Hồ Anh Thái: Đời biết mấy chuyến xe [Kỳ 4]

Hồ Anh Thái - Thứ Năm, 27/10/2022 , 06:40 (GMT+7)

Câu chuyện được trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn. Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

“Những đứa con rải rác trên đường” là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, hợp thành bởi ba truyện dài. Phần truyện trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn, sau chiến tranh anh đi qua thời ngăn sông cấm chợ, rồi đến thời đổi mới, thời kinh tế thị trường… Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Xong, anh ta thông báo quyết định điều cô đơn ca lên giúp việc cho đoàn phó. Cậu cần vụ đi phép ra Bắc nửa tháng, lãnh đạo thiếu cần vụ, cô đơn ca sẽ tạm giúp, công việc cũng nhẹ nhàng thôi. Không nói ra nhưng trong đầu cả đoàn đều nghĩ, cô múa đâu sao không kiêm cần vụ.

Cô ta kè kè trên giường đoàn phó như thế thì làm cần vụ luôn cho tiện. Trong đầu cả đoàn lại cũng nghĩ, hay là đoàn phó đã no xôi chán chè, đoàn phó thải cô múa ra, lấy cô đơn ca vào thay thế. Trong đầu cũng nghĩ, hay là đoàn phó bắt đầu đổ đốn ra, anh ta chén cả hai cô, cùng một lúc.

Bài liên quan

Chỉ một ngày sau là rõ ngay. Cô đơn ca phải châm bếp thổi lửa, nấu cơm nấu canh, cơm bưng nước rót, lo từ nồi nước lá tắm cho đến cái tăm xỉa răng. Cô múa thấy thế cũng chướng. Cô bảo với đoàn phó để em làm cùng với chị ấy. Nhưng đoàn phó không cho. Bây giờ mới lộ ra cái hận của đoàn phó. Anh ta hận vì cả đoàn chị em đều vâng dạ thưa gửi với chỉ huy, chỉ một mình cô đơn ca không coi anh ta ra cái gì. Hình như anh ta vẫn nhớ cái dép ném choáng đầu thời còn ở trường học sinh miền Nam. Anh ta ghi nhận cái tội cô đơn ca lại mới cầm tay anh xe đi bát phố.

Ông bảo vệ đã kịp thời mách lại. Gái già hai mươi chín tuổi như cô ta còn vồ được thằng giai non hai mươi đẹp giai ngời ngời hơn văn công. Cái ghen tuông đố kỵ làm anh ta mờ mắt anh ta mù quáng. Anh ta không biết hoặc không nhớ những giai thoại những chiến tích của cô văn công. Có biết có nhớ thì anh ta cũng coi như rác. Đấy là thái độ của người tự nghĩ mình đang ở trên đỉnh cao quyền lực.

Cô đơn ca vẫn hằng ngày dự đủ các giờ học chính trị, vẫn sáng chiều tập hát để tối biểu diễn, ngoài ra kiêm việc cần vụ cho đoàn phó. Không chỉ mua bán thực phẩm nấu ăn, trà nước, cô còn phải giặt giũ. Quần áo của đoàn phó và quần áo của cô múa. Quần đùi xu chiêng xi líp giặt hết. Toàn những thứ xa xỉ phẩm đồ xài của vùng mới giải phóng, chứ không phải là quần con vải màn của miền Bắc thắt lưng buộc bụng cho tiền tuyến. Thì giải phóng rồi cô nào chẳng dùng đồ lót tư bản. Nhưng cô nào dùng cô ấy tự giặt chứ không phải đứa ăn dưa đứa đổ vỏ.

Anh xe biết chuyện giặt giũ. Anh hiểu tai họa đến nơi rồi. Anh lẳng lặng đến phòng đoàn phó, xin nói chuyện riêng. Anh kể chuyện thành tích của cô đơn ca, người ta đã lấy tên cô đặt cho cả một tiểu đội cảm tử. Anh kể chuyện tính cô nóng nảy, đạn chiu chíu bên tai cô đã coi như muỗi. Cô còn giật phắt khẩu AK xả liền một băng sang hàng rào bên địch.

Anh xe kể lại toàn bộ thành tích của cô đơn ca chỉ nhằm mục đích để đoàn phó hãm ngay cái phanh cái thắng. Hãm lại. Bỏ ngay cái việc cần vụ giặt xu chiêng xi líp cho tình nhân đoàn phó đi. Nhưng đoàn phó hất hàm hỏi lại, cậu nói chuyện ấy là có ý gì. Nó xui cậu lên đây đe dọa tôi phải không. Nó quên rằng nó miền đù thì tôi đây cũng miền đù. Bên ấy tám lạng bên này nửa ký. Nếu nó xui mà cậu lên tức là cậu không có cái đầu biết nghĩ, đã không có đầu mà cầm tay lái thì có ngày cho cả đoàn xuống ruộng. Không có đầu thì cậu lên đây làm cần vụ cùng với nó, có cặp có đôi.

Anh xe thất thểu bỏ ra phố. Tối nay đoàn không diễn, anh em được tự do ở nhà. Anh đi ngang quảng trường. Không diễn nên cũng không dựng sạp làm sân khấu, không loa đài cờ đèn kèn trống. Lại nhớ cái hôm đi loanh quanh các đường phố tìm chỗ ném quả lựu đạn. Lại băn khoăn quả lựu đạn xịt ấy bây giờ nằm dưới lòng sông, nhỡ có ngày nó nổ.

Giá mà ai đó biết bơi, lặn xuống tìm đúng chỗ ấy, may ra. Anh xe bơi không giỏi. Anh mà ra ngụp lặn ở chỗ ấy không khéo sẽ gây nghi ngờ. Đang miên man nghĩ ngợi thì nghe một tiếng bục. Như một quả pháo đùng nhưng nổ ở rất xa. Bục. Vùng mới giải phóng, thỉnh thoảng một phát đạn bắn tỉa, một quả lựu đạn của bọn tàn quân, nghe xa cũng bục một cái như thế. Lơ là không để ý là mất cảnh giác, có khi thiệt thân.

Anh xe vội vàng quay về. Tiếng bục phát ra từ phía khu tập thể của đoàn. Anh định chạy về phòng mình thì thấy ở bên kia sân, phía phòng đoàn phó mọi người chạy qua chạy lại. Huỳnh huỵch nhốn nháo xôn xao ồn ào. Nhanh lên, đánh xe đưa đi bệnh viện cấp cứu. Một người thét vào mặt anh. Anh chạy về phòng mình lấy chìa khóa xe. Cô đơn ca đang ngồi trong phòng anh, mặt phẳng lặng, giọng bình thản, có chuyện gì à. Ừ, đoàn phó bị rồi. Anh luống cuống tìm cái chìa khóa xe trong ngăn kéo vừa lúc xe cấp cứu bệnh viện lao vào trong sân, đèn đỏ chớp nháy, còi tí te tí tò. Hai cái băng ca khiêng vội lên xe. Đám người rầm rập chạy theo cái xe cấp cứu ra tận cổng.

Nhiều ngày sau, dân thị xã vẫn còn đồn đại về vụ lựu đạn nổ trong phòng đoàn phó. Đoàn phó và cô múa đang ngồi ăn cơm thì một quả lựu đạn từ vườn sau ném qua cửa sổ vào phòng. Quân pháp đến điều tra, không phát hiện ra dấu chân dấu tay nào. Quân khí lúc ấy mới thông báo tiếp là bị mất hai quả lựu đạn chứ không phải một, hôm trước họ kiểm kê đếm nhầm. Hai. Không phải một.

Hình như vụ ấy quân pháp rốt cuộc phải kết luận rằng có bàn tay phá hoại của tàn quân địch đang lén lút chống phá chế độ mới.

Đoàn phó và cô múa bị nặng. Họ đi quân y viện chữa trị mãi rồi xuất viện là cũng đi luôn, đi đâu đó, không bao giờ quay về đoàn nữa. Quân pháp điều tra xong, lãnh đạo đoàn và ông bảo vệ vào mở căn phòng đã gỡ bỏ niêm phong, bàn giao phòng cho người khác.

Bất chợt nhớ lời đoàn phó trong một bài giảng, hãy cảnh giác với chính mình. Trong chiến tranh ta là đồng đội sống chết có nhau, nhưng hòa bình rồi, không khéo tình đồng đội đồng chí phai nhạt, để cho quyền lực làm tha hóa, xa cách giữa chỉ huy với chiến sĩ, làm xuất hiện tính lộng quyền hống hách kiêu ngạo, không nhớ rằng mình cũng từ nhân dân mà ra, từ chiến sĩ mà ra.

Họ mở căn phòng hoang lạnh và thoang thoáng tử khí. Trong ngăn kéo cái bàn làm việc của đoàn phó, người ta thấy một gói giấy báo lốm đốm vết mỡ. Bên trong là hai con chim sẻ rán quắt queo. Không phải là hai con chim sẻ bị bắt vì bay lạc vào phòng trong lúc đoàn phó đang giảng chính trị. Hai con ấy chính mắt anh xe đã thấy đoàn phó cắt tiết, nhỏ tiết vào chai rượu trắng để uống, rượu tiết sẻ là sung lắm, anh ta nói và nhai con sẻ rán rau ráu lúc anh xe vào báo cáo tình hình xăng xe trong tháng. Hai con sẻ này chắc đoàn phó mua đâu đó ở quán nhậu ngoài đường. Anh ta thích món chim rán. Hai con chim sẻ rán này bị bỏ quên trong ngăn kéo quá lâu, giờ đã khô quắt.

***

Anh xe không lái cho đoàn văn công quá lâu. Được vài năm. Xong rồi anh xin chuyển ngành, ra dân sự, lái cho một công ty vận tải. Thời bao cấp thiếu đói, ngành vận tải và ngành thương nghiệp lên ngôi. Di chuyển trên đất nước mình thôi mà sao khó khăn quá.

Thiếu xe, thiếu xăng. Trèo được lên một chiếc xe để đi thăm cha thăm mẹ về quê về quán là như được một đặc ân một may mắn lớn. Mấy cô mậu dịch viên bán hàng tem phiếu cho dân mà như dứt thịt của mình ra, như bị ăn cướp. Hạch sách quát tháo, mặt mũi vênh váo, chê tiền rách, chê tem phiếu quăn queo mờ chữ. Đang bán muốn vào ngồi tán chuyện với đồng nghiệp bên trong thì treo biển hết hàng, mặc kệ con nhà người ta hôm nay về tay không có thể chết đói.

Văn công với lái xe hay lấy nhau. Bây giờ sang cái thời cô mậu dịch viên thương nghiệp với lái xe hay lấy nhau. Nhất cử lưỡng tiện. Anh có xe, ả có hàng. Chở hàng đến cho nhau, bớt lại con cá miếng thịt cho nhau, nhờ anh đánh xe đưa người nhà đi huyện này tỉnh nọ. Quan hệ canh ti móc ngoặc kết nối tương trợ. Quan hệ ấy không phát triển lên thành giường chiếu có mà lạ.

Anh xe không lái xe khách mà xe tải. Xe tải cũng tận dụng chở ít khách trên đường, kiếm thêm. Khi chở gạo chở thực phẩm. Khi chở nguyên vật liệu xây dựng gạch ngói xi măng sắt thép. Chở cái gì bớt xén được cái ấy, thành ra đời sống cá nhân cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Cũng có một vài cô mậu dịch lúng liếng đong đưa với anh, anh cũng ngủ với vài cô, nhưng lấy vợ thì hãy phanh vội. Anh còn muốn sống đời vi vu đây đó. (Còn tiếp)

Hồ Anh Thái
Tin khác
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.