Hình thành các vùng chuyên canh gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, trong đó hình thành mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững.
Suốt 20 năm qua, Chương trình bình ổn thị trường đã minh chứng và thể hiện rõ giá trị cốt lõi, bền vững xuyên suốt qua từng bối cảnh, từng giai đoạn, đó chính là “Phát triển bền vững - An sinh xã hội”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công của Chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải được tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả chương trình trong thời gian tới như: Chưa hình thành được nhiều các vùng chuyên canh gắn kết với quá trình tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành địa phương; Việc bắt kịp, đón đầu các xu hướng phát triển cũng như ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường cũng như trong hoạt động của từng doanh nghiệp tham gia Chương trình vẫn còn chậm; Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuy được triển khai tích cực nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vào một số thời điểm còn chưa kịp thời.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương và các đơn vị của TP.HCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm. Đồng thời, tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng Thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Ứng dụng thương mại điện tử vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, Chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hóa nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014… Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
Đặc biệt, Chương trình tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường, phát triển sản xuất và tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành.
Trong ngắn hạn, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đề nghị UBND Thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhất là tại một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp, Sở Công Thương cần phối hợp với các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tăng cường hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, thông qua việc phối phợp tổ chức phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối hàng hóa vào chợ truyền thống,... gắn kết các hoạt động của chương trình bình ổn với các chương trình Tuần hàng Việt, Tháng hàng Việt của địa phương...
Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp;
Trong dài hạn, bà Thắng đề nghị tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, đẩy nhanh việc cung ứng và nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, thành phố bắt đầu triển khai Chương trình bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng với mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường Thành phố, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết Nguyên đán.