây ăn quả thì tỉnh này có cơ hội hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín, đến khi ấy có thể thuyết phục khách hàng về sự ổn định của chất lượng và nguồn cung”, TS Hồ Huy Cường nhận định.

Cơ hội có 1 không 2

Điểm sáng về cây ăn quả của Bình Định hiện nay là bưởi da xanh, tập trung tại 3 huyện phía bắc tỉnh, hiện ở huyện Hoài Ân đã trồng được 250ha, huyện Hoài Nhơn 30ha và huyện An Lão định hướng sẽ phát triển đến 40ha.

Không biết có phải do tác động của điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu hay không mà bưởi da xanh ở Bình Định được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn cả bưởi da xanh được trồng ở các tỉnh miền Nam, do đó được tiêu thụ rất mạnh.

Những năm gần đây, giá bưởi da xanh ở Bình Định luôn ổn định. Đơn cử gần nhất là trong năm 2019, bưởi da xanh ở Hoài Ân luôn ổn định với giá 30.000đ/kg, nếu đưa vào đến TP.HCM thì giá của nó được tăng gấp đôi, 60.000đ/kg. Do đó diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn Bình Định không ngừng “nở” ra.

Người trồng bưởi ở huyện Hoài Ân (Bình Định) rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn cây giống, mua giống từ Viện Cây ăn quả miền Nam họ mới yên tâm. Ảnh: LK.

Người trồng bưởi ở huyện Hoài Ân (Bình Định) rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn cây giống, mua giống từ Viện Cây ăn quả miền Nam họ mới yên tâm. Ảnh: LK.

Trước xu thế phong trào trồng bưởi da xanh trên địa bàn ngày càng tăng, diện tích cho thu hoạch cũng ngày càng nhiều, người trồng bưởi ở Bình Định đang có tâm lý lo lắng thị trường tiêu thụ sẽ lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá”.

Tiên liệu trước tình huống này, chính quyền huyện Hoài Ân, địa phương hiện có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất Bình Định với 250ha, đã chuẩn bị đối phó bằng cách xây dựng nhiều mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, để sau đó nhân rộng toàn diện tích.

“Hiện bưởi da xanh ở Hoài Ân đã có thương hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc cũng có rồi. Nhờ đó, mới đây có một doanh nghiệp chuyên thu mua chế biến các sản phẩm từ bưởi ở tỉnh Bến Tre liên lạc với chúng tôi đặt vấn đề liên kết sản xuất và thu mua.

Hai bên đã có hẹn làm việc, nhưng do dịch Covid – 19 nên doanh nghiệp chưa về làm việc cụ thể với địa phương được”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, vui mừng cho biết.

Theo ông Khúc, đơn vị muốn liên kết với Hoài Ân về chuỗi sản xuất, tiêu thụ bưởi là Cty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, chuyên cung ứng nông sản sạch – VietGAP cho thị trường trong nước và cả nước ngoài, mặt hàng chủ đạo là bưởi.

Cty này cam kết sau khi thiết lập được chuỗi liên kết với Hoài Ân sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Không chỉ thu mua những quả bưởi đẹp, cả những quả bưởi nứt, thẹo và bưởi non Cty đều thu mua tất.

“Thông thường một nhánh bưởi ra đến 5 - 6 quả, đợi quả bưởi thành hình, mỗi nhánh nông dân chỉ chọn để lại 2 quả đẹp nhất, những quả còn lại ngắt bỏ đi để cây dồn sức nuôi những quả còn lại. Những quả bưởi non này và những quả bưởi nứt vỏ mà cũng bán được tiền thì thu nhập của người trồng bưởi sẽ được tăng đáng kể”, ông Khúc chia sẻ.

Cty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi còn đặt vấn đề muốn xin tỉnh Bình Định 1ha đất để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ bưởi. Trước thông tin này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ vui mừng vì được như thế thì quả bưởi Bình Định không còn lo về đầu ra. Ông Châu cam kết sau khi doanh nghiệp có đề án, chính quyền Bình Định sẵn sàng chấp thuận yêu cầu của đối tác. Bởi, đây chính là điều kiện để cây ăn quả ở Bình Định phát triển theo hướng bền vững.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm