| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Rừng có khỏe thì con người mới khỏe'

Thứ Năm 04/04/2024 , 19:04 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phát huy giá trị đa dụng của rừng là chăm sóc rừng, nuôi dưỡng rừng, rừng có khỏe thì con người mới khỏe.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng rừng để phát huy giá trị đa dụng từ rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng rừng để phát huy giá trị đa dụng từ rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Mở rộng tầm nhìn

Chiều 4/4, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả là cơ quan quản lý, chủ rừng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức đang có hoạt động khai thác giá trị của rừng.

Hội nghị diễn ra sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam" vào ngày 29/2 vừa qua. Về tổng quan, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, thiên nhiên tồn tại nhưng con người muốn tồn tại phải cần đến thiên nhiên. Do đó, phải nuôi dưỡng, chăm sóc cho rừng, khi rừng khỏe thì con người mới khỏe.

Lấy câu chuyện người Phần Lan bán muối trên rừng và tăng giá trị bằng cách đưa các thảo dược vào muối, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh về cách tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng: “Kết nối giữa rừng với biển”.

Trong khi đó, khi đến thăm đảo Cát Bà (Hải Phòng), Bộ trưởng nói đã suy nghĩ rất nhiều khi những du khách nước ngoài sau khi tham quan rừng trên đảo thì không có sản phẩm lưu niệm nào để mua về làm quà. Từ đó, ông cho rằng cần có thêm sự khéo léo, những tư duy mới để có những sản phẩm khai thác được giá trị ngoài lâm sản.

Mỗi khu rừng đều có tiềm năng, điều quan trọng là tư duy để khai thác hiệu quả và bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Mỗi khu rừng đều có tiềm năng, điều quan trọng là tư duy để khai thác hiệu quả và bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về góc độ đa dụng trong giá trị của hệ sinh thái rừng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói nếu cứ khu biệt giá trị vào lâm sản thì sẽ sớm cạn kiệt, câu chuyện sẽ giống như thủy sản dưới biển.

“Chúng ta phải lùi ra xa để nhìn vào rừng, gắn được cấu trúc giá trị từ nhiều góc độ. Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo ông, với những tiềm năng hiện nay, giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với 2 chữ “rừng vàng” và cái hồn của rừng có giá trị cao hơn nhiều cái cốt của rừng. Muốn làm được điều đó, cần thổi được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTTN Hà Công Tuấn chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTTN Hà Công Tuấn chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Tham dự chương trình, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định, đề án vừa được phê duyệt đã rất đầy đủ nội dung, nếu thực hiện tốt không chỉ nâng cao giá trị của rừng mà còn giúp ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

“Đề án đã đề cấp đến vấn đề kinh tế lâm nghiệp theo quan điểm mới, trong đó bao gồm cả dịch vụ từ rừng”, ông nói. Cụ thể hơn, nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng cần tập trung vào phát triển rừng gỗ lớn, truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ cho rừng.

Một trong những mục tiêu được đề án nêu ra và nguyên Thứ trưởng rất tâm đắc là phải làm sao để có thể nâng được kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản lên cón số 18 – 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Nhiều tiềm năng

Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nói việc phát huy giá trị của rừng đã được thực hiện từ lâu nhưng đơn lẻ và đề án ra đời sẽ giúp quá trình này được thực hiện tổng quát hơn.

Đồng quan điểm với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Phạm Hồng Lượng cho rằng, điểm mới của đề án là tích hợp được đa giá trị trong phát triển kinh tế rừng. “Khi phát triển rừng bền vững, nhiều giá trị thì sẽ có nguồn lực để tái đầu tư cho bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân”, ông Lượng chia sẻ.

Trong khi đó, ở góc độ nhà khoa học, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, TS Trần Lâm Đồng cho rằng, việc trồng rừng gỗ lớn ở Việt Nam cần có những giải pháp về kỹ thuật, chính sách và tín dụng. Cũng theo ông Đồng, Việt Nam là quốc gia có nhiều giống gỗ phù hợp với trồng rừng, ví dụ như keo, có thể đảm bảo cho nhiều địa phương với tính chất thời tiết, địa chất khác nhau.

Để có thể giúp người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn, một giải pháp hữu hiệu là phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng cây dược liệu ngắn ngày để đảm bảo thu nhập.

Du lịch sinh thái trong rừng là một giá trị tiềm năng. Ảnh: Tùng Đinh.

Du lịch sinh thái trong rừng là một giá trị tiềm năng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Hoàng Thế, nhà sáng lập Hệ sinh thái The Vos đã chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm linh chi trong rừng keo. Theo đó, từ năm thứ tư trở đi, nấm linh chi có thể đem lại thu nhập cao cho người trồng keo, yên tâm nuôi keo đến khi đạt kích thước lớn, khoảng 7 - 8 năm tuổi.

“Nấm linh chi có thể cho thu 3 lần mỗi năm với giá bán hiện nay vào khoảng 1 triệu đồng/kg. Nếu tính về hiệu quả kinh tế, mỗi m2 trồng nấm linh chi có thể cho thu nhập 10 triệu đồng mỗi năm”, đại diện The Vos khẳng định.

Bên cạnh lâm sản, việc phát huy các giá trị phi vật thể như văn hóa, tri thức bản địa trong du lịch cũng là một tiềm năng lớn trong hệ sinh thái rừng.

Các diễn giả chia sẻ góc nhìn về khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Các diễn giả chia sẻ góc nhìn về khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Greenforest cho biết, công ty đang tổ chức những tuyến trải nghiệm để tận hưởng không gian của rừng. Tuy nhiên, để tránh nhàm chán trên quãng đường hàng chục cây số, khách du lịch sẽ được tìm hiểu về những loại cây, thảo dược trên đường đi.

Tương tự như vậy, Vườn Quốc gia Hoàng Liên với đại diện là Phó Giám đốc Vũ Đức Quyền chia sẻ, vườn đang tổ chức nhiều hoạt động du lịch, phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa bên cạnh giá trị sẵn có từ rừng.

“Bảo vệ rừng phải dựa vào cộng đồng nên phát triển du lịch cộng đồng dựa vào người dân là tất yếu. Khi người dân có thu nhập ổn định thì rừng được bảo vệ tốt hơn”, ông Quyền phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số vướng mắc cần tháo gỡ trong phát triển du lịch cộng đồng, đó là tránh tự phát, manh mún và đặc biệt phải đầu tư trang bị thêm kỹ năng, kiến thứ cho người dân địa phương trong phục vụ khách du lịch.

Hệ sinh thái rừng có nhiều giá trị tiềm năng cần được khai thác hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ sinh thái rừng có nhiều giá trị tiềm năng cần được khai thác hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát triển giá trị đa dụng của rừng

Ngày 29/2 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam". Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm tạo việc làm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.

Về mục tiêu cụ thể, thứ nhất là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Đề án cũng đặt mục tiêu giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2 lần vào năm 2050; tỷ trọng xuất khẩu từ 10- 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Đến năm 2030, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng. Thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

Một mục tiêu nữa là thu từ du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10-15% so với năm 2020; xây dựng được Kế hoạch hành động bảo tồn loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam.

Một mục tiêu nữa của đề án là lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%; tỷ lệ được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050. Đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2050 tăng gấp 2 lần so với năm 2025.

Xem thêm
Thủ tướng: Việt Nam, Ba Lan tìm ra con đường tốt nhất để hợp tác

Chia sẻ về quan hệ Việt Nam - Ba Lan, Thủ tướng nói trong khó khăn, hai bên vẫn tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau, hợp tác và phát triển.

Sự cố vỡ đê làm ngập một nửa diện tích cồn Hô

Trà Vinh Do triều cường cao làm vỡ 17m bờ bao cồn Hô, huyện Càng Long, khiến 12ha vườn cây ăn trái của 11 hộ dân bị ngập, tương đương một nửa diện tích của cồn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Quảng Trị có 233 trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi

Theo thống kê của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tỉnh Quảng Trị, địa phương này có 233 trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp, tinh gọn bộ máy.