Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắn nhủ các đại biểu dự Diễn đàn Hợp tác công - tư phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, rằng khi chúng ta yêu thiên nhiên, chúng ta có xu hướng chăm sóc thiên nhiên. Càng kết nối với thế giới tự nhiên thì chúng ta càng có nhu cầu bảo tồn nó cho thế hệ tương lai.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, việc phát triển giá trị đa dụng của rừng giống như khởi tạo một giá trị mới cho tương lai, cho những người còn chưa biết thế nào là rừng.
Thông qua những chia sẻ tại diễn đàn, vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhận thấy, cái khó nhất là trong xã hội hiện nay, nhiều người còn e dè với rừng, sợ bị côn trùng đốt, thú dữ tấn công. Vì vậy, để đa dạng giá trị từ rừng, ông cho rằng tự bản thân mỗi người cần làm cho bản thân "đa giá trị hơn".
"Mỗi người ngồi đây đều có một giá trị nhất định và có lẽ gặp nhau ở tình yêu với rừng. Chúng ta muốn rừng có nhiều giá trị hơn, nhưng trước hết là cần tìm cách để cộng đồng, xã hội quan tâm đến rừng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Một trong những trở ngại trong việc đưa người dân đến với rừng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra, là rừng ở "tương đối xa" so với đa số. Lấy ví dụ tại trung tâm Hà Nội, Vườn quốc gia gần nhất (Ba Vì) cũng mất hơn một tiếng chạy xe và không phải ai muốn cũng có đến ngay với rừng.
"Con người có một cái bẫy", Bộ trưởng chia sẻ, đó là khi quá yêu một cái gì đó thì chỉ nói về nó. Chẳng hạn, những ai yêu rừng thì chỉ thích nói về rừng, mà quên mất rằng để có thể dẫn dắt cộng đồng có cùng tình yêu ấy thì phải triển khai, thiết lập được một hệ sinh thái. Và rằng không phải ai tìm đến với rừng cũng bắt đầu từ tình yêu, có người thích khám phá, người lại mong muốn thử thách giới hạn bản thân.
Hiểu rõ như vậy nên người đứng đầu Bộ NN-PTNT kêu gọi mỗi người "chủ động hơn". Chính bằng những suy nghĩ, hành động thường ngày, mỗi tổ chức, cá nhân đều có khả năng dẫn dắt suy nghĩ, hành động của người khác hướng đến với rừng. Từ những hành động nhỏ, như không xả rác bừa bãi, trồng cây, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một giá trị riêng khi về với rừng.
Trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng càng trở nên cấp thiết. Ngoài tận dụng thế mạnh của nhau, hợp tác công tư giúp các bên liên quan thoát khỏi cảm giác "đi một mình".
Chẳng hạn việc thu hút người dân về với rừng. Bản thân người dân Việt Nam hiện ít quan tâm đến du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý gặp không ít rào cản về chính sách. Ban quản lý các khu rừng đặc dụng hạn chế về hoạt động quảng bá. Còn doanh nghiệp khai thác lúng túng trong việc đưa nguồn thu tương xứng với tiềm năng. Nếu mỗi bên tự giải quyết vấn đề một mình, khó khăn là điều không thể tránh.
"Điều quan trọng không phải nghĩ những điều đang làm là tốt nhất, mà phải đặt câu hỏi có cách nào làm tốt hơn không", Bộ trưởng bày tỏ và nói thêm, rằng nếu nghĩ việc không khó thì có thể làm được, còn nếu nghĩ là khó thì vĩnh viễn không bao giờ làm được.
Sáng kiến hộ chiếu Vườn quốc gia giống một chất keo, gắn trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên lại với nhau. Đặc biệt, khách tham quan ngoài việc khám phá những giá trị của rừng còn được "trải nghiệm" cảm giác "đua tranh", chia sẻ các câu chuyện cá nhân và lan tỏa nhanh chóng tới cộng đồng.
Trong giai đoạn đầu, hộ chiếu vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia. Khách du lịch có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc điện tử. Mỗi khi đến một vườn quốc gia mới, du khách có thể đóng dấu lên bản giấy, hoặc thực hiện check-in trên ứng dụng. Những cảm nhận, đánh giá cá nhân cũng được thực hiện trên hộ chiếu.
Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife) nhận xét, tỷ lệ người dân đến các vườn quốc gia còn tương đối thấp. Năm 2023, số lượng khách vào khoảng 3,1 triệu người (khoảng 3%) dân số, trong khi tại Hoa Kỳ, gần như 1 người sẽ đến thăm vườn quốc gia ít nhất 1 lần/năm.
Sáng kiến hộ chiếu Vườn quốc gia đã được nhiều nước thực hiện, với mục tiêu là tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, quảng bá văn hóa giáo dục, xúc tiến hoạt động du lịch, tạo nguồn thu bền vững cho các khu rừng đặc dụng.
Tại Việt Nam, hiện có một số vườn quốc gia thực hiện tốt hoạt động du lịch trải nghiệm, chẳng hạn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 700.000 lượt khách năm 2023, hay Vườn quốc gia Côn Đảo có hơn 500.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo thừa nhận, nhờ các hoạt động du lịch sinh thái đa dạng mà ban quản lý cũng như người dân Côn Đảo có thu nhập bền vững, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
"Sáng kiến hộ chiếu Vườn quốc gia chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều cảm hứng cho du khách khi đến Côn Đảo", ông Pho nhận xét, đồng thời cam kết sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sáng kiến này trong thời gian sớm nhất.
Tin tưởng vào thành công của sáng kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã gửi tài liệu về hộ chiếu vườn quốc gia tới các đại biểu Quốc hội, địa phương có rừng, cũng như doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ và lâm sản ngoài gỗ. "Họ rất hồ hởi", Bộ trưởng nói và phỏng đoán rằng, tấm hộ chiếu kia có vẻ đã “phá vỡ một rào cản nào đó", hoặc "xây một cây cầu tới thiên nhiên" trong suy nghĩ của số đông mọi người.
"Nhiều lần tôi nói với các đơn vị đừng làm gì một mình, bởi chẳng ai lủi thủi mà có thể thành công. Giữ rừng cũng như vậy. Chúng ta phải tìm cách để người dân giàu hơn, ít nhất là giàu bằng cảm xúc, bằng sự thoải mái khi về với rừng, chứ không phải ôm khư khư", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hộ chiếu vườn quốc gia chỉ là một trong những bước đi đầu tiên của Bộ NN-PTNT trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, được Thủ tướng phê duyệt ngày 29/2/2024.
Thông qua bước đi này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí từ các hệ sinh thái rừng sẽ tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050, theo đúng mục tiêu Đề án đặt ra.