Lượng nước tích trong các hồ chứa rất thấp
Hiện, trên địa bàn Bình Định có 164 hồ chứa, với dung tích từ 50.000m3 trở lên; trong đó, Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi (KTCTTTL) Bình Định đang quản lý, vận hành 63 hồ chứa lớn và vừa với tổng dung tích hơn 643 triệu m3.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, đến nay, những hồ chứa do Công ty quản lý chỉ mới tích nước đạt khoảng 27 - 28% so dung tích thiết kế. So cùng kỳ năm 2023, lượng nước tích trong các hồ chứa thấp hơn từ 10-15%.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Định, hệ thống hồ chứa trên địa bàn đến nay mới chỉ tích được khoảng 27% so với dung tích thiết kế. So cùng kỳ năm trước, lượng nước tích được trong các hồ chứa thấp hơn rất nhiều. Những năm trước đây, tổng lượng mưa cả năm ở vùng phía nam Bình Định là 2.200mm. Thế nhưng hiện nay đã đầu tháng 11 rồi mà tổng lượng mưa cả năm mới chỉ đạt gần 1.000mm. Do lượng mưa ít nên các hồ chứa không có nước để tích.
Tại Ninh Thuận cũng không ngoại lệ. Theo ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, hiện Công ty đang quản lý, vận hành 23 hồ chứa nước lớn nhỏ, với dung tích thiết kế 417,7 triệu m3. Tính đến ngày 3/11, lượng nước tích trong các hồ chứa mới chỉ đạt hơn 222 triệu/417,7 triệu m3, tương đương trên 50% so với dung tích thiết kế.
Đáng nói là hồ chứa nước Sông Cái có dung tích thiết kế 219 triệu m3, đến thời điểm hiện tại (ngày 3/11) đã tích được 147,3 triệu m3, do vậy đã kéo bình quân dung tích trữ trong các hồ chứa của tỉnh đạt trên 50%. Thực tế hiện nay, trên địa bàn Ninh Thuận hiện có 16 hồ chứa mới chỉ đạt dưới 40% so với dung tích thiết kế.
Thậm chí có nhiều hồ vẫn đang ở mực nước chết, ví như hồ chứa Sông Trâu (huyện Thuận Bắc) có dung tích thiết kế trên 31 triệu m3, nhưng đến thời điểm này mới đạt khoảng 2,97 triệu m3, hoặc hồ chứa nước Sông Biêu (huyện Thuận Nam) có dung tích thiết kế 23,7 triệu m3, nhưng tại thời điểm này mới chỉ tích được trên 2,5 triệu m3...
“Trước thực trạng này, nếu từ nay đến cuối tháng 12 mà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không có mưa lớn, thì các hồ chứa sẽ thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, chăn nuôi trong năm 2025”, ông Lưu Anh Tuấn lo lắng.
Còn ở Khánh Hòa, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện Khánh Hòa có 29 hồ chứa nước thủy lợi. Ngoài ra, có 3 công trình hồ chứa đang trong thi công xây dựng là hồ chứa nước Sông Chò 1 (huyện Khánh Vĩnh), hồ Ka Tơ và Sơn Trung (huyện Khánh Sơn).
Theo ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty KTCTTL Khánh Hòa, tính đến thời điểm hiện tại, 19 hồ chứa do Công ty quản lý mới chỉ tích được 85,7 triệu/213,69 triệu m3, bằng khoảng 40% so với dung tích thiết kế. Có nhiều hồ mới chỉ tích nước đạt 19% so với dung tích thiết kế như hồ Am Chúa mới chỉ tích được 0,927 triệu m3/4,73 triệu m3; hoặc như hồ Suối Hành mới chỉ tích đạt 25,7% so với dung tích thiết kế, hiện hồ này mới tích được 2,44 triệu/9,49 triệu m3…
“Trong các đợt mưa lũ vừa qua, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý”, ông Nguyễn Duy Quang chia sẻ.
Kỳ vọng vào những đợt mưa mới
Thực trạng tích nước của các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ hiện nay khá “hẩm hiu” là vậy, nhưng ngành chức năng các địa phương trông chờ những đợt mưa mới từ giữa tháng 11 trở đi.
Ví như ở Bình Định, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này kỳ vọng: “Theo dự báo thời tiết, từ ngày 15/11, trên địa bàn Bình Định sẽ có mưa lớn. Khi ấy, các hồ chứa ở Bình Định sẽ tích cực tích nước”.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết thêm: “Hiện nay, tất cả cống của các hồ chứa đã được đóng để giữ nước. Trong thời gian tới đây, Công ty sẽ tích cực tích nước các hồ chứa khi có mưa lớn để bảo đảm nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi trong năm sau”.
“Lượng mưa trung bình ở khu vực phía nam Bình Định là 2.200mm/năm. Tính đến nay, khu vực này mới chỉ có tổng lượng mưa gần 1.000mm/năm, như vậy còn 1.200mm nữa mới bằng trung bình nhiều năm. Với 1.200mm còn thiếu, nếu trong 1 trận mà lượng mưa đạt 300mm thì chắc chắn sẽ xảy ra ngập lụt. Nhưng nếu không có mưa thì các hồ chứa sẽ không có nước để tích”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định lo lắng.