| Hotline: 0983.970.780

Căng mình phòng chống cháy rừng giữa mùa khô

Thứ Hai 01/04/2024 , 05:00 (GMT+7)

Hiện đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, làm nhiều cánh rừng ở An Giang phải nâng báo động cháy rừng lên cấp 5, mức có nguy cơ cháy rất cao.

Khu vực rừng ở Bảy Núi (An Giang) nắng nóng lên đến 35-38 độ C, ngành chức năng dự báo cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khu vực rừng ở Bảy Núi (An Giang) nắng nóng lên đến 35-38 độ C, ngành chức năng dự báo cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tập trung cao độ bảo vệ rừng trong mùa khô

Thời điểm cuối tháng 3, buổi trưa mặt trời đứng đỉnh đầu nhiệt độ nắng nóng ở vùng Bảy Núi (An Giang) lên đến 35-38 độ C, ngành chức năng dự báo cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Những ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng kiểm lâm thì thiệt hại là rất lớn. Chính vì thế, công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng ngay lúc này được Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang quan tâm thực hiện tốt.

Chúng tôi từ Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, cùng lực lượng kiểm lâm nơi đây men theo con đường lộ nông thôn dài khoảng 15km thì tới núi Phú Cường. Ngọn núi này, có diện tích rộng hơn 17,7ha (thuộc ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên). Tại đây, lực lượng Trạm quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên, Châu Đốc đang thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng.

Cầm bộ đàm trên tay, ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên, Châu Đốc (Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang) hô to: “Các anh em cơ động vào vị trí tuần tra”.

Những ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng kiểm lâm thì thiệt hại là rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng kiểm lâm thì thiệt hại là rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau hiệu lệnh, nhóm cơ động có hơn 10 người trên tay, trên lưng đều được trang bị các dụng cụ để phòng chống cháy rừng để thực hiện công tác tuần tra băng rừng. Sau đó, phân tán lực lượng ra để đi làm nhiệm vụ xịt nước, phát quang, dọn thực bì khô tạo đường băng cản lửa nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh cháy lan.

Tại những cánh rừng thuộc khu vực núi Phú Cường, núi Cấm, núi Ông Két, núi Dài… nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá đã khô chuyển sang màu vàng đậm. Cỏ dưới tán rừng cũng đã chết khô làm cho lớp thực bì càng dày thêm, chỉ một đốm lửa nhỏ là sẽ bốc cháy và cháy lan rất nhanh. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền của lực lượng chức năng, cùng với ý thức cao của người dân trong công tác phòng chống cháy rừng, đến thời điểm này, tại khu vực này vẫn chưa xảy ra đám cháy nào.

Ông Lê Văn Huấn, ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, đã hơn 10 năm tình nguyện tham gia lực lượng phòng chống cháy rừng tại chỗ của địa phương chia sẻ: “Năm nay, nắng hạn cũng kéo dài, trời ngừng mưa sớm, thời tiết gay gắt cho nên rừng ở trên núi, thực bì và lá rừng nó khô rất nhanh. Để phòng chống cháy, tôi cùng anh em bên Ban quản lý rừng, kiểm lâm, hoặc địa bàn của xã An Nông như xã đội, công an…thường xuyên đi tuần tra để nhắc nhở bà con phòng chống cháy, thường xuyên để ý quan tâm canh "bà hỏa". Thứ hai là không cho người dân vào rừng lấy củi hay bắt ong vào mùa này, đồng thời còn nắm tình hình có cháy thì bà con trong xóm cho hay hô hoán để cùng nhau dập lửa ngay tại chỗ”.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra lớp thực bì trong rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra lớp thực bì trong rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng Trạm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc (Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang), đơn vị đang quản lý khoảng hơn 220ha rừng. Hiện nay đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy là rất cao, với quyết tâm không để xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn, đơn vị đã phân công nhiệm vụ từng bộ phận phụ trách từng vị trí, địa bàn cụ thể đối với từng viên chức, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng. Đặc biệt, các đội còn xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, trực gác hàng ngày các khu vực được phân công, nhất là khu vực trọng yếu.

“Chúng tôi túc trực canh 24/24 giờ tại núi Phú Cường, theo cách ban ngày canh khói, đêm tối canh lửa. Việc tuần tra, quan sát xung quanh khu vực ven núi sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng phát hiện tình huống, sự cố, kịp thời báo cáo về lãnh đạo ban để xử lý. Đây là nhiệm thường xuyên, liên tục, được chúng tôi thực hiện nghiêm túc kể từ đầu mùa khô đến nay”, ông Tươi nói.

Cũng theo ông Tươi, ngoài công tác tuần tra, nhóm cơ động của trạm còn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khoảng nhiều hộ dân đồng bào dân tộc làm nông nghiệp ở khu vực ven núi. 

Tại những cánh rừng thuộc khu vực núi Phú Cường, núi Cấm, núi Ông Két, núi Dài… nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá đã khô chuyển sang màu vàng đậm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại những cánh rừng thuộc khu vực núi Phú Cường, núi Cấm, núi Ông Két, núi Dài… nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá đã khô chuyển sang màu vàng đậm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện toàn đơn vị được trang bị 4 máy thổi gió, 4 máy đeo vai phun nước, 1 xe gắn máy chữa cháy cơ động và 1 máy bơm đường dây tiếp nước dài hơn 250m, để kịp thời xử lý tình huống khi cháy rừng. 

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, tại khu vực núi Phú Cường chưa xảy ra vụ cháy nào. Thời gian tới, trạm sẽ tăng cường trực canh, xác định bảo vệ, phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ rất quan trọng. Người dân không nên vào rừng để bắt ong, trong thời điểm này vì cây cối ở núi Phú Cường đang khô hạn rất dễ xảy ra cháy nếu bất cẩn.

100% lực lượng kiểm lâm ứng trực 24/24

Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, TP Châu Đốc, với diện tích gần 14.000 ha. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là 1.832 ha (đất có rừng 1.269 ha và đất chưa có rừng 562 ha).

Việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang khói, đốt giấy vàng mã… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Ngành chức năng đã đặt bảng cảnh báo cấm sử dụng lửa trong rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang khói, đốt giấy vàng mã… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Ngành chức năng đã đặt bảng cảnh báo cấm sử dụng lửa trong rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Rừng và đất rừng phòng hộ là 12.000 ha (đất có rừng 9.346 ha và đất chưa có rừng 2.099 ha). Diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được trồng từ năm 1991 đến nay, được phân bố theo hai khu vực đồi núi và khu vực rừng tràm (đồng bằng).

Tại khu vực đồi núi, đa số là diện tích rừng trồng xen cây ăn trái, được giao khoán cho các hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đối với diện tích rừng này, thảm thực bì chủ yếu là cây bụi, thảm cỏ, lá khô. Đặc biệt núi Phú Cường và các núi khác thuộc huyện Tri Tôn, Châu Đốc và Thoại Sơn lá cây rừng tự nhiên như: cây le, cây tầm vông, tràm, sao, dầu… rụng nhiều vào mùa khô tạo thành lớp vật liệu cháy dày đặc dưới tán rừng nên khả năng xảy ra cháy rừng là rất cao.

Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với kiểm lâm, các địa phương và đặc biệt trong Ban quản lý rừng phải ứng trực 24/24. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với kiểm lâm, các địa phương và đặc biệt trong Ban quản lý rừng phải ứng trực 24/24. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại khu vực rừng tràm hiện có diện tích lên tới 1.000 ha. Trong đó, rừng tràm Trà Sư là 845 ha (là khu rừng trồng và tái sinh, thực bì chủ yếu là thảm cỏ và lớp lá rụng dưới tán rừng dày đặc). Rừng tràm Tân Tuyến có 256 ha, cây rừng thưa và cây tràm non mới trồng với diện tích là 49 ha tạo thực bì ở đây chủ yếu là cỏ nên khả năng xảy ra cháy rừng, cháy lớn rất cao.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Mặc dù ngành chức, các địa phương và người  dân đã làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, tuy nhiên do thiếu ý thức của một số người dân nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy nhỏ lẻ, nhưng với sự chủ động, nỗ lực ứng phó của lực lượng chức năng, nên kịp thời dập tắt các đám cháy, không để cháy lan làm ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương.

Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường, địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Các nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu gây ra cháy rừng khu vực này như phát dọn cỏ, cây bụi, đốt để làm nương rẫy gây cháy lan, đốt rơm rạ ngoài đồng đối với các diện tích ruộng tiếp giáp với rừng vào mùa khô gây cháy lan vào rừng.

Đặc biệt, với đặc thù của địa phương là có nhiều chùa chiền trên núi, các khu, điểm du lịch nằm xen lẫn trong các khu rừng. Việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang khói, đốt giấy vàng bạc… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. 

Người dân ở vùng Bảy Núi tự chủ xây bồn chứa nước trong mùa khô vừa phòng chống cháy rừng vừa có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân ở vùng Bảy Núi tự chủ xây bồn chứa nước trong mùa khô vừa phòng chống cháy rừng vừa có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến thời điểm này là dự báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với kiểm lâm, các địa phương và đặc biệt trong Ban quản lý rừng phải ứng trực 24/24, với 100% quân số để phòng chống cháy rừng và nếu có sự cố thì kịp thời tham gia chữa cháy. Tiếp tục công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vào rừng bắt ong, đồng thời tuyên truyền cho bà con sống trong rừng và ven rừng cảnh giác với củi lửa, nguy cơ gây ra các đám cháy rừng.

Với tình hình thời tiết hanh khô, nắng nóng như hiện nay, lực lượng chuyên ngành kiểm lâm quyết tâm không để xảy cháy rừng. Ngoài những kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng còn đòi hỏi ý thức cao từ mỗi người dân.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn

Tỉnh Lâm Đồng phát động ‘Tết trồng cây’ trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn, nhằm thực hiện đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.