Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.436 hồ, đập thủy lợi chứa thực hiện cấp nước phục vụ sản xuất. Trong đó số công trình được phân loại theo khoản 1, Điều 1 và Điều 3, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP gồm 403 công trình, gồm 374 công trình hồ chứa và 29 đập dâng đã được phân cấp cho 143 ban quản lý công trình thủy tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ.
Hiện nay đa số các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh là các công trình được đầu tư xây dựng từ lâu (trên 20 năm). Bởi vậy hồ sơ liên quan đến công trình phần lớn bị thất lạc nên rất khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc rà soát các thông số kỹ thuật để thực hiện phân loại và kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa đối với từng công trình đập, hồ chứa thuỷ lợi.
Huyện Yên Sơn là địa phương có nhiều công trình hồ đập thủy lợi xuống cấp bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Toàn huyện có 48 công trình hồ, đập, phai tạm cần được duy tu bảo dưỡng do được xây dựng lâu năm. Các hồ đập này là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 850 ha lúa vụ đông xuân và hơn 720 ha lúa vụ hè thu của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Việc các công trình bị xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác cũng như năng suất lúa của người dân địa phương.
Công trình đập dâng Đồng Tường, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn là nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho gần 18 ha ruộng 2 vụ lúa của xã. Đập dài 11,0m, đỉnh rộng 1,1m, cao 4,0m, chân đập 2 bên tường cánh phía hạ lưu bị thủng rộng 0,5-0,8m. Một số hạng mục của đập bị xuống cấp đang gây khó khăn cho việc quản lý vận hành trong tưới tiêu cũng như an toàn hồ đập.
Hiện nay, huyện Sơn Dương có 36 công trình hồ đập thủy lợi cần được nâng cấp, sửa chữa. Trong đó nhiều công trình có sức chứa lớn, đảm bảo tưới tiêu trên diện rộng như: Đập Đồng Bái, xã Chi Thiết, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 30 ha lúa. Đập dài 4,0 m, cao 1,5 m so với đáy suối; tường gia cố phía bờ phải đập bằng đất gia cố bằng tường xây gạch có chiều dài 76 m. Hiện tại tường xuất hiện 2 vết nứt gần cống tháo kiệt. Do công trình xây dựng năm 1992 đến nay xuống cấp cần đầu tư nâng cấp.
Công trình hồ chứa Ao Quan, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương đảm bảo tưới tiêu cho gần 30 ha ruộng 2 vụ. Công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1965. Đến năm 2013 được đầu tư lát đá xếp khan thượng lưu, đập đầu mối kết cấu bằng đất đắp, thân đập chính dài 49,5m, cao 6,2m, dung tích hồ 390 nghìn m3, mái thượng lưu bị tụt lớp đá xếp. Đập phụ dài khoảng 50m cao 5m, tràn xả lũ của đập hình thức chảy tự do, phần ngưỡng tràn và dốc tràn đã được gia cố, kết cấu bê tông cốt thép, đập bị rò rỉ nước. Cống lấy nước đầu mối phía vai phải đập, có van điều tiết ở hạ lưu, hiện vẫn hoạt động bình thường. Hồ chứa do lâu năm sử dụng hiện nay bùn đất lắng đọng đáy hồ dày. Công trình này cần sớm được khắc phục sửa chữa.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang cho biết, đảm bảo các hồ đập thủy lợi vận hành hiệu quả, Chi cục phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hồ chứa nước thuỷ lợi để kịp thời phát hiện các sự cố, nhất là đối với các hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn và các hành vi xâm hại đến công trình. Chi cục cũng theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn công trình, đồng thời tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất;
Để các công trình được bảo vệ an toàn, lâu dài, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các địa phương có công trình hồ, đập tiến hành phát dọn các tuyến đường quản lý vào hồ, trang bị hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt; chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra, tránh tình trạng bị động; vận động người dân tham gia bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm hại cho công trình, góp phần đảm bảo an toàn công trình, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.