| Hotline: 0983.970.780

Các hồ chứa thủy lợi lớn có khả năng cắt lũ với trận mưa từ 400-600mm

Thứ Bảy 26/10/2024 , 15:29 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ thủy lợi, thủy điện lớn như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền... có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600mm trong 24h.

Lực lượng bộ đội xử lý tạm vị trí sạt lở bờ biển tại bãi tắm Phú Thuận. Ảnh: CĐ.

Lực lượng bộ đội xử lý tạm vị trí sạt lở bờ biển tại bãi tắm Phú Thuận. Ảnh: CĐ.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát đi cảnh báo mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trà Mi (bão số 6).

Theo đó, do ảnh hưởng của bão Trà Mi, từ đêm 26/10 đến ngày 29/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm, mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày 27-28/10.

Dự báo đợt mưa lớn trong thời gian ngắn này có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà... Đồng thời, nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và thành phố Huế.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đến chiều 26/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu xuất hiện nhiều cơn mưa nhỏ, với lượng mưa không đáng kể. Tuy nhiên, với dự báo diễn biến thời tiết trong vài ngày tới, hiện tại nỗi lo lớn nhất của người dân địa phương này là nguy cơ xảy ra ngập lụt do mưa lớn kéo dài.

Anh Nguyễn Văn Trung, một người dân thành phố Huế cho biết, nhà anh ở vùng trũng thấp của thành phố nên thường xuyên chịu cảnh ngập lụt vào mùa mưa. Cũng như nhiều người dân khác của thành phố, thời điểm này nỗi lo thường trực của anh là cảnh lụt lội.

"Ngay sau khi nhận thông tin về đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão Trà Mi, tôi đã tìm chỗ để gửi ô tô, đồng thời kê cao các vật dụng có giá trị trong nhà. Cùng với đó, tôi thường xuyên cập nhật thông tin mưa bão từ cơ quan chức năng để chủ động phòng tránh mưa lụt", anh Trung chia sẻ.

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có 56 hồ thuỷ lợi, trong đó có hồ chứa của 13 nhà máy thủy điện lớn và nhỏ. Trước mùa bão lũ năm nay, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan thực hiện kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai trong năm 2024.

Cũng theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua kiểm tra cho thấy, hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện có dung tích lớn như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền đang ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn.  "Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400 - 600mm trong vòng 24 giờ", báo cáo của đơn vị này cho biết.

Trước đó, để đảm bảo chủ động ứng phó với bão Trà Mi, từ chiều 25/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão; phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế; Chi cục Thuỷ sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão.

Tổ chức rà soát, kiểm đếm, bắn pháo hiệu thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu.

Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão trên sông, đầm phá, vũng vịnh; kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định về trang bị kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản; thực hiện tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão.

Riêng đối với tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra tại vị trí giáp ranh giữa xã Phú Thuận của huyện Phú Vang và phường Thuận An của thành phố Huế với chiều dài 1.000m, trong đó sạt lở nặng 300m; hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất 2.350m2 vải lọc, 700m3 đá hộc tại bãi dự trữ Hòa Duân và hồ Châu Sơn. Giao Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển tại vị trí nêu trên.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có 884 phương tiện với 10.685 lao động. Đến sáng nay (26/10) toàn bộ các phương tiện đã vào bờ neo đậu an toàn. Đối với số lượng tàu hàng hải đang neo đậu tại cảng Thuận An, Chân Mây gồm 20 phương tiện với 166 lao động và 1.999 tấn hàng đều đã được thông báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn hàng hải.

Xem thêm
Ông Vũ Đại Thắng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

JIRCAS hợp tác cùng Việt Nam thúc đẩy Đề án 1 triệu ha lúa

Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) cam kết hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất